Bài cuối: Tầm nhìn cho tương lai
Việc hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhằm kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Đầu tư phát triển cao tốc là tất yếu khách quan
Để hoàn thành mục tiêu "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông", thời gian qua Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống cao tốc theo quy hoạch. Cụ thể, toàn bộ 11 dự án thành phần (DATP) của Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đã hoàn thành đưa vào khai thác, nâng tổng số km đường bộ cao tốc thuộc tuyến Bắc – Nam phía Đông lên 1.206km. Đang triển khai thi công 842km, trong đó có 729km thuộc Dự án gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km); quy mô đầu tư phân kỳ 4 làn xe (giải phóng mặt bằng cho giai đoạn hoàn thiện 6 làn xe), sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Dự án được chia thành 12 DATP vận hành độc lập, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các DATP được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công (Bộ GTVT là cơ quan chủ quản).
Tiến độ Dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026. Như vậy, đến năm 2026 sẽ cơ bản nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc.
Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đường bộ cao tốc gắn chặt với tiến trình công nghiệp hóa của nhiều nước trên thế giới. Các nước tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Đức, Nhật, Hàn Quốc… đều có hệ thống đường cao tốc rất phát triển. Trong đó, Hoa Kỳ có khoảng 75.000km đường cao tốc liên bang, Đức hơn 13.000km, Nhật Bản gần 10.000km, Hàn Quốc hơn 6.160km đường bộ cao tốc…
Ở nước ta, các tỉnh, thành phố có đường bộ cao tốc kết nối đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, tạo diện mạo mới cho địa phương. Các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đều có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân cao hơn so với cả nước. Cụ thể, giai đoạn 2011-2019, GRDP của Hải Phòng tăng 12,89%, Quảng Ninh 9,91%, Hải Dương 8,62%, Long An 10,23%..., trong khi tốc độ tăng GDP cả nước đạt khoảng 6,3%. Trong thời kỳ mới, đường bộ cao tốc một lần nữa có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 2.063km được xác định là hành lang xương sống quốc gia trong thời kỳ mới. Việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đã thông qua.
Hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng: Kết nối Trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, tác động đến 62,1% dân số, đóng góp 65,7% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 74% các cảng biển (loại I, II), 75% các khu kinh tế, đặc biệt kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long), kết nối với 16/23 cảng hàng không với 91% lưu lượng hành khách…
Con đường mang tính đột phá để phát triển
Vào đầu tháng 11/2024, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Tham gia ý kiến thảo luận, các đại biểu cho rằng, trong năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết sách của Quốc hội, sự điều hành năng động, sáng tạo, sát sao, linh hoạt, kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó dự kiến cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, tăng trưởng GDP ước đạt 6,8-7%, thu ngân sách Nhà nước ước tăng trên 10%. Góp phần vào kết quả này, có sự đóng góp không nhỏ của việc hoàn thiện các tuyến đường cao tốc, góp phần phát triển hạ tầng giao thông…
Tại hội trường kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển đột phá của hạ tầng giao thông, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) khẳng định, chưa bao giờ hạ tầng khu vực đồng bằng sông Cửu Long lại được dồn lực đầu tư mạnh mẽ như hiện nay. Từng là "vùng trũng" cao tốc, đến nay khu vực này đã có 120km cao tốc đưa vào khai thác. Mục tiêu đặt ra là năm 2025, toàn vùng sẽ có khoảng 548km, năm 2030 là 763km.
"Đây là những quyết sách quan trọng của Quốc hội, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mở ra cơ hội đầu tư, tạo đột phá, thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển vươn lên cùng cả nước", bà Thanh nói. Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng đánh giá: "Giao thông như mạch máu. Khi mạch máu thông suốt, không có điểm nghẽn thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển thông suốt. Chúng tôi ở miền núi, vùng sâu vùng xa nên hiểu rất rõ, khi giao thông phát triển bền vững thì kinh tế phát triển theo, tăng trưởng rất nhanh. Tăng trưởng GDP, thu ngân sách của Lâm Đồng tăng từng năm, một trong những đóng góp lớn chính là ở hạ tầng giao thông". Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), trong đầu tư công, giao thông là ngành mũi nhọn, được giao vốn rất lớn và hiện có tốc độ giải ngân hàng đầu. Nhờ đó, hàng loạt dự án lớn đã hoàn thành.
