'Xây dựng bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguyện vọng, nhu cầu văn hóa chính đáng'

Đây là nhận định của chuyên gia và cũng là nguyện vọng của đông đảo người dân Việt Nam mong muốn sẽ có một bảo tàng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu

Năm 2013, ngay sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, đã có nhiều ý kiến đề nghị xây dựng bảo tàng. Đây sẽ là một “địa chỉ đỏ”, một thiết chế văn hóa và trung tâm nghiên cứu để các thế hệ người Việt Nam cùng bạn bè quốc tế đến để học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, đến nay việc xây dựng bảo tàng vẫn chỉ là mong muốn mà chưa thể thực hiện.

Phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển có cuộc trò chuyện với TS. Bùi Thị Như Ngọc - Chuyên gia văn hóa, Giảng viên chính Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền về việc xây dựng, thành lập bảo tàng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

PV: Theo TS. Bùi Thị Như Ngọc, vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lịch sử dân tộc Việt Nam có đủ sức nặng để cần có một bảo tàng riêng không? Vì sao?

TS. Bùi Thị Như Ngọc: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là “anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam, và cũng là một trong mười vị danh tướng vĩ đại nhất lịch sử nhân loại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng đã trực tiếp tổ chức, giáo dục, rèn luyện, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập dân tộc, cũng như bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước.

Đại tướng là nhà quân sự tài năng xuất chúng, vị tướng mưu lược, quyết đoán, nhà chính trị tài giỏi, mẫu mực về đạo đức cách mạng, tụ trong mình những sáng tạo văn hóa của một nhà tư tưởng hội đủ cả “tâm” và “tầm”, có uy tín lớn của Quân đội, Đảng, Nhà nước, với nhân dân và bạn bè quốc tế. Do vậy, với những đóng góp to lớn và vai trò quan trọng của Đại tướng trong thời đại Hồ Chí Minh cũng như đối với tiến trình lịch sử của dân tộc ta, đóng góp tích cực vào tiến trình giải phóng, độc lập dân tộc của nhân loại chân chính, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, rất nên có một bảo tàng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

PV: TS. Bùi Thị Như Ngọc đánh giá như thế nào về mong muốn của đông đảo người dân, cựu chiến binh, thế hệ trẻ về việc có một Bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

TS. Bùi Thị Như Ngọc: Từ góc nhìn văn hóa, đây là nguyện vọng, nhu cầu văn hóa chính đáng, cho thấy nhân dân không bao giờ quên ơn và muốn vinh danh những con người có công lao, đóng góp lớn lao cho đất nước, cho thấy truyền thống “uống nước, nhớ nguồn” của người Việt. Mong muốn này cũng thể hiện nguyện vọng gìn giữ, lưu truyền, tiếp nối các giá trị văn hóa hội tụ trong cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để lan tỏa sâu, rộng hơn nữa những giá trị này vào đời sống thực tiễn, thúc đẩy nhận thức và hành động đúng đắn, tích cực, nhân văn của người dân và các thế hệ tiếp sau trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, phát triển con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Nước ta có nhiều danh tướng tài ba, với những chiến công hiển hách, như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Tuy nhiên tài liệu về các danh tướng này rất ít do những thăng trầm của lịch sử và sự tàn phá của chiến tranh. Nhưng tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp có rất nhiều. Việc sớm thành lập bảo tàng về Đại tướng sẽ giúp việc ghi nhớ, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về Đại tướng, gắn với một chặng đường đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc và tiến trình bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước trở nên thiết thực, sống động và thuận lợi, giàu ý nghĩa hơn cho lịch sử - văn hóa của đất nước.

Nhà số 30 Hoàng Diệu, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống cùng gia đình suốt nhiều thập kỷ. Ảnh: Internet

Nhà số 30 Hoàng Diệu, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống cùng gia đình suốt nhiều thập kỷ. Ảnh: Internet

PV: Hiện nay, các tài liệu, hiện vật về Đại tướng đang được lưu giữ, trưng bày rải rác ở đâu? Liệu cách trưng bày hiện tại đã thực sự đầy đủ, xứng tầm với tầm vóc của Đại tướng chưa?

