Con rắn - từ vật thường đến vật linh
PGS.TS. Trang Thanh HiềnTrong lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam, rắn có lẽ là một trong những con vật hiếm hoi được khắc họa thành hình tượng độc lập. Ấy nhưng trong hệ thống vật linh đúc nổi trên Cửu đỉnh triều Nguyễn, rắn đã hiện diện trên hai chiếc đỉnh là Huyền đỉnh và Anh đỉnh.
Cửu đỉnh là một trong những di sản văn hóa đặc biệt của triều Nguyễn. Năm 1835, chín chiếc đỉnh đồng được vua Minh Mạng cho đúc nhằm tôn vinh sự hưng thịnh của triều đại nhà Nguyễn và quốc gia Đại Nam. Điều độc đáo nhất của chín chiếc đỉnh đồng này là hình ảnh đất nước Việt Nam được đúc nổi trên những chiếc đỉnh đồng. Mỗi chiếc đỉnh gồm 17 hình ảnh được lựa chọn theo các chủ đề, đề tài khác nhau và tuân theo con số 9 - con số linh như thiên tượng, linh vật, lãnh hải, sông núi, cầm thú, côn trùng, thảo mộc, kiến trúc, xe kiệu, thuyền bè vũ khí… Tất cả đã khái quát nên “bách khoa toàn thư” về một quốc gia Đại Nam giàu có và cường thịnh thời bấy giờ. Và trong những hình khắc này, hình tượng con rắn lần đầu tiên xuất hiện độc lập trên hai chiếc đỉnh đặt trước Thế Miếu tại kinh thành Huế.
Con vật quan trọng trong tín ngưỡng người Việt
Có thể nói, việc lựa chọn hình ảnh con rắn để khắc nổi trên Huyền đỉnh và Anh đỉnh mang ý nghĩa khá đặc biệt. Trước hết, để rắn xuất hiện trên Cửu đỉnh triều Nguyễn không đơn thuần là loài vật thường gặp trong đời sống của người Việt, mà bởi nó được xếp vào hàng chín con vật linh. Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, bộ chín con vật linh này bao gồm: Long (rồng), Miết (con trạnh), Nhân Ngư (cá ông), Linh Quy (rùa thiêng), Ngạc ngư (Cá sấu), Đại Mại (con đồi mồi), Ngoan (rùa biển), Nhiêm xà (con trăn lớn) và Mãng Xà (con rắn lớn).
Bộ vật linh này khác biệt hoàn toàn với những con vật linh thường gặp trong các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo. Khi nhắc đến vật linh người ta thường nghĩ ngay đến bộ tứ linh Long - Ly - Quy - Phụng (Rồng - Lân - Rùa - Phượng), trong đó duy nhất rùa là con vật có thật. Còn bộ chín con vật linh trên Cửu đỉnh có lẽ duy nhất rồng là con vật có tính chất hư cấu; các con vật khác đều có thật và từ xa xưa, gắn với đời sống sinh hoạt và tâm linh của người Việt. Điển hình như cá Ông (Nhân Ngư) gắn liền với tín ngưỡng thờ cá ông voi của cư dân vùng biển phía Nam.
Riêng rắn, từ thời cổ đại, đã đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng thờ các thế lực tự nhiên của người Việt. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, ông Hổ và ông Lốt đã trở thành hai linh vật quan trọng. Ông Lốt được thờ trong các đền phủ là Thanh Xà (rắn xanh) và Bạch Xà (rắn trắng) và được huyền thoại hóa thành thủy thần Tam Đầu Cửu Vĩ, tức rắn ba đầu, chín đuôi. Con vật huyền thoại này đã trở thành vật cưỡi của một số Quan Hoàng, như Quan Lớn Đệ Tam (Hoàng Bơ), Quan Hoàng Cả… Tuy nhiên trong tranh thờ dân gian Hàng Trống, hình tượng con rắn hiếm khi được tạo hình một cách độc lập mà thường chỉ góp mặt trong những khung cảnh sông nước hay được khắc họa cùng hình tượng các ông Hoàng kể trên.
Huyền thoại hóa thành vật linh
Trở lại với hình ảnh những con rắn được khắc trên Cửu đỉnh, có lẽ việc chúng được xếp vào bộ chín linh vật còn phản ánh quá trình biến đổi từ một con vật thường gặp trong dân gian trở thành một con vật linh thiêng. Trên thực tế, rắn vốn là con vật khiến dân gian e sợ bởi chúng thường náu mình cả trên cạn, lẫn dưới nước. Đi rừng núi, sông nước mà gặp rắn, bị rắn cắn thường dẫn đến mất mạng. Đây cũng là lý do, hình tượng con rắn trong văn hóa dân gian ít khi được khắc họa một cách độc lập nếu không phải được huyền thoại hóa thành vật linh - thần rắn.
