Ứng xử đúng mực khi nhận lì xì

Lì xì ngày đầu năm là nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt.

Cha mẹ nhất định phải dạy con cách nhận lì xì, để vừa thể hiện lễ phép, vừa được đánh giá thông minh. Ảnh minh họa: INT

Cha mẹ nhất định phải dạy con cách nhận lì xì, để vừa thể hiện lễ phép, vừa được đánh giá thông minh. Ảnh minh họa: INT

Vậy nên, các bậc phụ huynh có thể dạy cho con trẻ về những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của đồng tiền và cách chi tiêu hợp lý.

Cần có nguyên tắc “ngầm”

Lì xì xuất hiện phổ biến trong dịp Tết Nguyên đán ở các nước Á Đông và Việt Nam, và luôn là một trong những điều mong chờ của con trẻ trong dịp Tết đến xuân về. Đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu sắc rực rỡ để mừng tuổi trẻ em, và cả người lớn tuổi.

Tuy nhiên, nhiều trẻ không hiểu rõ về ý nghĩa của phong tục văn hóa đặc biệt này. Điều đó khiến các con có nhận thức sai lệch về nhận mừng tuổi đầu năm. Nhiều trẻ thường đòi lì xì khi gặp người lớn hoặc chê bai những người mừng tuổi ít tiền…

Theo chuyên gia, cha mẹ cần nói cho trẻ hiểu đúng về ý nghĩa tinh thần, văn hóa của lì xì và dạy trẻ một số kỹ năng trong việc ứng xử khi nhận tiền mừng tuổi của mọi người. Cô Lê Hoàng Yến - Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (Hà Nội) chia sẻ, ngày nay, câu chuyện lì xì đầu năm mới cũng có nhiều vấn đề nảy sinh mà mất đi nét đẹp vốn có.

Người lớn thì lo chuyện mừng tuổi bao nhiêu, để dành một khoản là bao nhiêu cho việc mừng tuổi bỗng biến thành gánh nặng, như một chuyện bắt buộc phải làm. Còn trẻ nhỏ, không ít trường hợp cũng chỉ quan tâm xem “chất lượng” phía trong bao lì xì như thế nào…

Cô Lê Hoàng Yến chia sẻ thêm, không hiếm gặp trường hợp trẻ đọc vanh vách số tiền từng người mừng tuổi cho mình trước mặt khách. Điều này không chỉ khiến trẻ mất đi hình ảnh đẹp ngây thơ, mà còn khiến cha mẹ ngại ngùng trong những ngày đầu xuân.

Bên cạnh đó, mở bao lì xì và bày tỏ thái độ trước mặt người tặng là một thói quen xấu. Không chỉ khách, hành động này cũng làm cha mẹ trẻ khó xử. Vì vậy, những ngày cận Tết, người lớn hãy đưa ra những quy định cho con về việc nhận bao lì xì.

Theo cô Yến, hãy dạy trẻ không được mở ra ngay sau khi nhận được trước mặt mọi người. Cần giúp trẻ hiểu rằng điều này là thiếu tế nhị, không lịch sự. Riêng hành động này nếu trẻ tái phạm có thể nhắc nhở con trong thời điểm thích hợp và không nên khuyến khích trẻ đếm tiền mừng tuổi của mình trước mặt khách.

Tốt nhất, cha mẹ nên dạy con biết sau khi nhận được phong bao nên cất gọn trong túi quần áo hoặc đưa bố mẹ giữ giùm. Trong trường hợp trẻ muốn mở ra xem, cha mẹ nên dạy trẻ rằng chỉ nên mở bao lì xì ở nơi kín đáo, không để khách nhìn thấy hoặc nên chờ đến khi khách về…

Khi dạy trẻ cách ứng xử ngày Tết khi nhận lì xì, trước hết cha mẹ cần dạy con phải biết nói cảm ơn và nhận đồ bằng hai tay khi người lớn đưa không cần bố mẹ nhắc nhở.

