Còn ý kiến khác nhau về áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn
Theo đại biểu Quốc hội, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng các tác động khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu, bảo đảm vừa hạn chế tiêu dùng, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế và doanh nghiệp. Việc tăng thuế cần có lộ trình và biện pháp hỗ trợ kèm theo để đạt được mục tiêu một cách hiệu quả.
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo vừa được trình Quốc hội và thảo luận tại nghị trường trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 8.
Đáng chú ý, tại dự thảo này, riêng về mức thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định áp thuế suất tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030.
Đây cũng là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận, doanh nghiệp, giới chuyên gia và các đại biểu Quốc hội.
Đề xuất giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, về mặt hàng rượu, đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án thuế như dự thảo luật.
Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, để hạn chế người dân uống rượu, bia không chỉ bằng công cụ thuế, mà cũng cần tăng cường xử phạt hành chính, kết hợp tuyên truyền như thời gian vừa qua.
“Vấn đề ở đây là công tác tuyên truyền, xử phạt, xử lý hành chính những người uống rượu, bia khi lái xe đã lập tức khiến người dân hạn chế uống rượu, bia chứ không phải là dùng công cụ thuế để hạn chế”, đại biểu phân tích.
Ông Ngân cũng bày tỏ đồng tình tăng thuế theo lộ trình đối với rượu, nhưng đối với bia cần phải cân nhắc thời điểm.
Theo đại biểu, đại dịch Covid-19 xảy ra, cộng với xử phạt hành chính đối với lỗi uống rượu bia khi tham gia giao thông đã khiến doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp bia sụt giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến người lao động làm việc trong ngành bia cũng như tới chuỗi hệ thống phân phối, các nhà hàng, dịch vụ bán lẻ… liên quan.
Do đó, ông Ngân cho rằng, việc áp thuế đối với bia cần phải cân nhắc, có thể lùi 1, 2 năm chứ nếu tăng sớm trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang “mệt mỏi” trong bối cảnh khó khăn vừa qua là chưa hợp lý.
“Điều quan trọng là số người đi theo chuỗi liên quan ngành bia rất lớn, cho nên quan điểm của tôi là ủng hộ tăng thuế đối với bia nhưng cần phải có độ trễ”, ông Ngân nói.
Cũng cho rằng phương án đề xuất hiện nay cần phải cân nhắc lại, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lập luận, bia không được coi như là một loại đồ uống gây nghiện và thường trong sinh hoạt hằng ngày được xem như là một sản phẩm giải khát tiêu dùng rất phổ biến.
Nếu tăng thuế cao sốc với mặt hàng bia có thể dẫn đến tình trạng tiêu dùng sản phẩm bia gắn với những hoạt động dịch vụ như ăn uống, nhà hàng, khách sạn, du lịch sẽ bị ảnh hưởng, trong khi đó chúng ta lại đang trong giai đoạn cần phải phục hồi nền kinh tế, đặc biệt liên quan đến tiêu dùng, dịch vụ.
“Chính phủ đang đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT 2% để kích cầu tiêu dùng, thế mà bây giờ lại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt này, như vậy vô hình trung lại đi ngược xu thế kích cầu tiêu dùng”, đại biểu Cường phân tích, đồng thời đề xuất trì hoãn thời điểm áp thuế đối với bia, không nên tăng trong năm 2025-2026 mà nên muộn hơn.
Theo đại biểu, nếu lùi lại như vậy sẽ vừa đáp ứng được mục tiêu đang mong muốn là phục hồi kinh tế, kích thích tiêu dùng, vừa có thời gian để cho người tiêu dùng nhận biết được sự thay đổi của thuế, cũng như các cơ sở sản xuất cũng có lộ trình để chuyển sang những sản phẩm có lợi hơn, từ đó công ăn việc làm, doanh thu sẽ không bị mất đi, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), với mặt hàng bia, Chính phủ nghiêng về phương án tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Theo Chính phủ, phương án 2 sẽ có tác dụng giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm rượu, bia mạnh hơn, tác động tốt hơn trong việc giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và giảm các tác hại liên quan do việc lạm dụng rượu, bia gây ra.
Trong khi đó, Cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho hay, đa phần ý kiến thẩm tra đồng tình với việc tăng thuế như phương án 2 của dự thảo luật.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc tính toán, đề xuất mức tăng hợp lý để có thể đạt được các mục tiêu đặt ra. Có ý kiến cho rằng, việc quy định thuế suất đối với bia bằng thuế suất đối với rượu trên 20 độ là chưa thực sự phù hợp vì tác hại của rượu hay bia phụ thuộc chính vào nồng độ cồn.
Bày tỏ ủng hộ phương án 2, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phân tích, việc sử dụng, lạm dụng rượu, bia gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội như tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh, trật tự, gia tăng các khoảng cách giàu nghèo, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao, có xu hướng tăng nhanh theo báo cáo của Chính phủ.
Do đó, để giảm mức tiêu thụ rượu, bia, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đại biểu lựa chọn phương án 2 theo các lộ trình thuế suất cụ thể như dự thảo.
Cần đánh giá tác động tới môi trường kinh doanh trước khi áp thuế
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu và đánh vào hàng hóa và dịch vụ xa xỉ, vào những người có thu nhập cao - những người sẵn sàng và có đủ điều kiện để trả thêm tiền thuế nhằm sở hữu hàng hóa hay thụ hưởng dịch vụ xa xỉ đó.
“Sau mười mấy năm áp dụng, lần này chúng ta điều chỉnh và sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là cơ hội để rà soát lại những mặt hàng nào là xa xỉ thì đưa vào diện chịu thuế, những mặt hàng nào không phải là xa xỉ thì đưa ra”, đại biểu Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ.
Ông Ngân cũng lấy thí dụ như xăng ở thời điểm hiện nay không phải là mặt hàng xa xỉ; đến khi nào nhà nước khuyến khích sử dụng năng lượng sạch thì mới lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng để hạn chế phương tiện cá nhân.
Cũng bày tỏ ủng hộ việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng xa xỉ nhằm định hướng tiêu dùng, tuy nhiên đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, cần tránh việc điều chỉnh thuế đối với những mặt hàng thiết yếu.
Đồng thời, đại biểu đề nghị cần rà soát, đánh giá, nhất là đánh giá tác động tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp trước khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Nếu tăng thuế gấp quá sẽ tác động ngay tới doanh nghiệp và môi trường kinh doanh”, đại biểu Trịnh Xuân An nhận định.
Về thuế suất, lộ trình và mức tăng thuế, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho rằng, cần căn cứ vào tình hình thực tế của ngành sản xuất, chuỗi cung ứng, nguyên liệu và nhu cầu tiêu dùng.
Theo nữ đại biểu, việc tăng thuế quá cao và đột ngột có thể gây tác dụng ngược, như khiến sản xuất sụt giảm, hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu gia tăng, không hạn chế được tiêu dùng, hay gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.