Người mắc bệnh tiểu đường nhớ '2 nên, 3 không' trong dịp Tết
Hạn chế việc ăn, uống quá nhiều và kiểm soát những căng thẳng trong dịp Tết thực sự không đơn giản. Điều đó còn khó khăn hơn với những người mắc bệnh tiểu đường.
3 điều người mắc tiểu đường không nên làm trong dịp Tết
Không uống đồ có đường
Luôn có một số đồ uống có đường như Coca, Sprite, nước cam,… trên bàn tiệc năm mới. Người mắc bệnh tiểu đường không nên động vào những đồ này.
Một nghiên cứu chứng minh rằng, uống một chai nước giải khát có đường tương đương với việc ăn 3 đến 15 viên đường (một viên chứa 4,5 gam đường).
Mỗi lần bổ sung đồ uống có đường hàng ngày sẽ làm tăng 30% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, 17% nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành và 8% nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.
Nếu thực sự muốn uống, bạn chỉ cần uống 1-2 ngụm. Bạn có thể pha một ít sữa nguyên chất hoặc trà thơm và uống cùng nhau khi tụ tập bạn bè, gia đình.
Không uống nhiều bia rượu
Trong dịp Tết, nhiều người khó tránh khỏi những lời mời uống bia, rượu từ bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm... Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường cần hạn chế bia, rượu... và các thức uống chứa cồn khác.
Cụ thể, không quá 2 ly mỗi ngày với nam giới và không quá một ly mỗi ngày với nữ giới. Một ly tương đương 350 ml (khoảng một lon bia).
Rượu có thể tương tác với một số thuốc tiểu đường. Một số thuốc viên điều trị tiểu đường type 2 có tác dụng kích thích tế bào tuyến tụy tiết insulin như nhóm sulphonylureas và meglitinides. Khi dùng chung với rượu có thể gây hạ đường huyết quá mức. Hai tình trạng say rượu và hạ đường huyết có nhiều biểu hiện giống nhau: mệt mỏi, đau đầu, run tay... nên khó phân biệt để xử trí kịp thời.
Không thay đổi quá nhiều trong lối sống
Kiểm soát chế độ ăn uống hợp lý, ăn đủ lượng, uống thuốc, tập thể dục và ngủ như bình thường và không thay đổi quá nhiều trong lối sống.
Thỉnh thoảng bạn có thể “phá lệ” nhưng đừng làm điều đó quá thường xuyên hoặc dễ dàng làm cạn kiệt “dự trữ” của cơ thể.
2 việc người mắc tiểu đường nên làm trong dịp Tết
Đi bộ sau bữa tối
Trong trường hợp bình thường, 15 phút sau khi ăn gì đó, ruột non bắt đầu hấp thụ glucose và các chất dinh dưỡng khác trong thức ăn, lượng đường trong máu bắt đầu tăng lên. Khi càng nhiều thức ăn đi vào đường tiêu hóa, lượng đường trong máu sẽ càng tăng cao.
Do đó, ăn đủ, uống đủ và ra ngoài đi dạo có thể giúp bạn tiêu thụ một phần glucose và giảm lượng đường trong máu.
Vào ngày Tết, tốt hơn hết nên hẹn gặp bạn bè hoặc gia đình, đi dạo sau bữa ăn, trò chuyện chân tình hoặc ngắm cảnh, điều này có thể giúp hạ đường huyết.
Đo lượng đường trong máu thường xuyên
Đường huyết cao là thủ phạm trực tiếp và nguy hiểm gây ra nhiều biến chứng ở người bệnh tiểu. Mục tiêu đường huyết mọi người bệnh cần đạt trước các bữa ăn là từ 4,4-7,2 mmol/L và sau ăn là dưới 10,0 mmol/L.
Tuy nhiên chỉ khi đường huyết rất cao (thường > 19,5 mmol/L) hoặc rất thấp (< 4,0 mmol/L) thì mới có các triệu chứng như mệt, đái nhiều, khát nước, mà khi có các biểu hiện này thì thường bệnh đã nặng rồi.
Vì vậy, người bệnh cần đo đường huyết mao mạch ít nhất 1-2 lần mỗi ngày, ưu tiên đo vào trước các bữa ăn cũng là trước khi uống thuốc hoặc tiêm insulin để biết đường huyết của mình có tốt không và có cần tăng hay giảm liều thuốc không.
Ngoài ra, bất cứ khi nào người bệnh ăn nhiều hoặc thấy mệt, đói hay bị rối loạn tiêu hóa... cũng cần đo đường huyết ngay.