Lối sống chủ quan đánh đổi tự do tuổi đôi mươi
Ngày càng nhiều bạn trẻ tổn thương thận bởi lối sống thiếu khoa học. Do đặc điểm bệnh diễn tiến âm thầm, đa số chỉ phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.

Mong muốn có cơ bắp nhanh chóng, Hoàng Quân (tên đã thay đổi, 18 tuổi, ở Hà Nội) đã tự đưa mình vào tình huống nguy hiểm tính mạng.
Khoảng 2 tuần trước khi nhập viện, Quân bắt đầu tự tập tạ tại phòng gym, với suy nghĩ tập nặng sẽ giúp cơ bắp phát triển nhanh, nam thanh niên này liên tục đẩy mức tạ lên cao, vượt quá sức của bản thân. Hậu quả, cậu bị hoại tử cơ vân - tình trạng các tế bào cơ bị phá hủy, giải phóng ra nhiều chất độc, gây tổn thương thận cấp.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ đã kịp thời phát hiện và điều trị, ngăn chặn biến chứng nặng hơn. Sau gần một tuần nằm viện, bệnh nhân ổn định sức khỏe và được xuất viện.
Vì sao nhiều người trẻ mắc bệnh thận?
Trao đổi với Tri Thức - Znews, TS.BS Trương Quý Kiên, khoa Nội Thận - Lọc máu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết Hoàng Quân không phải trường hợp cá biệt. Nhiều bạn trẻ, đặc biệt là nam giới, có xu hướng tập luyện quá tải để đạt được hình thể mong muốn. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng.
"Khi tập luyện vượt quá khả năng, cơ bắp có thể bị viêm, hoại tử. Chất độc từ phần cơ hoại tử sẽ đi vào máu, khiến thận phải làm việc quá tải để lọc thải. Nếu vượt quá khả năng, thận có thể bị tổn thương cấp tính, thậm chí dẫn đến suy thận", TS.BS Trương Quý Kiên phân tích.
Nguy hiểm hơn, không ít người trẻ còn tự ý sử dụng thêm thực phẩm bổ sung, hormone tăng cơ, nhất là testosterone, với hy vọng thúc đẩy cơ bắp phát triển nhanh. Điều này càng tạo thêm gánh nặng cho thận, vì phải xử lý lượng chất độc lớn hơn mức bình thường.
Không riêng Quân, Nguyễn Thị Hiền (33 tuổi) cũng đối mặt với suy thận mạn từ rất sớm. Năm 19 tuổi, cô phát hiện bệnh khi chỉ nghĩ rằng mình mệt vì ăn uống thất thường, đâu ngờ thận đã tổn thương nghiêm trọng.

Nguyễn Thị Hiền đối mặt với suy thận mạn từ năm 19 tuổi.
Không hiểu rõ bệnh, Hiền tự ý uống thuốc nam suốt 2 tháng, sau đó phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Từ Bắc Giang, cô được chuyển xuống Bắc Ninh, rồi về Bệnh viện Bạch Mai. Hành trình lọc máu của cô bắt đầu từ đó và tiếp tục lọc máu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đến nay, hành trình ấy đã kéo dài hơn 10 năm.
Thống kê tại khoa Nội Thận - Lọc máu, hiện khoa luôn duy trì 50-60 bệnh nhân nội trú, gần như kín giường, thường xuyên tiếp nhận cấp cứu từ tuyến dưới chuyển lên. Mỗi tuần, đơn vị này cũng thực hiện ghép cho 4-6 ca. Bên cạnh đó, số bệnh nhân lọc máu ngoại trú lên đến 200 người; bệnh nhân đã ghép thận đang được quản lý khoảng 650 người.
Đáng chú ý, tỷ lệ người trẻ dưới 40 tuổi chiếm tới 15-20% tổng số bệnh nhân điều trị nội trú, thậm chí có ca chỉ 14 tuổi đã phải điều trị.
Tuy nhiên, bác sĩ Kiên cho rằng không nên hiểu sai đây là bệnh thận đang "trẻ hóa", mà thực chất là nhờ công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, sàng lọc nên nhiều người được phát hiện sớm hơn so với trước đây.
Hiện nay, người trẻ cũng chủ động hơn, nhiều người đến khám sàng lọc định kỳ hoặc vô tình phát hiện bất thường khi khám. Thống kê tại phòng khám nội thận của khoa, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 80 bệnh nhân, trong đó 20-30% là người trẻ. Trong nhóm này, 50% phát hiện có bất thường về chức năng thận.
Theo bác sĩ Kiên, với người trẻ, nguyên nhân thường gặp là các bệnh tự miễn như viêm cầu thận mạn tính, lupus ban đỏ hệ thống… Khác với người lớn tuổi, nguyên nhân phổ biến thường là tăng huyết áp, đái tháo đường, sỏi thận, thận đa nang.
Những yếu tố âm thầm "bào mòn" chức năng thận
Bệnh thận tiến triển âm thầm, khó nhận biết trong giai đoạn đầu. Theo vị chuyên gia, các yếu tố nguy cơ thường gặp ở người trẻ bao gồm:
Chế độ ăn thiếu lành mạnh, thừa muối, đường, chất béo; sử dụng đồ ăn nhanh thường xuyên, làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, cao huyết áp - đều là yếu tố gián tiếp gây tổn thương thận.
Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, lười vận động, nhịn tiểu, uống ít nước (nhiều người chỉ uống dưới 1 lít nước/ngày, trong khi khuyến nghị là 2-2,5 lít).
Lạm dụng rượu bia, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, hormone, steroid… Đặc biệt, không ít bạn trẻ uống rượu ngâm các loại rễ cây, dược liệu chưa được kiểm chứng, dẫn tới tổn thương thận hoặc đa tạng.
Ngoài ra, stress kéo dài, rối loạn giấc ngủ, thói quen bỏ bữa… cũng gián tiếp làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng xấu đến chức năng thận.

