Cơ quan Trung ương của Công đoàn Việt Nam là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia
Việc ghi nhận vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn là một nội dung cấp thiết, phù hợp.

Anh Nguyễn Ngọc Tiến, Bí thư Chi đoàn Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương
Điều 10 trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp quy định: "Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động trực thuộc MTTQ Việt Nam; đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động; là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Theo quy định của Luật Công đoàn 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 thì chủ thể đoàn viên công đoàn chỉ bao gồm 1 đối tượng là người lao động (khoản 6 điều 4). Và chủ thể người lao động đã bao quát tất cả các đối tượng khác, trong đó có công nhân.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ luật Lao động 2019 cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam. Trên thực tế đã xuất hiện những tổ chức bất hợp pháp mượn danh đại diện cho người lao động Việt Nam đề nghị tham gia các tổ chức quốc tế về lao động và công đoàn với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn.
Do vậy, việc ghi nhận vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn là một nội dung cấp thiết và phù hợp. Tuy nhiên, nếu quy định chung như dự thảo là Công đoàn Việt Nam thì có thể dẫn đến cách hiểu tất cả các cấp công đoàn bao gồm cả cấp cơ sở cũng có thẩm quyền như vậy, sẽ không phù hợp thực tế.
Vì vậy, tôi góp ý sửa điều 10 trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp như sau: "Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của người lao động, trực thuộc MTTQ Việt Nam; đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cơ quan Trung ương của Công đoàn Việt Nam là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn".