Kinh tế số 'chìa khóa' phát triển bền vững nông nghiệp Quảng Ngãi
Với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số nông nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, những năm qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ngãi đã thực sự vào cuộc, bước đầu đem lại những kết quả khích lệ, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, công tác phát triển kinh tế số nông nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi tỉnh cần phải xây dựng các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, bước chuyển biến rõ nét nhất trong chuyển đổi số, kinh tế số nông nghiệp ở Quảng Ngãi là nông dân đã chủ động tiếp cận công nghệ số và tích cực tham gia thu thập và cung cấp dữ liệu mở phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; các nền tảng số phục vụ nhu cầu của người nông dân; các nền tảng dữ liệu số nông nghiệp đang được các cơ quan quản lý đẩy mạnh việc tập huấn, đào tạo kết hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp, hỗ trợ nông dân phát triển kỹ năng và tri thức số, sử dụng được cơ bản các công nghệ số ứng dụng trong nông nghiệp, ưu tiên nhóm kỹ năng về sử dụng, khai thác các sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử.
Để có được chuyển biến như trên, đồng chí Hồ Trọng Phương cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi luôn xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là “chìa khóa” cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp Quảng Ngãi, với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản trị và quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng hệ thống dữ liệu ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm OCOP.
Cụ thể, ngoài việc từng bước hoàn thiện chính sách, quy định cho chuyển đổi số, ngành nông nghiệp còn tập trung phát triển hạ tầng số, dữ liệu số. Đến nay, đã cung cấp 50 dịch vụ công trực tuyến thuộc các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y, quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp. Phần lớn các dịch vụ công trực tuyến đều được giải quyết đúng thời hạn.
Trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, thực hiện ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong tưới tiết kiệm, vận hành tưới tự động đối với cây lúa, cây rau màu với diện tích gần 3.000 ha; triển khai xây dựng mã số vùng trồng một số sản phẩm như hấu, ớt;cấp 13 giấy xác nhận mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa và một mã số vùng trồng xuất khẩu trong lĩnh vực trồng trọt. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo đối với bò và lợn giúp cải tạo nhanh chất lượng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh. Kết quả, sau quá trình lai tạo, tỷ trọng đàn bò lai trên địa bàn tỉnh ước đạt 78,6%.
Đơn cử, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hà Tân ở huyện Tư Nghĩa và trại chăn nuôi lợn Huỳnh Cường ở huyện Bình Sơn sử dụng công nghệ giám sát trại chăn nuôi bằng hệ thống ca-mê-ra từ xa. Hay như trang trại chăn nuôi lợn thịt theo hướng công nghiệp sạch Phú Hiệp ở huyện miền núi Minh Long sử dụng công nghệ dây chuyền thức ăn công nghiệp tự động, nhân công chỉ cần nhấn nút, thức ăn tự động đổ vào các máng ăn...
Đối với lĩnh vực thủy sản, nhiều ngư dân đã ứng dụng công nghệ mới trong đóng tàu, đầu tư mua sắm máy dò ngang trong khai thác thủy sản, ứng dụng hệ thống cơ giới hóa trong khai thác, chuyển đổi các nghề khai thác mới như: nghề mành chụp bốn tăng gông, nghề lưới rê bùng nhùng, ứng dụng ra-đa hàng hải, trang bị máy thông tin liên lạc VX-1700 tích hợp định vị GPS; ứng dụng công nghệ hầm bảo quản PU trong bảo quản sản phẩm trên tàu cá; máy sản xuất đá vảy từ nước biển, hệ thống cấp đông.
Toàn tỉnh có 2.957 tàu cá có chiều dài 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 99,43%. Đáng chú ý, sáng kiến tiếp nhận, giải quyết một số thủ tục hành chính liên quan đến tàu cá bằng phương thức gọi điện thoại và đăng ký nhận kết quả giải quyết tại nhà đã giúp chủ tàu cắt giảm thời gian, chi phí đi lại, loại bỏ chi phí không chính thức từ việc nhờ đối tượng làm dịch vụ nộp hồ sơ, nhận kết quả thay.
Để nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp, cải thiện đời sống của nông dân các vùng nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững, tỉnh còn đưa 130 sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử, xây dựng 13 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần xây dựng nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả với chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu, khai thác tốt tiềm năng, nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương đánh giá, công tác chuyển đổi số, đặc biệt phát triển kinh tế số nông nghiệp của tỉnh mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu, phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, từ đó đề ra các định hướng, giải pháp phù hợp, huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong phát triển kinh tế số nông nghiệp của tỉnh thời gian tới.
Trong đó, tập trung xây dựng nền tảng dữ liệu nông nghiệp số toàn diện về cây trồng, vật nuôi, đất đai, thời tiết và thị trường tiêu thụ nông sản; nhân rộng các mô hình nông nghiệp đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, phù hợp với định hướng phát triển ngành nông nghiệp gắn với việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Đồng thời, khuyến khích nông dân thực hiện các hình thức liên kết, đẩy mạnh phát triển nhân rộng vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP và thực hiện đồng bộ quy trình trên diện rộng, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn đạt yêu cầu chất lượng, đáp ứng yêu cầu cho thị trường; khuyến khích người nuôi và thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nuôi thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp hiện đại, ứng dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu, lựa chọn các đối tượng có giá trị kinh tế; tổ chức đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin, thương mại điện tử và các kỹ năng số cho nông dân, giúp họ chủ động trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.