Con bồ câu trắng - tháng 5 nhớ Bác
Vào một sáng tháng 5/1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang diễn ra vô cùng ác liệt, nhà thơ Tố Hữu đến thăm Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc. Có lẽ đây là lần đầu tiên ông được diện kiến Hồ Chủ tịch. Trong dịp này ông đã sáng tác bài thơ Sáng tháng năm, mở đầu với cảm xúc: 'Vui sao một sáng tháng năm/ Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ/ Suối dài xanh mướt nương ngô/ Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn...' .
Đây là bài thơ thứ hai ông viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh, bài thứ nhất ông viết vào tháng 8/1945, lấy nhan đề bài thơ: Hồ Chí Minh, đó là lúc ông chưa được gặp Bác Hồ. Khi đối chiếu hai bài thơ trên, cùng một tác giả, cảm xúc về một hình tượng, nhưng trong hai thời điểm và hai hoàn cảnh khác nhau, xét trên điểm nhìn sáng tác, cách thức thể hiện cảm xúc của tác giả về đối tượng trong không gian và thời gian, nó đóng vai trò quan trọng trong việc hướng người đọc về tiếp nhận chủ đề, nội dung mà tác giả muốn giao cảm, ta thấy trong cảm thức của nhà thơ về hình tượng thẩm mỹ có nhiều góc độ khác nhau.

Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Ảnh tư liệu.
Hồ Chí Minh và Sáng tháng năm là hai trong những bài thơ trữ tình hay và đẹp của Tố Hữu viết về lãnh tụ. Mở đầu bài Hồ Chí Minh, ông viết khi chưa gặp Bác: “Hồ Chí Minh/ Người lính già/ Đã quyết chiến hy sinh/ Cho Việt Nam độc lập/ Cho thế giới hòa bình!”. Giọng điệu mạnh mẽ, đầy xúc động về lãnh tụ vĩ đại của dân tộc với lòng ngưỡng mộ sâu sắc. Mạch cảm xúc đó được tiếp diễn ở đoạn thơ sau: “Bước trường chinh dầu mỏi gối khan hơi/ Tim gang thép vẫn bừng bừng lửa chiến/ Cờ đã phất, phải giương cao quyết tiến! Người xông lên/ Và cả đoàn quân, thừa huyết khí thanh niên/ Rập bước tiến bên người Cha anh dũng/ Tiếng Người thét/ Mau lên gươm lắp súng!”. Hình ảnh thơ gợi lên cuộc trường chinh của người lính tuy vất vả, gian truân, nhưng với lòng nhiệt huyết, ý chí kiên cường, với khí thế hiệu triệu khi “Cờ đã phất”, thúc giục của mệnh lệnh trái tim, “Người xông lên/ Và cả đoàn quân”, tưởng chừng đâu đây tiếng bước chân dồn dập quân hành theo tiếng hô xung trận của “người Cha anh dũng”, như biểu tượng của lòng dũng cảm, truyền cảm hứng cho đoàn quân khi nghe tiếng thét “Mau lên gươm lắp súng”. Đoạn thơ vừa thấm đẫm cảm xúc cá nhân về lòng nhiệt huyết, vừa mang âm hưởng sử thi với tinh thần tập thể trên hành trình gian khổ. Tác giả đã cố gắng khắc họa tinh thần bất khuất của những người chiến sĩ cũng là của người lãnh tụ vĩ đại với cảm hứng lãng mạn cách mạng trữ tình chính trị. Thế nhưng trong cảm xúc tôn kính còn rơi vào giọng điệu ngợi ca cổ vũ. Rất khác với cảm thức về hình tượng lãnh tụ trong Sáng tháng năm.
Sáng tháng năm mở đầu với những câu thơ dạt dào niềm vui phấn chấn, từ cảnh quan thiên nhiên “xanh mướt nương ngô” đầy sức sống với không gian rộng lớn “lồng lộng thủ đô gió ngàn”, trung tâm của cách mạng, nơi hội tụ tinh thần dân tộc, gắn liền với việc “lên thăm Bác Hồ”, một cảm hứng trữ tình cách mạng, đây không chỉ là hành trình vật lý mà còn là hành trình về nguồn mang ý nghĩa của lòng thành kính thiêng liêng. Đến khi tiếp xúc với Người thì cảm thức nhà thơ không còn hình ảnh “Hồ Chí Minh/ Người lính già” như trước kia từng cảm, mà trước mắt chủ thể trữ tình là hình ảnh “Bác ngồi đó, lớn mênh mông/ Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non...”, là bốn hình ảnh ẩn dụ biển trời, sông núi, làng quê, mang cả bóng hình đất nước, vừa gần gũi, thân thương, vừa cao cả.
Bác Hồ có đọc bài thơ Hồ Chí Minh của Tố Hữu. Khi trò chuyện, Bác cười nói: Bác đâu có “thét” mà chú nói Bác “thét”. Có lẽ vì thế nên trong bài Sáng tháng năm Tố Hữu chữa lại trong cách cảm của mình: “Giọng của Người, không phải sấm trên cao/ Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước/ Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau...”. Ở đây tác giả khéo léo lột tả vẻ đẹp giọng nói, không dùng lời lẽ uy quyền của một lãnh tụ từ trên cao truyền xuống để giáo huấn, mà bắt gặp ở đó sự giản dị mà gần gũi, không chỉ đi vào tai mà còn thấm sâu vào tâm hồn, khơi gợi mở ra khát vọng vươn xa, tạo niềm tin ấm áp trong lòng người nghe; cảm thức của nhà thơ bây giờ không còn nghe âm thanh “tiếng người thét” như trong tưởng tượng trước kia nữa, mà tưởng chừng như đâu đây tiếng của non sông, không chỉ với hiện tại mà còn như vang vọng truyền thống cha ông từ trong quá khứ và hướng về thế hệ mai sau ở tương lai.
Điểm nhìn trong sáng tác văn học nghệ thuật đặc biệt quan trọng như vậy, khi chưa gặp Bác Hồ, tác giả hình dung lãnh tụ như chiến tướng trên chiến trường, nào là “thét”, “lên gươm, lắp súng”, rồi “Mặc gươm súng xiềng gông/ Làm tên quân cảm tử đi tiên phong”, nhưng khi gặp rồi mới nhận ra, Người vô cùng dung dị trong tầm vóc cao đẹp của một thiên tài, như một hiền triết Đông Phương, phong thái trữ tình thanh nhã như là thi sĩ: “Nhớ ông cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường/ Nhớ người những sớm tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo” (Việt Bắc). Nhưng đọc bài Sáng tháng năm, ngoài những nội dung trên, câu thơ gợi tôi ấn tượng mãi như một biểu tượng hòa bình rất đẹp bên nhà sàn của Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, đó là hình ảnh: “Con bồ câu trắng ngây thơ/ Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn”. Tháng 5, nỗi nhớ cội nguồn.