"Nhờ giao thông được cải thiện, các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm đến trong nhiều năm qua. Trong khi vốn đầu tư ở các nước ngoài giảm thì ở Việt Nam lại tăng cao", ông Trần Hoàng Ngân chia sẻ và cho biết, hệ thống cầu cảng, hàng không, đường biển thành hình… đã vun đắp thêm kết quả tăng trưởng kinh tế đất nước thời gian qua. Để có được điều này, theo ông Trần Hoàng Ngân, bên cạnh chủ trương đúng đắn của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, còn phải nhắc tới quyết tâm chính trị của toàn ngành Giao thông, những nỗ lực vượt khó, vượt khổ của công nhân ngày đêm trên công trường, không ngại nắng mưa, không quản lễ, Tết. Nhìn nhận tầm quan trọng của phát triển hạ tầng giao thông với phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu đều đề xuất, thời gian tới cần tiếp tục tập trung, dồn nguồn lực để triển khai nhanh các dự án hạ tầng giao thông để tăng cường kết nối vùng, tạo tiền đề cho tăng trưởng.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc hoàn thiện 3.000km đường cao tốc sẽ là lực hút rất lớn đối với các nhà đầu tư. Vị này cũng cho rằng, với đường cao tốc Bắc - Nam, chúng ta phải có phương án kết nối quốc tế, với Lào, Campuchia hay Trung Quốc, giúp tiết giảm chi phí giao thương, xuất, nhập khẩu thuận lợi. Trong khoảng 10 năm tới, trọng tâm của Việt Nam vẫn là tập trung phát triển hạ tầng. Trong đó, cao tốc Bắc - Nam có thể trở thành con đường mang tính lịch sử về hệ thống giao thông cấp cao, xuyên suốt chiều dài cả nước. Trục đường xương sống này mang đến triển vọng mở rộng các khu đô thị cũ, phát triển các khu đô thị mới, thúc đẩy tăng trưởng. Muốn tối đa hóa lợi ích từ việc đô thị hóa đó, phải quy hoạch toàn bộ mạng logistics đi kèm. Chúng ta phải thiết kế ngay từ đầu, con đường này sẽ đi qua đâu, hình thành những khu đô thị nào, từ đó dành đất đai để xây dựng bến bãi, kho tàng, kho trung chuyển. Các nhà quy hoạch cũng có thể nhận ra chỗ này xây khu công nghiệp, chỗ kia là nhà ở công nhân, hay dịch vụ đi kèm...
Hiện nay, nước ngoài đánh giá rất cao về triển vọng phát triển của Việt Nam, bởi họ nhìn vào những thế mạnh của chúng ta, từ lực lượng lao động, cho đến hạ tầng là những con đường cao tốc, những cây cầu, sân bay, bến cảng... và khát vọng vươn lên. “Tôi đã và đang làm việc với nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đang quan tâm, tìm kiếm cơ hội và chuẩn bị kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Họ luôn có tầm nhìn xa và họ sẽ nhìn chúng ta bằng hình hài của con đường cao tốc cao cấp, nối 2 đầu đất nước hay những dự án hạ tầng khác đã và đang hình thành. Như vậy, họ sẽ tập trung đầu tư nhiều hơn, dài hạn hơn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Tại lễ phát động thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc" vào ngày 18/8/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương chia sẻ: “Với thế và lực đã tích lũy được sau gần 40 năm đổi mới, trong đó có đội ngũ những nhà thầu, những người công nhân lao động đã được tôi luyện, thử thách qua các dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia thời gian qua; sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với những thời cơ, thuận lợi mới, cơ hội mới, tôi tin rằng với sự quyết tâm, đồng lòng, chúng ta sẽ đạt và vượt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc”.
Thủ tướng còn nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng coi phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng. Quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ là động lực để tất cả các địa phương, các lực lượng nỗ lực không ngừng để đến năm 2025, Việt Nam sẽ đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc, mở ra một tầm nhìn mới cho đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…