Có thể tiếp tục giảm lãi suất mà không lo bất ổn tỷ giá?

Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tương đối ổn định trong quí 1-2025, bất chấp những biến động trên thị trường quốc tế. Điều này đặt ra câu hỏi liệu Ngân hàng Nhà nước có dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ mà không lo bị áp lực tỷ giá hay không, nhất là khi Mỹ đang rục rịch công bố chính sách thuế đối ứng mới.

Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tương đối ổn định trong quí 1-2025, bất chấp những biến động trên thị trường quốc tế - Ảnh: T.L

Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tương đối ổn định trong quí 1-2025, bất chấp những biến động trên thị trường quốc tế - Ảnh: T.L

Tỷ giá ổn định trước nhiều áp lực

Tính đến cuối tháng 3-2025, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng chỉ tăng nhẹ dưới 0,5% so với cuối năm 2024, một mức biến động được xem là khiêm tốn trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều thay đổi. Trong nhóm ASEAN-6 (bao gồm Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam), chỉ có đồng rupiah Indonesia mất giá mạnh (gần 3%), tiền đồng gần như đi ngang, trong khi các đồng tiền khác tăng giá.

Đây là sự đảo chiều so với năm 2024, khi phần lớn các đồng tiền trong khu vực đều mất giá mạnh trước sức ép của đô la Mỹ. Đáng chú ý, baht Thái hồi phục mạnh mẽ (tăng giá gần 5%) nhờ sự phục hồi du lịch và sự can thiệp kịp thời của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, sau khi đồng tiền này đã mất giá tới 19% trong giai đoạn 2021-2023.

Trong khi đó, tiền đồng nhìn chung vẫn ổn định nhờ sự phối hợp giữa nhiều yếu tố như nợ công thấp, tăng trưởng kinh tế nhanh, cán cân thương mại thặng dư, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối tăng ổn định. Bên cạnh đó là sự điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nguồn dự trữ ngoại tệ đủ để đảm bảo các cú sốc ngắn hạn. Hơn nữa, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất mà còn kỳ vọng giảm lãi suất từ giữa năm 2025, càng làm giảm áp lực lên dòng vốn và tỷ giá tại các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Lãi suất vẫn còn dư địa giảm

Trên mặt bằng lãi suất, tín hiệu nới lỏng rõ ràng đã xuất hiện. Trong năm 2024, lãi suất cho vay bình quân giảm 1,72 điểm phần trăm, trong khi lãi suất huy động chỉ tăng nhẹ 0,71 điểm phần trăm. Sang tháng 3-2025, theo định hướng của Chính phủ, các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,5-1 điểm phần trăm, đồng thời cam kết hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh.

NHNN cũng linh hoạt hỗ trợ thanh khoản thông qua thị trường mở (OMO), giữ lãi suất OMO ở mức 4%/năm và kéo dài kỳ hạn tái cấp vốn lên 91 ngày. Các động thái này vừa giúp giảm chi phí vốn cho hệ thống ngân hàng, vừa không tạo cú sốc về mặt thanh khoản.

Quan trọng hơn, NHNN đang bám sát diễn biến quốc tế, đặc biệt là chính sách thương mại của Mỹ và kế hoạch giảm lãi suất của Fed. Nếu các điều kiện thuận lợi tiếp diễn, việc giảm thêm lãi suất điều hành trong quí 2 là hoàn toàn có thể.

Cần theo dõi chính sách thương mại của Mỹ

Rủi ro lớn nhất đối với tỷ giá trong ngắn hạn là chính sách thuế đối ứng mới mà chính quyền Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, dự kiến công bố vào đầu tháng 4-2025. Với mục tiêu giảm thâm hụt thương mại, Mỹ đang xem xét áp thuế lên hàng hóa từ các đối tác, nhất là các đối tác có xuất siêu lớn, trong đó có Việt Nam.

Tác động tiềm tàng đến Việt Nam có thể đến từ hai hướng: một là giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ nếu thuế bị áp cao và hai là áp lực lên nguồn dự trữ ngoại tệ nếu cán cân thương mại song phương với Mỹ phải thu hẹp. Điều này có thể ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối cũng như tâm lý thị trường.

