'Cỏ trong rào bót'' - món quà quý vị tướng tặng các cháu thiếu nhi

Vị tướng ấy là Thiếu tướng CAND Khổng Minh Dụ - nguyên Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ và văn hóa - tư tưởng, Bộ Công an, đã nghỉ hưu. Ông sinh năm 1943, quê Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội. Không chỉ làm chuyên môn, ông còn là một nhà văn có hàng chục tác phẩm văn, thơ từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá.

Tiêu biểu như: Giải thưởng Truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân Giải phóng miền Nam 1972; Giải thưởng Văn học đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống (1995-2005) của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an; Giải thưởng Cây bút vàng của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an 1998...

Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ.

Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ.

Mới đây, nhân dịp 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông có tập truyện “Cỏ trong rào bót” do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2025. Tác phẩm gồm 100 trang, đăng 4 truyện đề tài thiếu nhi, bìa trang nhã, kèm một số tranh minh họa khiến ấn phẩm càng thêm giá trị. Đây là món quà quý vị tướng dành tặng các cháu nhân ngày 1/6/2025.

Thiếu nhi là tương lai của mỗi gia đình và xã hội, rất cần được yêu thương, chăm sóc. Nhưng, ở miền Nam 50 năm trước, dưới chế độ Mỹ-ngụy, trong ấp chiến lược hay ở vùng tranh chấp, các em phải sống trong thiếu thốn, hiểm nguy, có khi còn bị tước đi mạng sống. Trong “Lời nói đầu”, tác giả viết: “Có một tuổi thơ không có tuổi thơ, đó là tuổi thơ trong chiến tranh. Cổ tích chẳng dành cho trẻ em thời chiến...”. Qua những truyện kể chân thực đầy cuốn hút của Tướng Khổng, bạn đọc hiểu rõ hơn hoàn cảnh, đức tính, nhất là tinh thần dũng cảm, mưu trí sáng tạo của thiếu nhi miền Nam.

Truyện "Cu Tèo và cái dàn thun" kể về đứa trẻ mồ côi cả cha và mẹ, ở với chú Hai Hùng, công tác ở Huyện đội Bến Cát. Cha mẹ bị giết hại, mối thù giặc Mỹ thôi thúc Tèo hành động. Tèo mê dàn thun (súng cao su), có tài thiện xạ. Chiếc dàn thun là phương tiện tuyệt vời để Tèo làm quen với lính Mỹ. Nhiều lần em lấy được lựu đạn và súng giặc đem tặng các chú du kích. Chiều ấy, Tèo trổ tài giương dàn thun, một con bù chao rơi xuống, tên lính Mỹ đứng gác thấy thế reo lên, chạy lại ôm chầm lấy cu Tèo, tháo chiếc đồng hồ đeo tay, chỉ vào chiếc dàn thun tỏ ý muốn đổi.

Tèo lắc đầu, đưa dàn thun cho tên Mỹ, hướng dẫn cách bắn rồi chỉ tay về phía mấy con sáo đậu ở xa. Lính Mỹ tựa súng vào gốc cao su, chạy đi bắn chim, Tèo chộp lấy cây súng đi nhanh về phía bìa rừng. Khi lính Mỹ quay lại, Tèo đã vác súng đi xa, anh ta hốt hoảng gọi và đuổi theo, Tèo quay lại, giương súng, bóp cò (tr 24). Sự thông minh, nhanh trí khiến Tèo lập được chiến công, trả thù cho ba má.

Đến với "Trợ thủ tý hon", được biết bé Phúc con ông Sáu, “người mang chứng tật đui từ thời còn trai trẻ”, luôn quan tâm yêu quý mọi người, bà con nơi đây vẫn coi ông “là linh hồn của xóm ấp” (tr 25). Bấy giờ, Mỹ-ngụy “bắt dân sống tập trung tại ấp chiến lược, khu gom dân, nhằm triệt mối liên hệ của nhân dân với cách mạng” (tr 40). Thời kỳ 1969-1972 ấy, cuộc sống của đồng bào miền Nam hết sức khó khăn và ác liệt. Ông Sáu tuy quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời” nhưng còn chưa biết tính sao khi vợ và hai con khác của ông phải rời làng vô ấp.

Chính bé Phúc, đứa con ít nói “đã gỡ rối cho ông”. Bé giúp ông phát hiện hễ có lính càn vô thì chạy đi hú báo động cho du kích - báo động hú 3 tiếng; báo yên hú 2 tiếng. Nó còn giúp ông nhóm lửa nấu cơm để anh em sau trận chiến được no lòng. Phúc thật xứng với lời khen “vừa là tay, là mắt của ba”, là cầu nối với du kích để nhà ông Sáu thành điểm tập kết của anh em sau trận diệt đồn. Phúc đã góp phần không nhỏ cùng du kích làm nên chiến thắng.

Truyện “Cỏ trong rào bót” kể về tài cắt cỏ của anh em Đực lớn, Đực nhỏ. Nhà nghèo, má mất sớm vì đạn giặc, ba là ông Năm đau yếu luôn. Sinh kế của mấy cha con trông vào những gánh cỏ hai đứa cắt được, đổi thành tiền, gạo mỗi ngày. Hai anh em khéo làm thân với những tay lính, được chúng gỡ trái (mìn) cho để vào bót cắt cỏ. Được cậu Bảy du kích, tuyên truyền về cách mạng và hướng dẫn, hai em đã sớm hiểu chuyện. Có lần chúng thí xâu tôm cho thằng Quý - tên ác ôn số một từ Ba Tri mới đổi về - để làm quen. Dần dà, sự xuất hiện của hai bé, bọn lính không quan tâm.

