Hòa Phát thắng lớn nửa đầu năm 2025, lãi hơn 7.600 tỷ
Lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát vượt 7.600 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng 23%. Thép cuộn cán nóng tăng trưởng bứt phá 42%, khẳng định vị thế đầu ngành...

Trong bối cảnh ngành thép dần phục hồi và nhu cầu thị trường nội địa gia tăng, Tập đoàn Hòa Phát đã ghi dấu ấn rõ nét với kết quả kinh doanh khởi sắc trong 6 tháng đầu năm 2025. Doanh thu hợp nhất đạt trên 74.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vượt 7.600 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 23% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Tập đoàn đã hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trụ cột đóng góp chính cho thành công này vẫn là lĩnh vực thép, chiếm gần 90% tổng doanh thu hợp nhất của Tập đoàn. Riêng trong quý 2, Hòa Phát sản xuất 2,5 triệu tấn thép thô, duy trì đà tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng thép tiêu thụ trong quý đạt 2,6 triệu tấn, tăng 9% so với quý trước và tăng tới 18% so với quý 2/2024. Lũy kế 6 tháng, sản lượng thép thô đạt 5,1 triệu tấn, tăng 17%, còn lượng bán hàng thép các loại đạt 5 triệu tấn, tăng trưởng ấn tượng 23%.
Đáng chú ý nhất là sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), một trong những mũi nhọn chiến lược của Hòa Phát, ghi nhận mức tăng trưởng 42% trong nửa đầu năm, đạt 2,2 triệu tấn tiêu thụ. Thép xây dựng và thép chất lượng cao cũng giữ đà ổn định với 2,5 triệu tấn, tăng 11%. Hiện tại, Hòa Phát vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thị phần thép xây dựng tại Việt Nam với tỷ lệ 38%.
Thành công của Tập đoàn không chỉ đến từ sản lượng mà còn từ định hướng đầu tư dài hạn. Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đang bước vào giai đoạn nước rút. Dự kiến vào tháng 9/2025, lò cao số 6, hạng mục thuộc phân kỳ 2 sẽ chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động.
Khi đó, tổng công suất sản xuất thép của Hòa Phát sẽ đạt mốc 16 triệu tấn/năm, riêng thép cuộn cán nóng đạt 9 triệu tấn, đủ để đáp ứng 100% nhu cầu trong nước. Hòa Phát cho biết điều này sẽ tạo tiền đề vững chắc cho các kế hoạch xuất khẩu trong tương lai.
Không chỉ giữ vững phong độ trong ngành thép, Hòa Phát còn ghi nhận những bước tiến mạnh mẽ ở lĩnh vực nông nghiệp, mảng vốn ít được chú ý trước đây. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu từ nông nghiệp tăng tới 38%, còn lợi nhuận sau thuế bật tăng 130% so với cùng kỳ 2024.
Song song với đó, Hòa Phát đang chuẩn bị mở rộng thêm một hướng đi mới sản xuất ray thép cho tàu cao tốc và thép hình đặc biệt. Ngày 19/8/2025 tới, Tập đoàn sẽ khởi công nhà máy tại Dung Quất (Quảng Ngãi), kỳ vọng cung ứng sản phẩm cho hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai, cùng các tuyến metro tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Công ty chứng khoán MBS vừa duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu Hòa Phát (HPG), với giá mục tiêu 33.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng tiềm năng 33% so với hiện tại. Dù có điều chỉnh nhẹ giảm 2% so với báo cáo trước, MBS vẫn kỳ vọng việc áp thuế chống bán phá giá cùng với sản lượng từ dự án Dung Quất 2 sẽ trở thành đòn bẩy chính cho tăng trưởng lợi nhuận HPG trong giai đoạn 2025–2026.
MBS cho rằng, đợt điều chỉnh gần đây của thị trường đã đưa HPG về vùng định giá hấp dẫn, phù hợp để gia tăng tỷ trọng đầu tư. Tuy vậy, công ty cũng lưu ý hai rủi ro chính có thể ảnh hưởng đến triển vọng cổ phiếu: Giá thép Trung Quốc tiếp tục suy giảm và đà hồi phục của thị trường bất động sản trong nước chậm hơn dự kiến.
Cùng chung quan điểm tích cực, SHS Research cũng khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với HPG, đưa ra mức giá mục tiêu 34.300 đồng/cổ phiếu trong vòng 12 tháng tới, cao hơn 23,8% so với giá đóng cửa ngày 13/03/2025.

Diễn biến thị trường cổ phiếu HPG trong phiên giao dịch ngày hôm nay 17/7
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG ghi nhận khối lượng giao dịch lớn với hơn 54 triệu đơn vị trong phiên 17/7, tương đương hơn 1.400 tỷ đồng giá trị giao dịch. Dù giảm nhẹ 0,38% trong phiên này, thị giá cổ phiếu vẫn đạt 26.000 đồng/cổ phiếu. Đáng nói, chỉ trong vòng một tháng, mã HPG đã tăng hơn 15%.