Con đường ngắn nhất đến niềm tin của cử tri

Những ngày đầu tháng 9 thiêng liêng, nhớ giờ phút lịch sử Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhớ câu hỏi giản dị và gần gũi của vị Lãnh tụ: 'Tôi nói đồng bào nghe rõ không?'. Sau câu hỏi của Bác, cả biển người đồng thanh trả lời 'Có'. Khoảng cách địa vị giữa lãnh tụ và người dân được xóa đi, Bác Hồ cùng với biển người, cùng với cả dân tộc Việt Nam hòa làm một, trở thành sức mạnh vô song. Chợt suy ngẫm về trách nhiệm, mối liên hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri - để học tập và làm theo một phong cách lớn nhưng hết sức giản dị của Người: gần gũi dân, lắng nghe dân, nói dân hiểu, làm dân tin.

Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi trao đổi với người dân huyện Tư Nghĩa về điều kiện sống ở nơi tái định cư. Ảnh: Q.T

Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi trao đổi với người dân huyện Tư Nghĩa về điều kiện sống ở nơi tái định cư. Ảnh: Q.T

Đó là bài học đạo đức mỗi đại biểu dân cử phải luôn tâm niệm và rèn luyện; cũng là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để đại biểu đến được với niềm tin của cử tri.

Trường học lớn để đại biểu dân cử rèn luyện và dấn thân

Trong hành trang thực hiện nhiệm vụ dân cử của mình, gặp gỡ, liên hệ với cử tri chính là trường học lớn để đại biểu dân cử trưởng thành hơn, rèn luyện nhiều hơn để làm tròn vai trò, nhiệm vụ cử tri, Nhân dân đã tín nhiệm giao cho.

Trong mối liên hệ với cử tri, đại biểu dân cử chính là “cầu nối” để xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, để qua đó củng cố niềm tin của người dân vào bộ máy Nhà nước; đồng thời, tạo điều kiện cho Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Ở chiều ngược lại, pháp luật không quy định nhưng trên thực tế, đại biểu thụ hưởng rất nhiều từ mối liên hệ với cử tri. Thông qua nhiều kênh như tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, gặp gỡ cử tri... đại biểu được cung cấp nguồn thông tin thực tiễn đa dạng, nhiều chiều, thấy được những mâu thuẫn phát sinh, những thiếu sót trong quy định của pháp luật, trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền. Từ đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật hoặc có những kiến nghị kịp thời đối với cơ quan có thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cử tri cũng như hạn chế, chấn chỉnh những sai sót trong quản lý điều hành của bộ máy Nhà nước.

Qua liên hệ với cử tri, đại biểu tiếp nhận ý kiến kiến nghị của cử tri; khiếu nại, tố cáo của công dân để yêu cầu và đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Cũng chính từ đây, đại biểu có thể phát hiện ra những vấn đề bức xúc, cấp bách cần được xem xét, giải quyết để tiến hành các hoạt động giám sát, chất vấn - Đó có thể là những nội dung rất bao quát, cũng có thể là vấn đề thực tiễn hết sức cụ thể, điều quan trọng là khi được phản ánh thành chuyên đề giám sát hay chất vấn tại nghị trường sẽ có tác dụng đánh động tới cơ quan chức năng những yếu kém, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành và thanh, kiểm tra; đồng thời, yêu cầu cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm bao quát hơn trong quản lý ngành và lĩnh vực, vì mục tiêu phục vụ tốt nhất cho Nhân dân.

Các ý kiến của cử tri cũng chính là phản hồi về sự cần thiết, tính khả thi và hiệu quả của các chính sách, pháp luật nhà nước trong đời sống xã hội. Do đó, từ ý kiến cử tri, đại biểu có thêm chất liệu từ cuộc sống để tham gia thực hiện chức năng quyết định của cơ quan dân cử, bảo đảm cho mọi chủ trương, quyết sách đều phản ánh được “hơi thở” của cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thuận ý Đảng và hợp lòng dân.

Nếu như mỗi đại biểu chỉ chuyên sâu một hoặc một vài lĩnh vực, khó có thể hiểu biết sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội, thì chính cuộc sống và cử tri sẽ là người bổ khuyết kiến thức, vốn sống lẫn kinh nghiệm, giúp đại biểu có cơ sở thực tiễn để thực hiện hiệu quả vai trò, trách nhiệm mà pháp luật đã quy định. Từ mối liên hệ với cử tri, đại biểu dân cử như có thêm tai, thêm mắt. Người đại biểu gần dân, sát dân, thấu hiểu những tâm tư, tình cảm, bức xúc, mong muốn của dân, chắc chắn sẽ có điều kiện hoàn thiện mình để trưởng thành hơn và ngày càng khẳng định phẩm chất, năng lực. Bởi cuộc sống và cử tri luôn là người thầy, là trường học lớn để đại biểu dân cử rèn luyện và dấn thân.

Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin

Từ trường học của Nhân dân, đại biểu học cách lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng cử tri; học cách đi tìm lời giải cho những vấn đề cử tri đặt ra; học cách chắt lọc thông tin để thực hiện chức năng giám sát, chất vấn và quyết định; học cách giải thích và vận động cử tri thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật... Đại biểu còn học cả cách lắng nghe bằng trái tim, đặt mình vào vị trí cử tri để thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm sâu sắc với những vấn đề đặt ra để cùng tìm cách giải quyết có hiệu quả. Để làm được những điều đó, ngoài tâm huyết và tinh thần trách nhiệm, đại biểu phải có kiến thức và rèn luyện những kỹ năng hoạt động - nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin.

Là người đại diện của dân, kỹ năng đầu tiên của đại biểu là “nghe dân nói”. Trên thực tế, không ít đại biểu khi TXCT chỉ đơn giản ngồi nghe đầy đủ những ý kiến, kiến nghị của cử tri rồi ra về, việc thu thập, tổng hợp những ý kiến đó đã có Thư ký hội nghị và chuyên viên HĐND chịu trách nhiệm; đến buổi họp Tổ đại biểu để đóng góp, bổ sung vào Bảng tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri cũng không có ý kiến gì. Dẫn đến tình trạng đôi khi (và nhiều khi), Thư ký tổng hợp ghi nhận không đầy đủ, không rõ hoặc không đúng ý cử tri, gây khó khăn cho việc xem xét giải quyết, không đáp ứng được mong đợi của cử tri. TXCT là để đại biểu lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn, bức xúc của cử tri để yêu cầu, đôn đốc cơ quan chức năng giải quyết kịp thời; để thu thập thông tin giải trình những thắc mắc của cử tri. “Nghe dân nói” không chỉ đơn thuần là lắng nghe mà đòi hỏi đại biểu phải biết trăn trở, không vô cảm trước bức xúc của cử tri và đau đáu khi những vấn đề của cử tri chưa được giải quyết đến nơi đến chốn.

Kỹ năng thứ hai nhất thiết đại biểu dân cử phải có là “nói dân hiểu”. Trong đó, đáng chú ý, việc giải trình những ý kiến, kiến nghị của cử tri luôn là nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri tại các cuộc tiếp xúc. Trên thực tế, nếu đại biểu ỷ lại, giao phó hết cho đại diện ngành chức năng trả lời, chỉ “tiếp thu và ghi nhận” sẽ làm nhạt nhòa vai trò. Thay vào đó, đại biểu cần chủ động thu thập các thông tin, chủ trương, chính sách pháp luật, trên cơ sở dự báo những vấn đề cử tri quan tâm tại địa bàn đại biểu ứng cử để có thể tự mình trả lời ý kiến cử tri ngay tại cuộc tiếp xúc. Đặc biệt, không chỉ là nói cho dân nghe mà phải làm cho dân hiểu (phân tích những nguyên nhân thành công, hạn chế trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; giải trình lý do cơ quan dân cử ban hành quyết sách, quyết định và mối quan hệ giữa các quyết sách đó với lợi ích của cử tri…). Từ đó, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, vận động, thuyết phục cử tri tham gia thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước cũng như những quyết sách cụ thể của địa phương.

Đặc biệt, trong chuỗi “mắt xích” thể hiện tâm và tầm của đại biểu dân cử là “làm cho dân tin” - tin vào vai trò đại diện của bản thân đại biểu và cơ quan dân cử, tin vào bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Lắng nghe những điều cử tri muốn nói, nói những điều cử tri muốn nghe và phải là người đại diện tận tụy, nhiệt tâm trong giải quyết những vấn đề cử tri đặt ra. Với vai trò của mình, đại biểu phải phản ánh, đeo bám, theo đuổi đến cùng vấn đề để có câu trả lời thỏa đáng cho cử tri; để những kiến nghị chính đáng, những vấn đề liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần của cử tri được chăm lo tốt hơn. Cùng với đó, đại biểu cũng phải làm tốt vai trò cầu nối giữa cử tri với Đảng, với chính quyền: mang chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với cử tri và Nhân dân; đồng thời, mang tiếng nói, nguyện vọng của cử tri đến với chính quyền, từ đó góp phần kịp thời khắc phục các bất cập, khoảng trống chính sách, phát hiện xử lý kịp thời sai phạm của cán bộ công quyền, làm cho mọi hoạt động của đời sống xã hội đều hợp ý Đảng, thuận lòng dân.

NHẬT THÀNH

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/con-du%E1%BB%9Dng-ng%E1%BA%AFn-nh%E1%BA%A5t-d%E1%BA%BFn-ni%E1%BB%81m-tin-c%E1%BB%A7a-c%E1%BB%AD-tri-i341749/
Zalo