TP Hồ Chí Minh: Bất động sản công nghiệp cần hướng đến nhu cầu kho, xưởng cho thuê

Sau khi hợp nhất tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh mới trở thành điểm sáng về bất động sản công nghiệp, đặc biệt ở mảng kho, xưởng xây sẵn cho thuê.

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: ITPC

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: ITPC

Ngày 17-7, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố (ITPC) và Công ty cổ phần khu công nghiệp Hiệp Phước cùng CBRE Việt Nam tổ chức hội thảo “Cơ hội vàng từ bất động sản công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau hợp nhất tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh mới có 66 khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích đất hơn 27.000ha. Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ có 105 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch hơn 49.000ha, là trung tâm công nghiệp hàng đầu của quốc gia.

Giai đoạn 2025-2030, các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt từ 20 tỷ đến 21 tỷ USD; suất đầu tư bình quân thu hút đạt từ 8 triệu USD/ha đến 10 triệu USD/ha; giải ngân 70% tổng vốn đầu tư đăng ký theo tiến độ.

Theo Hepza, thành phố tập trung thu hút 4 ngành công nghiệp chủ lực, tập trung phát triển các phân khúc có hàm lượng công nghệ cao và giá trị tăng trưởng lớn, thân thiện môi trường; các ngành công nghiệp tiềm năng và các ngành công nghiệp mới, có tính chiến lược như: điện tử - bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn, chuỗi khối, công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghiệp môi trường.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: ITPC

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: ITPC

Hướng đến mô hình phát triển bền vững, thành phố đang triển khai Đề án thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động của một số KCX, KCN, trong đó đặc biệt là chuyển đổi KCN Hiệp Phước sang mô hình sinh thái, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuỗi cộng sinh, từng bước tiếp cận kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ mới, tạo ra giá trị gia tăng cao.

“Với những lợi thế vượt trội về hạ tầng, vị trí, nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi chính là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội phát triển bền vững. Chúng tôi đặc biệt chào đón các dự án công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, sản xuất xanh, thân thiện với môi trường”, ông Trần Việt Hà nhấn mạnh.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, sau khi hợp nhất, thành phố Hồ Chí Minh mới có nền kinh tế đa trụ cột, với chuỗi giá trị nội vùng khép kín từ sản xuất, logistics, tài chính đến tiêu dùng và dịch vụ. Thành phố còn có lợi thế thị trường lao động dồi dào, tỉ lệ cao lao động đã qua đào tạo, cơ hội phát triển mạnh các ngành công nghệ cao, dịch vụ và đổi mới sáng tạo.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ITPC

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ITPC

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là siêu đô thị đầu tiên của Việt Nam, vừa tạo ra thị trường lao động dồi dào, vừa là nơi hấp dẫn đầu tư quốc tế nhờ vào quy mô và tính kết nối vùng mạnh mẽ. Cơ cấu lao động của ba địa phương đều có tỉ lệ cao lao động đã qua đào tạo, cho phép thành phố mới tiến sâu hơn vào các ngành công nghệ cao, dịch vụ chuyên môn và đổi mới sáng tạo.

Thành phố mới sở hữu đồng thời các năng lực tài chính, thương mại của trung tâm quốc gia, động lực công nghiệp tiên tiến từ Bình Dương và hệ sinh thái logistics cảng biển cùng với tiềm năng nông nghiệp và du lịch biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu. Sự hội tụ này có thể tạo ra chuỗi giá trị nội vùng khép kín từ sản xuất, logistics, tài chính đến tiêu dùng và dịch vụ, giúp giảm chi phí giao dịch và gia tăng năng lực cạnh tranh của toàn vùng.

Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc cấp cao, Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp và dịch vụ logistic (CBRE Việt Nam) cho rằng, trong bối cảnh thế giới còn diễn biến phức tạp, chính sách thuế quan của Hoa Kỳ rất khó đoạn định, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã đầu tư vào Việt Nam, có nhà máy sản xuất vẫn xem Việt Nam là điểm đến an toàn và tiềm năng. Tuy nhiên, CBRE Việt Nam nhận thấy thị trường bất động sản công nghiệp cả khu vực phía Bắc và phía Nam tỷ lệ hấp thụ thấp ở mảng đất cho thuê trong 6 tháng đầu năm 2025. Ngược lại, ở mảng cho thuê kho, xưởng lại hấp thụ khá tốt (hơn 700.000m² xưởng, lấp đầy hơn 90%; hơn 300.000m² kho, lấp đầy hơn 80%).

Như vậy, theo ông Lê Trọng Hiếu, cơ hội thị trường bất động sản công nghiệp đang hướng mạnh vào mảng kho, xưởng cho thuê, đây lại là điểm mạnh của thị trường bất động sản công nghiệp phía Nam.

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tp-ho-chi-minh-bat-dong-san-cong-nghiep-can-huong-den-nhu-cau-kho-xuong-cho-thue-709363.html
Zalo