Đón Tết Ất Tỵ, tìm hiểu về tục thờ rắn trong văn hóa Phương Đông
Theo lịch Can Chi, năm mới sắp đến Ất Tỵ 2025 có con giáp cầm tinh là con rắn. Tùy theo cách nhìn của từng nền văn hóa con rắn là con vật linh thiêng hoặc uy nghi.
Tục thờ rắn thần Naga
Đối với những nước chịu ảnh hưởng nhiều của nền văn minh Ấn Độ như Campuchia, Thái Lan... rắn là con vật linh thiêng được tôn thờ.
Nổi bật trong đó là tín ngưỡng thờ rắn thần Nāga ở các nước này. Nāga được xem là chúa tể của loài rắn, được tôn thờ dưới hình dạng một con rắn hổ mang bành uy nghi.
Từ văn hóa Hindu, hình tượng rắn Nāga đã đi vào các điển tích Phật giáo. Truyền thuyết kể rằng vào tuần thứ sáu sau khi đắc đạo, khi đức Phật đang ngồi thiền thì mưa bão kéo đến liên tiếp trong nhiều ngày. Rắn thần Nāga đã chui ra từ ổ của mình, lấy thân quấn quanh Đức Phật 7 vòng rồi dùng đầu với cái mang bành ra để che mưa che gió cho Phật ngồi thiền. Đến khi bão qua, rắn biến thành một thanh niên chấp tay đảnh lễ Phật.
Từ tích truyện này, kiến trúc đền, chùa tại nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia hay Thái Lan thường xuất hiện hình ảnh rắn thần Nāga từ lối vào, trên mái cho đến tượng Phật với bệ đỡ là thân hình của rắn Nāga.
Tại Việt Nam, nền văn hóa Champa ảnh hưởng từ văn minh Ấn Độ cũng xuất hiện tục thờ rắn thần Naga theo phổ văn hóa trải rộng khắp vùng.
Huyền thoại dùng rắn khuấy biển sữa
Một tích truyện nổi tiếng khác là thần thoại của Ấn Độ về việc khuấy biển sữa. Thần thoại này bắt nguồn từ kinh Vishnu Purana trong đó kể về sự kiện các chư thiên (những vị thần trên các cõi trời) và các á thần (các ác thần thích chiến tranh) hợp lực sử dụng một con rắn lớn có tên Vasuki làm dây quấn để buộc vào ngọn núi Mandara. Hai bên kéo con rắn Vasuki tới lui khuấy động đại dương để xoay ngọn núi.
Hai bên kéo qua kéo lại con rắn hàng ngàn năm làm đại dương sủi bọt biến nước biển thành bơ. Từ đại dương bị khuấy động xuất hiện Mặt Trăng và Mặt Trời. Từ truyền thuyết khuấy biển sữa này, con rắn đã đi vào kiến trúc và điêu khắc. Hiện nay ai có dịp đến sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok – Thái Lan đều có thể thấy bức tượng tái hiện hoạt cảnh khuấy biển sữa ở sảnh.
Hút khách du lịch từ xiếc rắn
Trong khu vực, Thái Lan là một trong những nước tiêu biểu biết tận dụng loài rắn để phát triển du lịch. Điển hình là màn xiếc rắn ở vườn bách thảo Nong Nooch (thành phố Pattaya). Ở đây, các chuyên gia về rắn dùng gậy móc để điều khiển các con rắn hổ mang diễn trò theo ý mình.
Cách giao tiếp bằng mắt đi kèm những cử chỉ tay điêu luyện của những anh chàng xiếc rắn đã khiến những chú rắn hổ mang như bị thôi miên, uốn éo thân theo từng cử động của người điều khiển. Khách du lịch đông nghẹt từ nhiều quốc gia đến xem những màn xiếc rắn đã đem đến doanh thu khổng lồ cho ngành du lịch Thái.
Trung tâm nuôi rắn của Hoàng gia Thái Lan cũng là một điểm tham quan thú vị. Đây là nơi nuôi dưỡng nhiều loài rắn dùng để lấy nọc làm huyết thanh, đồng thời cũng là trung tâm giáo dục cộng đồng trong hoạt động chữa trị rắn cắn. Thái Lan giờ đây đã trở thành một trong những nước xuất khẩu huyết thanh trị rắn cắn hàng đầu Thế giới.