Xuất khẩu năm 2025: Kỳ vọng bứt phá từ các thị trường mới

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với kết quả ấn tượng trong năm 2024 ước đạt trên 404 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2023. Năm 2025, với những kỳ vọng bứt phá từ các thị trường được mở rộng, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu (XK) tăng trưởng khoảng 12%.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại. Thị trường như EU chú trọng đến phát triển bền vững, hiện đã và đang đưa ra nhiều quy định mới như Cơ chế điều chỉnh carbon, Quy định chống phá rừng châu Âu,... có tác động đến một số mặt hàng XK chủ lực của nước ta.

Doanh nghiệp nỗ lực vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu.

Doanh nghiệp nỗ lực vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu.

Đặc biệt, biến động chính sách thương mại của các nước lớn khi Hoa Kỳ bước vào nhiệm kỳ Tổng thống mới là yếu tố tác động mạnh và khó đoán định. Song, dù bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, Bộ Công Thương vẫn đặt ra mục tiêu thách thức với tăng trưởng XK năm 2025 đạt khoảng 10- 12% so với năm 2024.

Theo các chuyên gia, đây là con số rất thách thức. Để đạt được kết quả này, trung bình mỗi tháng XK phải tăng 4 tỷ USD/tháng so với mức bình quân tháng năm 2024. PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đã tạo đà rất lớn cho tăng trưởng năm 2025, nên nếu thuận lợi thì khả năng đạt tăng trưởng 12% là khả thi.

Lý giải về dự đoán này, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng cho rằng, đến nay Việt Nam đã ký rất nhiều FTA và đi vào thực thi, mang lại hiệu quả tích cực cho các ngành hàng và doanh nghiệp. Sự bắt nhịp, chủ động, thích ứng với các yêu cầu của thị trường nhập của doanh nghiệp Việt đã minh chứng qua các con số XK. Trong năm 2025, nhiều mặt hàng của Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường XK; hay hiện nay đã có hơn 10.000 sản phẩm OCOP của các địa phương, nếu chúng ta làm chuẩn, đầy đủ, chuyên nghiệp hóa, cộng với các nền tảng thương mại điện tử mà chúng ta đã tạo dựng được thì sự đột phá nằm trong tầm tay.

Cùng với đó, doanh nghiệp Việt cũng đã đẩy mạnh XK trực tuyến xuyên biên giới góp phần rất lớn đưa hàng Việt, thương hiệu Việt ra thế giới. Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ ngày càng được mở rộng, lợi thế quy mô càng lớn. Do đó, xuất nhập khẩu năm 2025 chắc chắn tốt hơn và cao hơn năm nay.

Doanh nghiệp nỗ lực vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu. Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp nỗ lực vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu. Ảnh minh họa.

Ở góc độ ngành hàng, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, kim ngạch XK dệt may về đích đạt 44 tỷ USD, tăng trưởng 11,26% so với năm trước. Với kết quả đạt được trong năm 2024 và những tín hiệu khá tích cực của thị trường ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng XK cao hơn trong năm 2025 ở mức 47 - 48 tỷ USD. Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng cho quý I/2025 và đang đàm phán cho quý II/2025. Hiện, hàng dệt may Việt Nam hiện đã XK vào hơn 100 thị trường trên toàn cầu. Bên cạnh các khách hàng truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, khối CPTPP và các nước ASEAN, sản phẩm dệt may Việt Nam cũng đã tiến vào các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông…

Việc thực thi các FTA cũng là một lợi thế đặc biệt, mở ra thị trường rộng lớn cho các sản phẩm dệt may của Việt Nam. Điều này đã được minh chứng qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA) kim ngạch XK hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Nga đã có bước nhảy vọt, từ con số rất nhỏ tăng lên gần 1 tỷ USD trong năm nay.

Đối với ngành Thủy sản, năm 2024, XK đạt 10 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2023. Năm 2025, trước nhiều thách thức sẽ phải đối mặt nhưng ngành Thủy sản Việt Nam vẫn đặt mục tiêu XK 11 tỷ USD. Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024 tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản cả nước đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023. Năm 2025, phấn đấu tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản 64 - 65 tỷ USD.

Trong Công điện về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đồng thời xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh mẽ, làm cho sản phẩm Việt Nam có mặt mọi nơi trên thế giới, từ đó đóng góp vào tăng trưởng GDP. Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng tối đa các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường XK; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/xuat-khau-nam-2025-ky-vong-but-pha-tu-cac-thi-truong-moi-i755262/
Zalo