Cách làm vịt om sấu nước dừa 'đổi gió' cho bữa cơm ngày hè
Được chế biến từ những nguyên liệu quen thuộc, không đòi hỏi quá trình nấu nướng kỳ công lại giúp các thành viên đổi vị…, vịt om sấu nước dừa trở thành món ngon yêu thích của nhiều gia đình Việt vào mùa hè.
Nguyên liệu chuẩn bị
Vịt làm sạch: 1,4kg
Dừa tươi: 1 quả
Khoai sọ (hoặc khoai môn): 500g
Sấu: 10-12 quả
Hành khô, hành lá, mùi tàu, rau ngổ, tỏi, sả, gừng, chanh, nấm hương
Gia vị: Nước mắm, hạt tiêu, hạt nêm, dầu hào, dầu mè, đường

Vịt om sấu nước dừa là món ăn yêu thích của nhiều gia đình Việt vào cả mùa hè và mùa đông, kết hợp cùng cơm hoặc bún đều hấp dẫn. Ảnh: Châu Ngọc
Cách làm vịt om sấu nước dừa ngon
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Vịt mua về làm sạch, khử mùi hôi với rượu, gừng, muối rồi rửa sạch, để ráo. Tiếp đến, chặt vịt thành các miếng vừa ăn, tránh chặt quá nhỏ hoặc vụn vì miếng thịt sau khi om sẽ bị teo lại, ăn dai và không ngon.
Thịt vịt sau khi chặt, được tẩm ướp với chút nước mắm, hạt tiêu, hạt nêm (có hoặc không có đều được), dầu hào (lượng nhỏ), dầu mè (2-3 giọt) cùng ít hành, tỏi, sả, băm nhỏ.
Ướp thịt trong khoảng 30-60 phút để thịt ngấm đều gia vị.
Nấm hương ngâm với nước ấm khoảng 10-15 phút rồi rửa sạch, cắt bớt chân.

Món vịt om sấu nước dừa chế biến từ các nguyên liệu đơn giản, quen thuộc. Ảnh: Châu Ngọc
Bước 2: Xào và om vịt
Sả đập dập, thái miếng dài rồi phi thơm cùng hành tỏi băm nhỏ, sau đó cho thịt vịt vào đảo đều đến khi săn lại.
Đổ nước dừa, nấm hương và sấu vào đun cùng, om khoảng 30-40 phút thì cho khoai sọ vào nấu tiếp 10-15 phút. Khoai chỉ nên nấu vừa chín tới, còn sấu chín thì dằm nát cho vị chua thấm đều vào nước dùng.
Nêm nếm gia vị vừa ăn rồi cho thêm ít mùi tàu, hành lá, rau ngổ đã thái nhỏ để món ăn dậy mùi thơm và có màu sắc bắt mắt.
Lưu ý
Để làm vịt om sấu nước dừa ngon cần chọn mua vịt loại ngon, trọng lượng vừa phải.
Bạn nên mua những quả dừa tươi, trọng lượng nhỏ ở trong siêu thị vì loại dừa này ít nước nhưng thơm và vị ngọt đậm, nấu ăn sẽ ngon hơn dừa bán vỉa hè, lề đường.
Sấu dùng om vịt nên chọn quả bánh tẻ (không non, không già) để có vị chua dịu vừa phải và thơm.
Da vịt thường nhiều mỡ, nếu con nào béo quá, mọi người nên chiên hoặc nướng sơ cho ra bớt dầu rồi mới tẩm ướp.