Hôm ấy, anh em Đực dùng tiền bỏ ống mua 5 trái vịt lộn và 2 xị rượu cúng cho thằng Quý. Tên này cười tít mắt, bỏ trứng vô xoong rồi loay hoay chụm lửa. Thừa cơ, hai em cướp mỗi người một súng chĩa vào tên Quý và tên lính gác lúc chúng không ngờ tới rồi bóp cò. Hai tên phải đền tội. Chiến lợi phẩm thu về còn thêm 7 súng và một máy liên lạc. Hai em thật xứng với lời khen của cậu Bảy: “Giỏi lắm! Hai cháu giỏi lắm. Vậy là hai đứa bay đã thành chiến sĩ an ninh thiệt rồi. Tao ghi công bay. Tao sẽ báo cáo thành tích của bay về huyện” (tr 80).

Đâu chỉ các bé trai dũng cảm, mưu trí, truyện "Tiếng súng Mỹ rõ ràng" kể về cô bé Hoa cũng thông minh, giỏi giang không kém. Hoa mồ côi cha từ trong bụng mẹ “tụi lính bắn chết ba nó khi ba nó về hoạt động ở địa phương” (tr 83). Hoa sống với bà nội tên Bảy và cô Út làm may. Hoa 7 tuổi đã biết trổ nút, đơm khuy giúp cô. Tết này Hoa lên 9 tuổi. Con bé có biệt tài nhảy dây: “Nó nhảy đơn, nhảy kép, có đến hàng trăm nhịp mà không vướng” (tr 82). Bé Hoa thù ghét tên trưởng ấp gian ác vì chính hắn đã chỉ cho tụi lính bắn chết ba nó, còn gây bao khó khăn. Dân ấp ai cũng mong hắn chết.

Ngoài nội và má, bé Hoa còn rất quý chú Tư Sơn, trưởng an ninh xã, luôn thương và quý tụi trẻ. Qua chú Tư, Hoa biết má nó đi làm cách mạng. Bé Hoa bỏ nhảy dây, theo lũ trẻ trai chơi diều và đòi nội mua cho một chiếc. Mỗi khi tên Ấp Lé tới với cô Út, nó kiếm cớ đi chơi. Lần ấy, tên trưởng ấp tới, Hoa đi khỏi, du kích phục sẵn nổ súng diệt gọn tên ác ôn. Nghe loạt súng nổ giòn, bé Hoa chạy về kêu toáng: “Bớ người ta! Ơi các chú lính. Lẹ lên! Lẹ lên, vô mà cứu ông trưởng ấp. Lính Cây Gòn bắn ổng chết queo rồi” (tr 93).

Bọn lính kéo đến cật vấn, bà Bảy và bé Hoa cùng nhiều bà con chạy tới đều khẳng định: Việt cộng đâu có phép tàng hình, loạt súng nổ là tiếng súng Mỹ rõ ràng... Bọn giặc đuối lý, phải khiêng xác tên đồn trưởng về. Từ đó chúng bớt hẳn thói hoạnh họe, bà con được dễ thở hơn.

Bìa cuốn “Cỏ trong rào bót”.

Bìa cuốn “Cỏ trong rào bót”.

Bên cạnh giá trị nội dung, tập truyện còn thành công về nghệ thuật. Giọng kể mộc mạc, mang đậm dấu ấn Nam bộ chứng tỏ nhà văn am hiểu sâu sắc, vận dụng hợp lý lời ăn tiếng nói của bà con qua lời kể và đối thoại. Đây là lời của bà Sáu: “Tụi nó làm dữ quá, ba sắp nhỏ tính coi. Ở đây chưa đầy năm mà ba lần cất nhà rồi. Bom pháo tối ngày, rồi làm sao mần ăn được?” (trang 28).

Nghệ thuật xây dựng nhân vật ở mỗi truyện, mang những dấu ấn riêng từng nhân vật về ngoại hình, tài năng, đức tính và hoàn cảnh hành động lập công. Các nhân vật thiếu nhi trong tác phẩm đều dũng cảm, linh hoạt, sáng tạo, biết tận dụng mọi cơ hội để đánh địch

. Qua đây, nhà văn giúp ta hiểu thêm phẩm chất đáng quý của thiếu nhi miền Nam: các em độ tuổi thơ ngây nhưng đã sớm biết lao động kiếm sống; nhiều em thiếu tình yêu và sự chăm sóc của cha mẹ; nhưng như hoa hướng dương hướng về mặt trời, càng trong bóng tối, các em lại càng vươn lên mãnh liệt, các em yêu thương cha mẹ, ông bà, yêu quê hương, đất nước, một lòng hướng về cách mạng.

Sở dĩ cuốn sách có được thành công ấy do đâu? Bởi, vị tướng từng khoác hai màu áo lính (Bộ đội và Công an), lại sống và chiến đấu đồng cam cộng khổ cùng đồng bào Nam bộ hơn 10 năm (1965-1975) ở vùng giải phóng, vùng tranh chấp giữa ta và địch, cả vùng tạm thời do địch kiểm soát. Do gặp gỡ và có tình yêu mến sâu sắc các cháu thiếu nhi, lứa tuổi măng non tràn đầy sức sống, cảm xúc dâng đầy thôi thúc ông cầm bút. Những trang viết tươi ròng hiện thực qua cuốn sách nhắc nhớ chúng ta biết tri ân những người có công với đất nước, biết trân quý và bảo vệ những thành quả cách mạng mà bao lớp người đi trước đã giành, giữ được và trao truyền cho chúng ta.

Nguyễn Thị Thiện

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/co-trong-rao-bot-mon-qua-quy-vi-tuong-tang-cac-chau-thieu-nhi-i769113/
Zalo