Giúp trẻ coi trọng món quà tinh thần

Số tiền trong mỗi bao lì xì dù ít hay nhiều đều được coi là món quà mang ý nghĩa về mặt tinh thần trong dịp đầu năm mới. Vì vậy, vẻ đẹp của một chiếc bao lì xì không nằm ở số lượng là bao nhiêu mà chính là ở những thông điệp mà nó muốn gửi gắm tới người được nhận.

Cô Nguyễn Hoài Thu – nguyên giáo viên dạy Văn Trường THPT Ứng Hòa B (Hà Nội) chia sẻ: “Không hiếm gặp câu chuyện của nhiều cha mẹ thường vui vẻ kể chuyện với khách là con vừa được mừng tuổi ‘tờ tiền to’ nên phấn khởi mãi. Trẻ nghe thấy và cho rằng cha mẹ đang có lời khen, khuyến khích mình.

Thậm chí nhiều phụ huynh vừa thấy khách ra về là hỏi ngay xem vừa nãy được mừng tuổi bao nhiêu. Điều này đã vô tình tạo cho con thói quen xấu là luôn để ý đến giá trị vật chất của việc lì xì. Muốn con thay đổi và nhận thức đúng đắn, chính cha mẹ phải làm gương”.

Cô Thu cũng cho biết, nhiều trẻ sau Tết đến lớp thường khoe với nhau về việc mình được mừng tuổi bao nhiêu. Có trẻ còn nói con thích tờ mệnh giá này hơn mệnh giá kia khiến chuyện mừng tuổi dường như không còn có ý nghĩa đẹp như vốn có.

Để mừng tuổi theo đúng nghĩa là lấy may mắn, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là kể những câu chuyện liên quan đến việc mừng tuổi, hoặc muốn con hiểu theo ý nghĩa tích cực thì hướng con đến những câu chuyện đó.

Có nhiều gia đình, người lớn thường quy định với nhau là sẽ mừng tuổi bằng “hiện vật”. Theo đó, mỗi người có thể tự tay làm hoặc mua một món đồ nho nhỏ rồi gói thật đẹp và đem mừng tuổi cho các thành viên trong gia đình thay vì mừng tuổi bằng tiền mặt.

Gia đình có các cụ già còn lì xì các con cháu bằng những viên kẹo socola hình đồng tiền xu khá thú vị… Qua đó, trẻ cũng hiểu được phần nào việc mừng tuổi năm mới giống như lời chúc may mắn chứ không phải dịp để được nhận tiền.

Ngoài thái độ lịch sự, cha mẹ cũng có thể giúp con sử dụng tiền mừng tuổi vào những việc ý nghĩa. Nên thống nhất và có kế hoạch ngay từ đầu. Tránh trường hợp nhiều trẻ sau Tết thường đòi lại tiền mừng tuổi hoặc tự ý quyết định cho khoản tiền mà mình được nhận.

Nếu có thể, cha mẹ hãy để con được mua món đồ chơi hay sách vở mà mình mong muốn, số tiền còn lại cha mẹ thống nhất giữ giùm trẻ để dùng trong các sự kiện quan trọng trong năm như làm từ thiện, mua quà sinh nhật, góp tiền để cùng đi chơi…

Những điều này tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng nếu không được chỉ bảo, trẻ sẽ có thói quen xấu khiến cha mẹ cảm thấy ngượng ngùng. Vì vậy, đầu năm mới, chuyện nhỏ cũng cần phải có “nếp” để ngày Tết được vui trọn vẹn.

Khi dạy về phong tục nhận lì xì, người lớn nên dùng từ ngữ giản dị, dễ hiểu. Tránh dùng từ khó, sáo rỗng làm bé không cảm nhận được vẻ đẹp của tục lệ này. Hãy giúp con hiểu rõ, việc này là một phong tục may mắn chứ không phải là xem ai mừng tuổi nhiều hơn. Khi nhận tiền mừng tuổi, trẻ nên vui vẻ, đón nhận bằng hai tay và không quên cảm ơn. Trẻ lớn hơn còn có thể nói những câu chúc năm mới với khách.

Hoàng Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ung-xu-dung-muc-khi-nhan-li-xi-post716983.html
Zalo