Cổ phiếu 'phòng thủ' ngành dược băng băng tiến tới

Trái ngược với diễn biến lình xình trong thời gian gần đây của thị trường chung, nhóm cổ phiếu ngành dược vốn được mệnh danh là nhóm cổ phiếu phòng thủ lại hấp dẫn dòng tiền, giúp thị giá nhiều mã trong nhóm này tăng mạnh.

Theo quan sát, từ những phiên cuối tháng 11 đến nay, nhóm cổ phiếu dược bất ngờ giao dịch tích cực, thậm chí một số cổ phiếu còn liên tục thiết lập những đỉnh cao mới trong vài phiên giao dịch.

Thị giá tăng "vùn vụt" lên đỉnh lịch sử

Điển hình như cổ phiếu DHT của Dược phẩm Hà Tây. Từ phiên 26/11 đến 3/12, cổ phiếu này duy trì 6 phiên tăng giá, trong đó có 1 phiên tăng trần. Với mức giá chốt phiên 3/12 là 108.300 đồng/cp, cổ phiếu DHT tiếp tục lập đỉnh lịch sử. Đáng chú ý, cổ phiếu ngành dược này đã liên tiếp lập kỷ lục về giá trong 4 phiên giao dịch liên tiếp.

Từ những phiên cuối tháng 11 đến nay, nhóm cổ phiếu dược bất ngờ giao dịch tích cực.

Từ những phiên cuối tháng 11 đến nay, nhóm cổ phiếu dược bất ngờ giao dịch tích cực.

Thị giá DHT đã "bốc đầu" tăng từ hồi tháng 5, từ quanh vùng giá 27.000 đồng/cp lên 108.300 đồng/cp, tương đương tăng gấp 4 lần. Thậm chí, so với hồi đầu năm ở quanh vùng giá 21.000 đồng/cp, mã này đã tăng hơn 5 lần.

Điều đó đã giúp DHT trở thành cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong ngành, thậm chí nằm top cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn chứng khoán sau hơn nửa năm.

Với thị giá hiện tại, P/E của DHT đã đạt mức 120 lần. Vốn hóa theo đó được kéo lên gần 8.934 tỷ đồng, vượt Imexpharm và Dược Việt Nam để xếp thứ 2 ngành dược tại Việt Nam, chỉ đứng sau Dược Hậu Giang (DHG).

Đà tăng mạnh của cổ phiếu Dược Hà Tây được hưởng lợi từ một số điều của Luật Dược (sửa đổi) với 7 nhóm điểm mới cơ bản.

Bên cạnh đó, cổ đông chiến lược Nhật Bản ASKA Pharmaceutical cũng liên tục có động thái gia tăng sở hữu trong bối cảnh cơ cấu cổ đông của Dược Hà Tây hiện khá cô đặc.

Gần nhất, ASKA Pharmaceutical vừa đăng ký mua thêm gần 2,2 triệu cổ phiếu DHT để tăng sở hữu, thời gian giao dịch dự kiến từ 3/12 - 31/12/2024. Nếu thành công, ASKA Pharmaceutical có thể nâng sở hữu lên hơn 38% vốn tại Dược Hà Tây. Tạm tính theo mức giá hiện tại, giá trị giao dịch vào khoảng 220 tỷ đồng.

Hiện, ASKA Pharmaceutical đang nắm giữ hơn 29,3 triệu cổ phiếu DHT, tương ứng tỷ lệ 35,61% vốn cổ phần.

Không kém cạnh, cổ phiếu DBD của Bidiphar cũng ghi nhận chuỗi tăng giá từ phiên 27/11 đến nay, tiếp tục thiết lập đỉnh giá mới cao nhất lịch sử niêm yết tại 59.000 đồng/cp.

Cổ phiếu DBD chào năm mới 2024 ở mức giá 43.360 đồng/cp. Như vậy, kể từ đầu năm tới nay, thị giá của mã cổ phiếu này đã tăng hơn 30%.