NHNN vẫn có dư địa để giảm thêm lãi suất. Trong ngắn hạn, tỷ giá và lạm phát đều trong tầm kiểm soát, nhưng về dài hạn, sự ổn định này sẽ phụ thuộc vào khả năng phối hợp chính sách và năng lực ứng phó với các cú sốc toàn cầu, vốn là điều không thể đoán trước.

Tuy vậy, mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào chi tiết chính sách của Mỹ như mức thuế áp dụng, đối tượng hàng hóa và khả năng phân biệt đối xử giữa các quốc gia. Ảnh hưởng đến Việt Nam có thể được kiểm soát một phần nhờ vào mối quan hệ chiến lược giữa hai nước.

Vẫn có những tín hiệu tích cực

Một số yếu tố bên ngoài đang diễn biến theo hướng ổn định và hỗ trợ cho các chính sách của Việt Nam. Thứ nhất, căng thẳng Nga - Ukraine đang có dấu hiệu hạ nhiệt, với các thỏa thuận ngừng bắn cục bộ mở ra cơ hội cho đàm phán hòa bình. Sự ổn định này giúp thị trường hàng hóa toàn cầu bình ổn trở lại, đặc biệt là các mặt hàng như năng lượng, lương thực và nguyên vật liệu thô, vốn có ảnh hưởng lớn đến lạm phát tại Việt Nam.

Thứ hai, tuyến hàng hải qua kênh đào Suez, từng bị gián đoạn bởi các cuộc tấn công từ lực lượng Houthi, đang dần thông suốt trở lại. Điều này giúp giảm chi phí logistics và rút ngắn thời gian di chuyển, từ đó góp phần hạ giá hàng hóa.

Thứ ba, chính sách thương mại của Mỹ cũng sẽ tạo sức ép lên kinh tế nội địa nước này. Triển vọng tăng trưởng bị ảnh hưởng sẽ khiến Fed thận trọng hơn trong điều hành lãi suất, gián tiếp giảm áp lực lên đô la Mỹ. Mặt khác, chính quyền ông Trump nhiều khả năng sẽ chủ động duy trì đô la Mỹ yếu nhằm hỗ trợ xuất khẩu và tái cân bằng thương mại, điều này sẽ có lợi cho tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong trung hạn.

Áp lực lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát

Dù kinh tế đang phục hồi, Việt Nam vẫn chưa đối mặt với nguy cơ lạm phát cao. Tăng trưởng quí 1-2025 phục hồi, dự kiến đạt mức 7-7,5% nhưng vẫn còn chưa bền vững. Chính phủ đang duy trì hỗ trợ tài khóa và tiền tệ để khôi phục sản xuất và tiêu dùng, do đó cung tiền (M2) có thể mở rộng nhưng chưa tạo ra áp lực giá rõ rệt.

Tốc độ lưu chuyển tiền tệ trong nền kinh tế vẫn ở mức thấp, dù có dấu hiệu cải thiện. Cụ thể, tín dụng quí 1-2025 ước tăng 2-2,5%, M2 cũng tăng tương ứng, mặc dù đã tăng cao hơn so với cùng kỳ nhưng nhìn chung hệ số vòng quay tiền vẫn thấp, cho thấy nền kinh tế chưa quá “nóng”. Đây là cơ sở để NHNN yên tâm hơn trong việc nới lỏng chính sách mà không tạo áp lực cầu kéo.

Tổng hòa các yếu tố trên, có thể nói NHNN vẫn có dư địa để giảm thêm lãi suất, đặc biệt là các công cụ gián tiếp như OMO hoặc lãi suất tái chiết khấu, đặc biệt là sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng. Tuy nhiên, mức độ và tốc độ cần được cân nhắc kỹ, để tránh phát đi tín hiệu lỏng lẻo quá mức trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài còn nhiều bất định.

Trong ngắn hạn, tỷ giá và lạm phát đều trong tầm kiểm soát, nhưng về dài hạn, sự ổn định này sẽ phụ thuộc vào khả năng phối hợp chính sách và năng lực ứng phó với các cú sốc toàn cầu, vốn là điều không thể đoán trước.

Lão Trịnh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/co-the-tiep-tuc-giam-lai-suat-ma-khong-lo-bat-on-ty-gia/
Zalo