Cổ đông đề xuất hạn chế cổ tức tiền mặt, ông Hùng Huy nói đã tính toán
ACB chưa có kế hoạch IPO ACBS mà sẽ tiếp tục tăng vốn để củng cố năng lực hoạt động. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 ở mức 23.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Trần Hùng Huy giải đáp thắc mắc của cổ đông trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025. Ảnh: ACB.
Sáng 8/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 với sự tham dự của 588 cổ đông, đại diện sở hữu hơn 4,47 triệu cổ phiếu, tương đương 60,27% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Chưa IPO ACBS, tiếp tục tăng vốn cho công ty con
Trả lời cổ đông về kế hoạch bán vốn và IPO tại Công ty Chứng khoán ACBS, Chủ tịch Trần Hùng Huy cho biết ACB từng đàm phán với một số đối tác nhưng chưa tìm được bên phù hợp nên đã tạm dừng kế hoạch này.
Ngân hàng hiện chưa có kế hoạch IPO ACBS trong ngắn hạn mà sẽ tiếp tục tập trung vào củng cố năng lực và thúc đẩy tăng trưởng cho công ty con này.
Gần đây, ACB đã nâng vốn điều lệ cho ACBS từ 7.000 tỷ lên 10.000 tỷ đồng và dự kiến tiếp tục tăng thêm 1.000 tỷ đồng ngay trong tháng 4. Đồng thời, ACB cũng tăng cường năng lực tài chính cho công ty quản lý quỹ trực thuộc để tận dụng cơ hội thị trường, gia tăng lợi nhuận.
Liên quan tới thắc mắc vì sao ACB chia cổ tức tiền mặt 10% vì cổ đông đánh giá ngân hàng là ngành đặc thù, tăng trưởng chung với nền kinh tế, nếu chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ này thì ước tính trong vòng 6 năm sẽ mất tương đương một ngân hàng ACB như ngày hôm nay.
Tăng trưởng tổng tài sản mục tiêu của ACB là 14%, thấp hơn mục tiêu chung 16% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nếu chia cổ tức tiền mặt thì không có nội lực để tăng quy mô tài sản. Kế hoạch năm nay đã lập sẵn, vì thế cổ đông đề xuất có thể vẫn chia cổ tức tiền mặt trong năm nay nhưng năm sau nên cân nhắc lại.
Trả lời cổ đông, ông Huy giải đáp trong các năm trước, ngân hàng vẫn nhận được đề xuất của cổ đông có mong muốn chia cổ tức tiền mặt. Ngoài ra, trước khi quyết định chia tiền mặt hay cổ phiếu, ACB phải cân nhắc làm sao cân bằng vốn của cổ đông tối ưu nhất trong trung và dài hạn, chứ không phải chỉ trong 6 tháng hay 1 năm.

ACB ít chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn từ thuế quan ông Trump
Chính sách thuế quan mới của chính quyền ông Trump đang làm rúng động cả thị trường tài chính toàn cầu, nhiều cổ đông của ACB cũng lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng tại ngân hàng.
Chia sẻ với cổ đông, Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho biết chính sách thuế quan mới của Mỹ đang gây ảnh hưởng lớn, qua đó tác động đến tỷ giá, dòng vốn FDI và tiêu dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, với danh mục tín dụng tập trung phần lớn vào khách hàng cá nhân (65%) và doanh nghiệp vừa và nhỏ (29%), ACB tự tin ít chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn.
Ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 đạt 16-18%, chủ yếu nhờ tín dụng cá nhân phục hồi. Dù đã rà soát lại danh mục sau khi chính sách thuế quan được công bố, ACB khẳng định chưa phát hiện rủi ro trọng yếu nào ở nhóm khách hàng FDI hoặc doanh nghiệp lớn.
ACB cũng cho biết tỷ lệ cho vay bất động sản của ngân hàng hiện chiếm chưa đến 20% tổng dư nợ, phần lớn là các dự án đầu ngành và có tài sản đảm bảo. Đáng chú ý, 98% tổng dư nợ của ACB hiện có tài sản đảm bảo, chỉ 2% là vay tín chấp, giúp ngân hàng kỳ vọng kiểm soát tốt nợ xấu trong thời gian tới.
ACB đánh giá mảng doanh nghiệp lớn và FDI vẫn còn dư địa phát triển khi mới chiếm khoảng 1% thị phần tín dụng toàn ngành. Dư nợ cho vay nhóm này tại ACB đang rất thấp, chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp đầu ngành có hệ sinh thái mạnh, ít phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. ACB dự kiến duy trì chiến lược phân tán rủi ro này trong 5 năm tới.
Trong năm 2024, ACB là một trong các ngân hàng ghi nhận tín dụng tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn thận trọng trước khả năng chất lượng tài sản biến động trong tương lai, nhất là khi thị trường bất động sản và tiêu dùng còn đối mặt nhiều khó khăn.

Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho biết danh mục tín dụng ngân hàng hiện tập trung phần lớn vào khách hàng cá nhân; doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tự tin ít chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn từ thuế quan Trump. Ảnh: ACB.
Lợi nhuận quý I đạt 20% kế hoạch
Khép lại quý I, ACB ước tính tăng trưởng tín dụng đạt 3%, huy động tăng hơn 2%, nợ xấu ở mức 1,34%. Lợi nhuận trước thuế quý I ước đạt khoảng 4.600 tỷ đồng, tương đương 20% kế hoạch cả năm là 23.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch năm 2025, ACB dự kiến tổng tài sản đạt gần 985.000 tỷ đồng (+14%), huy động từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt hơn 728.000 tỷ đồng (+14%), dư nợ cho vay đạt gần 674.000 tỷ đồng (+16%) và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.
Lợi nhuận trước thuế của ACB năm 2024 đạt hơn 21.000 tỷ đồng. Sau khi trích lập quỹ và nghĩa vụ thuế, ngân hàng còn gần 23.634 tỷ đồng để chia cổ tức. Dự kiến, ACB sẽ dùng 11.166 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 25%, gồm 10% tiền mặt và 15% cổ phiếu. Phần lợi nhuận giữ lại sau chia là hơn 12.467 tỷ đồng.
ACB cũng sẽ phát hành gần 670 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 44.667 tỷ lên 51.367 tỷ đồng. Nguồn phát hành lấy từ lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2024. Việc phát hành dự kiến hoàn tất trong quý III.
ACB cho biết sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm để nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn bảo mật và hiện đại hóa hệ thống giao dịch. Sau khi đầu tư công nghệ cho ACBS, ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát triển ngân hàng số.