Thị giá cổ phiếu DBD liên tục “bay cao”, khi nhà đầu tư đang đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan của công ty dược phẩm có trụ sở tại tỉnh Bình Định này.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu "phòng thủ" dược phẩm cũng ghi nhận một số mã khác diễn biến khá tốt như IMP, TNH, DVN, DHG…

Yếu tố giúp doanh nghiệp dược tăng trưởng

Lâu nay, cổ phiếu dược phẩm được nhà đầu tư đưa vào nhóm phòng thủ bởi tiềm năng tăng trưởng tốt, tỷ lệ cổ tức duy trì ở mức cao (Dược Hậu Giang năm 2023 chi cổ tức 75% tiền mặt, Traphaco chi cổ tức tỷ lệ 40%, PMC trả cổ tức bằng tiền mặt tổng tỷ lệ 191%, Bidiphar duy trì mức cổ tức từ 15 - 30% trong nhiều năm nay...).

Trong báo cáo phân tích triển vọng ngành dược, Chứng khoán Rồng Việt nhận định, hai yếu tố chính giúp ngành dược Việt Nam duy trì tăng trưởng kép 8% trong dài hạn là xu hướng già hóa dân số và thu nhập bình quân theo đầu người tăng lên.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số người trên 60 tuổi vào khoảng 13 triệu người, tương đương 13,17% tổng dân số Việt Nam vào năm 2022. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 29,22 triệu người, chiếm 25,35% tổng dân số Việt Nam vào năm 2050. Với người cao tuổi, các vấn đề về sức khỏe sẽ xuất hiện nhiều và nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc cao hơn những người ở độ tuổi lao động.

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AzFin Việt Nam đánh giá, doanh nghiệp ngành dược Việt Nam có sự tăng trưởng bền vững, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp sản xuất dược phẩm khi nhu cầu thuốc tại Việt Nam tăng 10% mỗi năm.

Đà tăng trưởng của ngành dược trong dài hạn đến từ cả hai kênh ETC (thuốc kê đơn, đấu thầu bệnh viện) và OTC (bán lẻ). Kênh ETC luôn chiếm ưu thế trong doanh thu ngành dược.

Thuốc kê đơn được kỳ vọng sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng doanh số dược phẩm trong những năm tới, nhờ nhu cầu chữa bệnh tăng cao, việc triển khai bảo hiểm y tế quốc gia, thu nhập tăng, cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe tốt hơn và sự phát triển của thuốc gốc.

Doanh thu thuốc kê đơn được dự báo đạt 5,7 tỷ USD vào năm 2025, chiếm tỷ trọng 76,6% tổng doanh thu bán thuốc, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2020 - 2025 là 8,4%.

Theo Fitch Solutions, doanh thu thuốc OTC sẽ đạt 2,2 tỷ USD vào năm 2024, chiếm 23,6% tổng doanh thu dược phẩm. Các động lực cho kênh OTC trong những năm tới gồm việc Chính phủ khuyến khích đầu tư tư nhân vào kênh OTC, tiềm năng mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Tại dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, ngành dược đặt mục tiêu thuốc sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường và sản xuất được 20% nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước.

Việt Nam đang phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực, với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1 tỷ USD; tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vắc-xin, sinh phẩm, bao gồm cả sinh phẩm tương tự và một số thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Thực tế, để mở rộng quy mô và nâng cao năng lực hoạt động, đón đầu các cơ hội từ thị trường, các doanh nghiệp dược đang tích cực tăng vốn, bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược.

Chẳng hạn, tại Bidiphar, bên cạnh kế hoạch thoái vốn nhà nước (Quỹ đầu tư và phát triển Bình Định đang nắm giữ 13,35% vốn tại Bidiphar), Công ty dự kiến chào bán 23,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, với giá tối thiểu 50.000 đồng/cp, thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2025. Toàn bộ số tiền dự kiến thu được sẽ dùng để bổ sung vốn cho hai dự án nhà máy mới tại Khu kinh tế Nhơn Hội.

Dược Hậu Giang - doanh nghiệp đầu ngành dược, cũng đầu tư thêm nhà máy đạt chuẩn Japan - GMP, với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, giúp tăng công suất của doanh nghiệp thêm 25% so với trước đó.

Trong khi đó, Traphaco (TRA) có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động của Phòng Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Đông dược và ngoài Đông dược; đầu tư nâng cấp dây chuyền cho Nhà máy Đông dược tại Traphaco CNC; đánh giá khả thi việc đầu tư Nhà máy GMP-EU tại Traphaco Hưng Yên và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ từ đối tác Daewoong Hàn Quốc, lựa chọn sản phẩm xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/co-phieu-phong-thu-nganh-duoc-bang-bang-tien-toi-1103959.html
Zalo