Việc lựa chọn hình tượng rắn để đúc nổi trên cả Huyền đỉnh và Anh đỉnh của Triều Nguyễn được xem là sự tri ân của vua Minh Mạng đối với rắn - “vị thần” đã giúp cha mình là vua Gia Long trong những ngày gian khó chống lại sự truy đuổi của nhà Tây Sơn. Sách “Đại Nam thực lục” chép sự kiện này như sau: “Năm 1782, vua đến Hà Tiên, đi thuyền nhỏ qua biển. Đêm tối không thấy rõ, ở gầm thuyền hình như có vật gì đội, tang tảng sáng nhìn ra thì đó là một đàn rắn. Người đi theo đều lấy làm sợ. Vua giục cứ đi, một lát thì đàn rắn đi mất”.
Và, trong vô số loài rắn, hai loại lớn nhất là Nhiêm Xà và Mãng Xà đã được Minh Mạng cho chọn để chạm khắc, đúc nổi lên Anh đỉnh (chiếc đỉnh tượng trưng cho sự sáng suốt) và Huyền đỉnh (chiếc đỉnh tượng trưng cho sự huyền diệu, thần kỳ). Do đó, hai loài rắn lớn này cũng xuất hiện với hai thần thái khác biệt.
Nhiêm Xà xuất hiện như một con vật đời thường. Nhiêm Xà còn được gọi là Mai Cảnh Xà, là loài rắn lớn (trăn), thường ẩn mình trong rừng, rình các con thú đi qua thì quăng mình bắt mồi, nuốt ăn. Hình ảnh con trăn chạm khắc trên Anh đỉnh (đỉnh đồng thứ 3 từ phía tay trái vào nhìn từ Thế Miếu ra Hiển Lâm Các) được mô tả là giống trăn lớn, cuộn tròn trên mặt đất giữa các bụi cỏ, trên mình nó có những vằn hoa và kẻ sọc. Miệng của nó đang nuốt một con vật dạng như hươu, hoẵng, mà hai chiếc chân sau còn thò ra ở miệng. Dẫu thần thái của con rắn này có phần dữ tợn nhưng hết sức đời thường.
Trong khi đó, hình tượng Mãng Xà, đúc nổi trên Huyền đỉnh (đỉnh đồng nằm ngoài cùng bên phía tay phải nhìn từ Thế Miếu ra Hiển Lâm Các) được khắc họa ít nhiều giống với các con rắn trong điện thờ Đạo Mẫu, tức không nằm bò sát dưới đất mà được thể hiện như một con vật linh trong huyền thoại. Trong các điện thờ Mẫu, Thanh Xà - Bạch Xà thường vắt trên các kèo cột trước những án thờ như thể hiện ra các vị thần này hiện hữu trên một tầng vũ trụ khác, cai quản bầu trời hoặc cõi huyền không. Mãng Xà trên Cửu đỉnh cũng vậy, con vật được tạo hình như đang bay trên những đám mây lớn, mà sự xuất hiện của nó đã làm cho mưa gió nổi lên, khiến mặt đất như rung chuyển, cỏ cây rạp xuống ngả nghiêng. Chiếc đuôi dài, nhọn, mình đầy vẩy tròn và chiếc lưỡi dài chẻ ra làm ba vừa như đang phun lửa, vừa thể hiện chính xác đặc điểm sinh học của Mãng Xà.
Một đặc điểm khác trong lối thể hiện hình tượng Mãng Xà là cách thức nghệ nhân mô tả khuôn miệng con rắn. Khóe miệng hơi cong lên như hơi cười, giảm đi cảm giác về độ dữ dằn, tạo ra thần thái gần gũi và vui tươi. Dẫu rằng với nghệ thuật chạm khắc đúc nổi trên chất liệu đồng, chất liệu này chỉ có một màu, nhưng với sự diễn tả nét khắc cùng với độ nổi cao thấp, dày mỏng đã tạo ra thần thái đặc biệt cho hình tượng linh vật.
Có thể nói, hình tượng con rắn trên Cửu đỉnh triều Nguyễn thực sự độc đáo. Chúng không chỉ đem lại giá trị bản sắc, góp phần vào hệ thống vật linh của người Việt mà còn thể hiện thiên nhiên phong phú trong sự dạng sinh học ở Việt Nam. Trên dải đất hình chữ S, những con vật có thật được hóa hình trong những con vật linh, làm nên một nền văn hóa tinh thần giàu có, súc tích và đậm bản sắc.