TS.BS Trương Quý Kiên, khoa Nội Thận - Lọc máu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Do đặc điểm bệnh diễn tiến âm thầm, nhiều người chỉ phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Ông nhấn mạnh người dân nên chú ý đến một số dấu hiệu cảnh báo thường bị bỏ qua như: tiểu đêm bất thường, nước tiểu sẫm màu, đục, có bọt lâu tan, phù chân.
TS.BS Trương Quý Kiên cũng nhấn mạnh cách tốt nhất để bảo vệ thận là khám sức khỏe định kỳ, ít nhất 6 tháng/lần. Xét nghiệm máu kết hợp với xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp sàng lọc sớm các bất thường.
"Nhiều công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ nhưng không ít người chỉ làm cho có, thậm chí bỏ qua bước xét nghiệm nước tiểu. Đây là điều cần thay đổi, vì chỉ một xét nghiệm đơn giản, chi phí rất rẻ có thể phát hiện sớm bệnh lý thận”, TS.BS Kiên cho hay.
Điều trị còn nhiều thách thức
Theo chuyên gia của khoa Nội thận - Lọc máu, bệnh thận mạn tính hiện chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn. Mục tiêu quan trọng nhất là làm chậm quá trình tiến triển, duy trì chức năng thận càng lâu càng tốt. Một số trường hợp, nguyên nhân gây bệnh có thể kiểm soát được, nhưng phần lớn chỉ có thể giữ bệnh ổn định, không để chuyển nặng.
Hiện nay, các hướng dẫn quốc tế cũng đã cập nhật thêm nhiều loại thuốc mới để hỗ trợ bảo tồn chức năng thận hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc dùng thuốc thôi chưa đủ. Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị lâu dài, kết hợp thay đổi lối sống: ăn uống khoa học, giảm muối, kiểm soát cân nặng, huyết áp và đường huyết. Nếu chủ quan hoặc bỏ thuốc, bệnh sẽ nhanh chóng tiến triển đến giai đoạn cuối.




Bệnh thận mạn tính hiện chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Khi bệnh thận đã bước sang giai đoạn cuối, bệnh nhân bắt buộc phải điều trị thay thế bằng lọc máu định kỳ, lọc màng bụng hoặc ghép thận. "Nhiều người vẫn nghĩ 'giai đoạn cuối' đồng nghĩa với không còn hy vọng sống, nhưng thực tế đây chỉ là giai đoạn cuối của bệnh, không phải dấu chấm hết cho cuộc đời', TS Kiên nhấn mạnh.
Tiên lượng sống của người bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối phụ thuộc nhiều yếu tố như có được điều trị thay thế kịp thời hay không, nguyên nhân gây bệnh, các bệnh nền đi kèm như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch và quan trọng nhất là mức độ tuân thủ điều trị.
"Nhiều người trẻ khi phát hiện bệnh mạn tính thường sốc, dễ buông xuôi nếu không được tư vấn tâm lý đầy đủ. Trong khi đó, tinh thần hợp tác điều trị và duy trì lối sống phù hợp là yếu tố quan trọng để duy trì chất lượng cuộc sống lâu dài", bác sĩ Kiên nói.