Cơ quan quyền lực của Musk vấp lực cản từ nội bộ phe Cộng hòa
Khi các cử tri bị ảnh hưởng bởi các biện pháp tinh gọn bộ máy của Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ (DOGE), các nghị sĩ Cộng hòa bắt đầu bày tỏ quan điểm thận trọng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và tỷ phú Elon Musk - người đứng đầu DOGE - tại Nhà Trắng, hôm 11/2. Ảnh: Reuters.
Nhìn từ bên ngoài, dường như phe Cộng hòa vẫn đang hết lòng ủng hộ chiến dịch tinh gọn bộ máy của tỷ phú Elon Musk. Một số nghị sĩ Cộng hòa thậm chí đề xuất luận tội các thẩm phán liên bang ngăn cản hoạt động của DOGE hoặc ra các phán quyết không có lợi cho cơ quan này.
Dù vậy, khi các biện pháp tinh giản bộ máy và cắt giảm chi tiêu vượt ra khỏi phạm vi thủ đô Washington và ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực bầu cử mà phe Cộng hòa đại diện, các nghị sĩ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: Tuân thủ đường lối của ông Trump hay ngồi yên nhìn các cử tri của mình mất việc.
“Thay vì cắt giảm mọi thứ, hãy chọn lọc”, Hạ nghị sĩ Don Bacon (bang Nebraska) nói với CNN. “Đánh chuột đừng để vỡ bình”.
Những tiếng nói lo ngại
Hạ nghị sĩ Mike Simpson (bang Idaho), người đến từ khu vực bầu cử có một số Cơ quan Rừng Quốc gia Mỹ (NPS), cho biết đang trao đổi với nhánh hành pháp về tác động của lệnh dừng tuyển nhân viên liên bang lên NPS, theo Politico. Hôm 14/2, NPS đã sa thải khoảng 1.000 nhân viên.
Thượng nghị sĩ Jerry Morgan - đại diện cho bang nông nghiệp Kansas - tuyên bố khi USAID bị giải thể, nông dân sẽ bị ảnh hưởng vì họ thường xuyên bán ngũ cốc cho chương trình chống đói nghèo ở nước ngoài “Lương thực vì Hòa bình” của chính phủ Mỹ.
Thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito (bang West Virginia) cho biết tiểu ban về ngân sách của bà tại Thượng viện đang chèn các câu chữ vào đạo luật ngân sách ngăn Nhà Trắng cắt giảm hàng tỷ USD dành cho nghiên cứu y học.
Chỉ vài tuần trước đó, bà Capito vẫn tuyên bố ủng hộ DOGE. “Các đảng viên Cộng hòa tự hào vì có DOGE ở phe ta. Dưới thời Tổng thống Biden, các khoản chi tiêu bừa bãi của chính phủ vượt khỏi tầm kiểm soát, tác động tiêu cực tới những người Mỹ lao động chăm chỉ và nguồn sống của họ”, bà nói.
Khi DOGE nhằm đến chương trình chinh phục Mặt Trăng Artemis của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) với lý do phung phí nguồn lực, hàng loạt nghị sĩ Cộng hòa đã lên tiếng bảo vệ chương trình này. Nguyên nhân chính được đưa ra là nguy cơ tụt hậu trước Trung Quốc.
Tuy nhiên, không thể bỏ qua yếu tố chính trị nội bộ: Hoạt động nghiên cứu, chế tạo tên lửa đẩy (do Boeing chủ trì) và buồng dành cho phi hành đoàn (do Lockheed Martin chủ trì) đang mang đến hàng chục nghìn việc làm ở các bang do phe Cộng hòa kiểm soát như Texas, Alabama, Mississippi và Florida.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz (bang Texas) hôm 12/2 khẳng định sẽ sớm đề xuất một đạo luật nhằm bảo vệ chương trình Artemis trong “ít nhất một năm”, theo Bloomberg.
Một số nghị sĩ đang trông chờ khả năng tòa án Mỹ hủy bộ một số chính sách của DOGE, theo một trợ lý nghị sĩ cấp cao giấu tên của phe Cộng hòa. Các nghị sĩ “bực mình vì động thái này được nhánh hành pháp - thay vì Quốc hội - thực hiện”, người này nói.

Một người biểu tình tại New York mang theo biểu ngữ "Không ai bầu cho Elon Musk", ngày 5/2. Ảnh: Reuters.
Tác động rộng rãi
Đa số diễn ngôn của các chính trị gia bảo thủ về cắt giảm lao động liên bang nhằm vào khu vực xung quanh thủ đô Washington - nơi do đảng Dân chủ kiểm soát.
Tuy đây là nơi tập trung nhiều người lao động liên bang nhất - khoảng 20% - thực tế là khoảng 2,3 triệu lao động liên bang (không tính quân nhân và nhân viên bưu điện) phân bố rải rác khắp nước Mỹ.
Trong số 100 khu vực bầu cử có tỷ lệ lao động liên bang cao nhất, hơn một nửa đang do phe Cộng hòa kiểm soát, theo phân tích của Wall Street Journal.
Khu vực miền Nam và Đông Nam nước Mỹ có nhiều cựu quân nhân và nhân viên của Bộ Cựu chiến binh Mỹ. Nơi đây cũng tập trung nhiều căn cứ quân sự, đòi hỏi đội ngũ dân sự hỗ trợ.
Ở một số khu vực, các căn cứ quân sự là đơn vị sử dụng lao động lớn nhất - như căn cứ lục quân Fort Sill và căn cứ không quân Tinker tại khu vực bầu cử số 4 của bang Oklahoma.
Trong khi đó, vùng Trung Tây nước Mỹ có nhiều lao động liên bang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại bang Iowa, khoảng một phần năm số lao động liên bang làm việc cho Bộ Nông nghiệp Mỹ. Các căn cứ quân sự lớn cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế một số địa phương. Ví dụ, căn cứ không quân Wright - Patterson là đơn vị sử dụng lao động lớn nhất bang Ohio.
Tại những bang miền Tây, nhiều lao động làm việc cho Bộ Nội vụ - cơ quan quản lý nguồn tài nguyên tại Mỹ - cũng như Bộ Nông nghiệp và Bộ Năng lượng. Tại Wyoming, khoảng một phần tư lao động liên bang là người của Bộ Nội vụ.
Về phần mình, Nhà Trắng tuyên bố ủng hộ các biện pháp cắt giảm, thậm chí thúc giục Quốc hội Mỹ luật hóa chính sách này.
“Tổng thống Trump nhận được sự ủng hộ rộng rãi đối với kế hoạch đảm bảo các chương trình sử dụng tiền thuế của nhân dân phù hợp với những gì cử tri Mỹ ủy nhiệm cho ông hồi tháng 11”, Phát ngôn viên Nhà Trắng Anna Kelly tuyên bố với Politico.