Mối nguy bùng phát dịch bệnh ở trẻ em do tỷ lệ tiêm chủng giảm

Số liệu mới từ WHO và UNICEF cho thấy hơn 30 triệu trẻ em trên toàn cầu chưa được tiêm đầy đủ vaccine MMR. Số ca mắc sởi, ho gà tăng vọt trong khi tỷ lệ tiêm chủng tại nhiều quốc gia phát triển tiếp tục sụt giảm.

Theo WHO, tỷ lệ tiêm chủng đã giảm sút ở một số quốc gia có thu nhập trung bình và cao. Ảnh: Reuters

Theo WHO, tỷ lệ tiêm chủng đã giảm sút ở một số quốc gia có thu nhập trung bình và cao. Ảnh: Reuters

Vaccine MMR là loại vaccine phối hợp ba trong một, có tác dụng phòng ngừa ba bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, bao gồm sởi (measles), quai bị (mumps) và rubella. Đây đều là những bệnh có khả năng lây lan cao và có thể gây ra biến chứng nặng, đặc biệt ở trẻ nhỏ hoặc phụ nữ mang thai nếu không được tiêm phòng đầy đủ.

Tuy nhiên, hàng triệu trẻ em trên thế giới hiện vẫn đang đối mặt với nguy cơ mắc những bệnh này dù tất cả đều có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine.

Theo báo cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hơn 30 triệu trẻ em vẫn chưa được tiêm đủ vaccine MMR, trong đó 14,3 triệu trẻ em chưa được tiêm bất kỳ loại vaccine cơ bản nào.

Số liệu cho thấy tỷ lệ tiêm chủng sởi toàn cầu năm 2024 có nhích lên so với năm trước, nhưng đà phục hồi không đồng đều và vẫn chậm hơn mức cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng.

Tại khu vực châu Âu và Trung Á, hơn một nửa số quốc gia không đạt ngưỡng 95% (mức cần thiết để phòng chống dịch sởi) và gần 1/3 có tỷ lệ dưới 90%. Montenegro là quốc gia có tỷ lệ thấp nhất với chỉ 23% trẻ em được tiêm mũi MMR đầu tiên.

Ngay cả tại các nước phát triển, tình trạng cũng đáng lo ngại. Vương quốc Anh được đánh giá là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong nhóm G7, với chỉ 89% trẻ em được tiêm mũi MMR đầu tiên, trong khi Đức đạt 96%, Pháp, Ý, Nhật Bản đạt 95%, và Mỹ, Canada đều trên 90%.

WHO và UNICEF cảnh báo rằng tình trạng này đang dẫn đến sự gia tăng mạnh các ca mắc sởi và ho gà.

Năm 2023, toàn cầu ghi nhận 10 triệu ca sởi và hơn 100.000 ca tử vong. Đến năm 2024, số quốc gia có dịch sởi lớn tăng từ 33 lên 60. Riêng tại châu Âu, số ca sởi tăng gấp đôi trong năm nay, còn Mỹ ghi nhận số ca mắc cao nhất trong ba năm qua.

Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, nhận định: “Đây không chỉ là con số. Mỗi ca mắc là một gia đình phải đối mặt với đau đớn, trong khi đây là những căn bệnh hoàn toàn có thể ngăn chặn.”

Tiêm chủng: Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

UNICEF cảnh báo rằng chỉ riêng năm nay, hơn 20 triệu trẻ em đã bỏ lỡ mũi tiêm sởi đầu tiên và gần 12 triệu trẻ em chưa được tiêm mũi thứ hai. Nếu không có biện pháp ứng phó quyết liệt, các đợt bùng phát dịch nghiêm trọng sẽ còn tiếp diễn và gây hậu quả nặng nề hơn.

Tiêm chủng đầy đủ không chỉ giúp trẻ em được bảo vệ, mà còn góp phần ngăn ngừa dịch bệnh trong cộng đồng.

Theo các chuyên gia, để đạt được miễn dịch cộng đồng với sởi, cần đảm bảo ít nhất 95% trẻ em được tiêm đủ hai mũi vaccine. Những cộng đồng có tỷ lệ bao phủ thấp, đặc biệt là nơi có xung đột, di cư, hoặc hệ thống y tế yếu rất dễ trở thành điểm nóng dịch bệnh.

Tiêm chủng cũng là cách duy nhất để ngăn chặn sự quay trở lại của những bệnh từng tưởng đã được kiểm soát.

Năm 2024, WHO ghi nhận gần 300.000 ca ho gà tại châu Âu, tăng gấp ba lần so với năm trước. Tỷ lệ tiêm vaccine bạch hầu, uốn ván, ho gà (DTP) chỉ đạt 85% cho đủ ba mũi; vaccine bại liệt là 93%; viêm gan B là 91%, đều dưới mức khuyến nghị.

"Vaccine cứu sống mạng người, nhưng chỉ phát huy tác dụng khi được tiêm đủ và đúng lịch,” tiến sĩ Hans Kluge nhấn mạnh. Ông kêu gọi các nước đầu tư mạnh vào y tế cơ sở, mở rộng tiếp cận vaccine và tăng cường chống tin giả về tiêm chủng.

Bà Sabrina Bacci, chuyên gia thuộc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu, nói: “Tiêm chủng không chỉ là hành động bảo vệ cá nhân mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết. Chúng ta đang bảo vệ cả những người không thể tiêm vì lý do y tế, như trẻ sơ sinh hoặc người suy giảm miễn dịch.”

KHÁNH MY

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/moi-nguy-bung-phat-dich-benh-o-tre-em-do-ty-le-tiem-chung-giam-152301.html
Zalo