Xử lý nghiêm hành vi giấu dịch, vứt xác lợn bệnh ra môi trường
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi tại nhiều huyện, xã trên địa bàn, UBND tỉnh Nghệ An phát đi công điện khẩn, yêu cầu toàn bộ hệ thống chính quyền tăng cường giám sát, xử lý nghiêm vi phạm...
Phát hiện 25 ổ dịch, hơn 54 tấn lợn bị tiêu hủy
Tính đến giữa tháng 7/2025, toàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 25 ổ dịch tả lợn châu Phi, buộc tiêu hủy hơn 1.296 con lợn, với tổng trọng lượng trên 54 tấn. Các ổ dịch tập trung chủ yếu tại các xã Anh Sơn, Đại Đồng, Yên Xuân, Tân Kỳ…

Người dân rắc vôi bột ngăn dịch bệnh.
Tại xã Đại Đồng, dịch đang diễn biến nghiêm trọng. Lãnh đạo UBND xã Đại Đồng xác nhận tình trạng người dân tự ý tiêu hủy hoặc vứt xác lợn chết ra môi trường để tránh thiệt hại kinh tế. UBND xã phát đi thông báo khẩn, đề nghị người dân chủ động tố giác hành vi sai phạm. "Mọi nguồn tin đều được bảo mật và người cung cấp sẽ được bảo vệ theo quy định", lãnh đạo UBND xã Đại Đồng cho biết.
Để ngăn chặn dịch lây lan, UBND xã Đại Đồng lập tổ công tác đặc biệt, tuần tra liên tục cả ngày lẫn đêm, tập trung vào những khu vực hẻo lánh, có nguy cơ cao. Mọi hành vi vi phạm như giấu dịch, tiêu hủy lợn trái phép, vận chuyển lợn bệnh… nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Lực lượng chức năng cũng đồng loạt ra quân kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật, đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi đưa ra thị trường.
Chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm nếu dịch bùng phát
Trước tình trạng dịch có chiều hướng lan rộng, ngày 15/7, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công điện số 20/CĐ-UBND yêu cầu chính quyền các cấp siết chặt công tác phòng, chống dịch.

Lực lượng chức năng đang tiến hành kiểm tra đột xuất, truy xuất nguồn gốc động vật, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải an toàn tuyệt đối.
Theo đó, Chủ tịch UBND cấp xã sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để dịch phát sinh, lây lan trên diện rộng. Các địa phương có ổ dịch phải huy động tối đa nhân lực, vật lực để khoanh vùng, xử lý triệt để, tiêu hủy đúng quy trình kỹ thuật. Tuyệt đối không để dịch dây dưa, kéo dài.
UBND tỉnh cũng yêu cầu tăng cường xử lý các hành vi giết mổ trái phép, vận chuyển động vật không có giấy kiểm dịch, buôn bán lợn bệnh, vứt xác ra môi trường. Các cơ sở giết mổ không đủ điều kiện sẽ bị đình chỉ hoạt động. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, quy hoạch lại vùng chăn nuôi, bố trí quỹ đất xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; đề xuất danh sách các phường, xã cấm chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, người dân khi phát hiện lợn ốm, nghi mắc bệnh, cần báo ngay cho thú y xã hoặc trưởng thôn. Tuyệt đối không tự ý giết mổ, tiêu hủy, vứt xác lợn ra môi trường. Việc tiêu hủy bắt buộc phải có sự giám sát của cơ quan chức năng. Những hành vi cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm, thậm chí truy tố hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Người chăn nuôi cần chủ động rắc vôi, khử trùng định kỳ, tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi.
Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn phòng dịch tại cơ sở; chuẩn bị sẵn sàng vắc xin, hóa chất, vật tư... Sở Y tế phối hợp phòng chống dịch lây từ động vật sang người; công an tỉnh và bộ đội biên phòng siết chặt kiểm tra tại các điểm nóng, khu vực biên giới. Tất cả các sở, ngành liên quan được yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân không hoang mang nhưng không được chủ quan. Mục tiêu là kiểm soát dịch triệt để, bảo vệ đàn vật nuôi và an toàn thực phẩm cho cộng đồng.