TS. Bùi Thị Như Ngọc: Theo tôi được biết, ở nước ta đã có một số nơi lưu giữ, trưng bày các tài liệu, hiện vật về Đại tướng, như tại UBND xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) có lưu giữ bút tích của Đại tướng khi Người về thăm xã dịp Xuân Ất Hợi 1995. Trong những ngày diễn ra lễ tang Đại tướng, Bảo tàng Quân khu 4 đã tổ chức triển lãm trưng bày các hình ảnh, hiện vật của Đại tướng đối với Quân khu 4 với hơn 100 hình ảnh, tư liệu. Nhà tưởng niệm Đại tướng được khánh thành ngày 14/12/2024 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình lưu giữ các kỷ vật, hiện vật gắn với cuộc đời Đại tướng.

Tuy nhiên, một số tài liệu, hiện vật do bảo quản chưa tốt, như trường hợp bút tích của Đại tướng tại UBND xã Hiền Ninh bị úa vàng; hệ thống tài liệu, hiện vật trưng bày ở một số nơi khác chưa thực sự phong phú, đầy đủ. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có một bảo tàng xứng với tầm vóc của Đại tướng, vừa để lưu giữ, bảo quản các hiện vật, tài liệu… về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng, vừa để các thế hệ sau được biết, hiểu và tri ân những đóng góp lớn lao của Đại tướng. Đồng thời, là “địa chỉ đỏ”, là không gian văn hóa - lịch sử để các thế hệ người Việt và bạn bè quốc tế thêm hiểu về nhân cách, khí phách con người, dân tộc Việt Nam thông qua một người con xuất sắc của Việt Nam là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

PV: Việc thiếu một không gian chuyên biệt lưu giữ hệ thống tư liệu về Đại tướng có thể dẫn đến những hệ lụy gì đối với công tác nghiên cứu, giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau?

TS. Bùi Thị Như Ngọc: Bản thân cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một di sản lớn, là chất liệu tuyệt vời và thuyết phục để có thể làm nên một bảo tàng. Do vậy, thiếu một không gian chuyên biệt lưu giữ hệ thống tư liệu về Đại tướng sẽ có thể gây nhiều hậu quả, hệ lụy đối với công tác nghiên cứu, giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau:

Một là, hệ thống các các tài liệu, hiện vật về Đại tướng nếu không được sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày đầy đủ, sắp xếp logic sẽ có thể bị hư hỏng, mai một, dẫn đến minh chứng và cứ liệu lịch sử - văn hóa về Đại tướng gắn với một giai đoạn của lịch sử hào hùng của đất nước sẽ dần bị mất đi.

Hai là, ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức đúng đắn và toàn diện của các thế hệ sau, đặc biệt là thế hệ trẻ về những đóng góp, cống hiến lớn lao của Đại tướng, cũng như hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng.

Ba là, thiếu cứ liệu đủ đầy và hệ thống để phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau, gây khó khăn nhất định cho hoạt động này.

Bốn là, thiếu không gian văn hóa đặc trưng, một “địa chỉ cách mạng” để thế hệ sau được hưởng thụ và tiếp nhận, trao truyền các giá trị văn hóa từ chính những hiện vật, tư liệu… về Đại tướng.

Năm là, có thể gây ra “khoảng trống” để các thế lực “diễn biến hòa bình” có cơ hội xuyên tạc thông tin, xuyên tạc lịch sử, dẫn đến việc thế hệ sau hiểu sai lệch về Đại tướng và những đóng góp của Đại tướng cho đất nước, nhân dân ta, từ đó hiểu không đúng về bản chất cách mạng, khoa học của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, phản bác vai trò lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Từ đó, dẫn đến phủ nhận, kích động, đòi xét lại những thành tựu, đóng góp của Đại tướng, của công cuộc đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước ta.

