Côn Sơn - Kiếp Bạc ghi dấu ấn đẹp trong lòng du khách
Về trẩy hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), mỗi du khách trong và ngoài tỉnh Hải Dương đều có thể tìm thấy những giá trị níu giữ tâm hồn từ truyền thống mạch nguồn dân tộc đến phong cảnh hữu tình.
![Đông đảo du khách thập phương về Côn Sơn - Kiếp Bạc dịp lễ hội mùa xuân này. Ảnh: VĂN TUẤN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_428_51475195/2c77c389f1c7189941d6.jpg)
Đông đảo du khách thập phương về Côn Sơn - Kiếp Bạc dịp lễ hội mùa xuân này. Ảnh: VĂN TUẤN
Về với cội nguồn
Bước chân trên những bậc đá vào đền thờ Nguyễn Trãi giữa tiết trời mùa xuân, chị Trịnh Thị Hiền (huyện Bình Lục, Hà Nam) thấy lòng thật thư thái. Chị Hiền cho biết, chị là giáo viên dạy văn nên khi về với khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc có cảm giác như về với cội nguồn dân tộc, tất cả đều rất ý nghĩa. Từ Hà Nam quê chị sang đây không quá xa nên chị đã đến Côn Sơn - Kiếp Bạc nhiều lần vào cả lễ hội mùa xuân và mùa thu.
Năm nay, bà Đoàn Ngọc Nga ở quận Hà Đông (Hà Nội) lại cùng nhóm bạn nghỉ hưu của mình về trẩy hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc. Bà Nga cho biết, sở dĩ mọi người rất thích đến Côn Sơn - Kiếp Bạc vì nơi đây hội tụ đủ yếu tố vừa được về với miền đất Phật, vừa được chiêm bái những tướng tài, danh nhân của dân tộc. Đặc biệt năm nào vào dịp này, đoàn khách của cô Nga cũng được xem những chương trình ý nghĩa tại lễ hội như thi gói bánh chưng, bánh giầy hay đấu vật…
![Nhiều du khách phương xa đến tìm hiểu về những giá trị dân tộc ở Côn Sơn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_428_51475195/09c0ff3ecd70242e7d61.jpg)
Nhiều du khách phương xa đến tìm hiểu về những giá trị dân tộc ở Côn Sơn
Về nơi đây mang đến cho nhiều người cảm giác như tìm về cội nguồn dân tộc vì Côn Sơn - Kiếp Bạc là vùng danh sơn huyền thoại, gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi - hai vị anh hùng dân tộc kiệt xuất đã làm rạng rỡ cho non sông đất nước, cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc như: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Nguyên Đán…
Những di tích và tên tuổi các danh nhân, danh tướng của Thiền phái Trúc Lâm, đặc biệt là của Nguyễn Trãi, đã nâng tầm Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành quốc tự, thành di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, thành nơi đi về trong đời sống tâm hồn của nhiều người dân Việt.
Hằng năm, ở Côn Sơn - Kiếp Bạc có 2 kỳ lễ hội truyền thống mùa xuân và mùa thu. Lễ hội mùa xuân kỷ niệm ngày viên tịch của Đệ tam Thánh tổ Huyền Quang tôn giả (ngày 23 tháng giêng). Lễ hội mùa thu tưởng niệm ngày mất của Đức Thánh Trần Hưng Đạo (ngày 20/8 âm lịch) và ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (ngày 16/8 âm lịch). Cả 2 lễ hội đều có nhiều nghi thức truyền thống đặc sắc và những trò chơi dân gian hấp dẫn.
Vãn cảnh chốn “Bồng Lai”
![Đoàn giáo viên và sinh viên Trường Đại học Keimyung (Hàn Quốc) nghe giới thiệu về chùa Côn Sơn. Ảnh: TUẤN ANH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_428_51475195/0718f9e6cba822f67bb9.jpg)
Đoàn giáo viên và sinh viên Trường Đại học Keimyung (Hàn Quốc) nghe giới thiệu về chùa Côn Sơn. Ảnh: TUẤN ANH
Ngoài các giá trị về lịch sử, văn hóa, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc còn là miền đất có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc. Kiếp Bạc có dãy núi Trán Rồng hùng vĩ bao quát cả một vùng non nước Lục Đầu giang, cảnh sắc sơn thủy hữu tình.
Còn với Côn Sơn, nơi mà cụ Nguyễn Trãi từng viết rằng: “Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai/ Côn Sơn có đá rêu phơi/ Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm/ Giữa rừng thông mọc như nêm...”.
Vẻ đẹp thơ mộng ấy nào đâu khác gì chốn “Bồng Lai tiên cảnh”, làm say mê bao người, kể cả du khách nước ngoài.
Đến vãn cảnh Côn Sơn vào ngày 12/2, giữa Lễ hội mùa xuân, bà Fonvieille Laure (sinh năm 1957), người Pháp gốc Việt không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây.
“Tôi là người theo đạo Phật. Ở Pháp hay đi đến nơi đâu tôi cũng thường đến chùa cầu may. Nhưng ở đây, chùa không chỉ đẹp mà cảnh quan thiên nhiên xung quanh cũng tuyệt đẹp”, bà Fonvieille Laure cho biết.
![Đoàn giáo viên và sinh viên Trường Đại học Keimyung (Hàn Quốc) tham quan, chiêm bái chùa Côn Sơn. Ảnh: TUẤN ANH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_428_51475195/e925ebdbd99530cb6984.jpg)
Đoàn giáo viên và sinh viên Trường Đại học Keimyung (Hàn Quốc) tham quan, chiêm bái chùa Côn Sơn. Ảnh: TUẤN ANH
Dịp này, chị Ahn seeun, sinh viên Trường Đại học Keimyung (Hàn Quốc) cùng giáo viên và các bạn sang giao lưu tại Trường THPT Thành Đông (TP Hải Dương). Sau khi được giới thiệu về mảnh đất và con người Hải Dương, đoàn đến Côn Sơn - Kiếp Bạc chiêm bái. Thắp xong nén nhang trước chùa Côn Sơn, chị Ahn seeun cho biết: “Cảnh vật nơi này thật linh thiêng, lại rất đẹp nữa. Tôi đã thắp hương và nguyện cầu sức khỏe, việc học tập tốt đẹp. Tôi nghĩ, các bạn của tôi khi đến nơi này cũng vậy. Một nơi an lành và sẽ cầu nguyện những điều an lành”.
Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, thiên nhiên của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, những năm gần đây, bằng nhiều nguồn lực, Hải Dương đã tôn tạo, tu bổ các di tích vừa bảo tồn được nét truyền thống vốn có, vừa phong quang, sạch đẹp. Đồng thời, tỉnh cũng nâng tầm lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc với rất nhiều chương trình và hoạt động ý nghĩa về cả phần lễ và phần hội, càng trở nên thu hút khách thập phương.
Từ Tết Ất Tỵ đến nay đã có hàng vạn du khách đến với Côn Sơn - Kiếp Bạc, tạo không khí vui tươi nơi chốn Tổ Thiền Lâm và vùng đất Vạn Kiếp linh thiêng.
Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học... Côn Sơn - Kiếp Bạc là một bộ phận cấu thành, không thể tách rời của quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Vì vậy, Côn Sơn - Kiếp Bạc của Hải Dương cùng với Yên Tử (Quảng Ninh), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) đã được hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.