TS. Bùi Thị Như Ngọc, chuyên gia văn hóa, giảng viên chính Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

TS. Bùi Thị Như Ngọc, chuyên gia văn hóa, giảng viên chính Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

PV: Theo TS. Bùi Thị Như Ngọc, việc xây dựng một bảo tàng riêng về Đại tướng sẽ mang lại những giá trị cụ thể nào về mặt lịch sử, văn hóa và giáo dục?

TS. Bùi Thị Như Ngọc: Về mặt lịch sử, việc xây dựng một bảo tàng riêng về Đại tướng với các tài liệu, hiện vật… về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng có giá trị và ý nghĩa to lớn, là minh chứng cho một giai đoạn cách mạng hào hùng không thể quên của đất nước ta, gắn với dòng chảy lịch sử của dân tộc, của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những hiện vật, tư liệu… được trưng bày ở bảo tàng sẽ là “cầu nối” sống động kết nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, để lịch sử sẽ luôn được sống và lan tỏa các giá trị, ý nghĩa tích cực trong xã hội đương đại, và cũng là để các thế hệ sau luôn tri ân, khắc ghi công lao của Đại tướng, nhìn rộng ra là của các thế hệ tiền nhân.

Về mặt văn hóa, bảo tàng sẽ là thiết chế văn hóa lưu giữ, trao truyền và tiếp nối các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng, gắn liền với chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước. Những di sản, giá trị văn hóa ấy góp phần giúp nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế thêm hiểu về phẩm chất, khí phách, con người Việt Nam, về lòng yêu nước và tính nhân văn của người Việt. Bảo tàng cũng sẽ là nơi để người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đến để hưởng thụ văn hóa, học hỏi văn hóa từ chính con người văn hóa - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Về mặt giáo dục, bảo tàng sẽ là không gian giáo dục, có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần nâng cao nhận thức, ý thức về tinh thần yêu nước, phẩm chất cách mạng, ý thức đấu tranh bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước đối với toàn thể người dân Việt Nam, cũng như “truyền lửa” đấu tranh cho công bằng, tự do, độc lập dân tộc và hòa bình đối với nhân loại chân chính yêu chuộng hòa bình. Những hiện vật, tài liệu về Đại tướng cũng sẽ là minh chứng sống động và thuyết phục cho sự sáng tạo, độc lập về tư duy, nhận thức và hành động của một nhà cách mạng, một vị tướng vĩ đại, đem đến nhiều bài học cả về lý thuyết và thực tiễn cho nhiều người, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ ở kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay.

Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc trên cơ sở khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn hiện nay. Không nhất thiết phải xây dựng bảo tàng hoành tráng, nhưng cần đảm bảo không gian văn hóa phù hợp, khoa học và giàu bản sắc.

PV: Nếu thành lập Bảo tàng về Đại tướng, theo chuyên gia địa điểm nào thì sẽ phù hợp nhất?

TS. Bùi Thị Như Ngọc: Theo tôi, địa điểm phù hợp nhất là ngôi nhà số 30 phố Hoàng Diệu, nơi Đại tướng từng sống từ năm 1954 đến khi Người mất. Chỉ riêng không gian đó đã ngập tràn những kỷ niệm về Đại tướng, khiến lòng người xúc động. Đó cũng là không gian của sự kết nối giữa lịch sử và văn hóa, giữa quá khứ với hiện tại và cả tương lai, kết nối với người dân và lòng dân, nếu chúng ta có thiết kế, trưng bày hiện vật, tư liệu… hợp lý, sử dụng, phát huy giá trị của nó một cách hiệu quả.

PV: Xin trân trọng cảm ơn TS. Bùi Thị Như Ngọc!

Hoàng Bằng (Thực hiện)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/xay-dung-bao-tang-dai-tuong-vo-nguyen-giap-la-nguyen-vong-nhu-cau-van-hoa-chinh-dang-a28833.html
Zalo