Cổ phiếu 'ông lớn' bảo hiểm lên đỉnh 3 năm
Cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận sức mua áp đảo với thanh khoản tăng 2-3 lần. Thị giá BVH tăng hết biên độ và tiến lên mốc 57.300 điểm, cao nhất gần 3 năm qua.

Thị giá BVH tăng lên mức cao nhất gần 3 năm qua. Ảnh: BVH.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch thuận lợi trong ngày 18/2. Ngay từ sớm, VN-Index đã nhận được động lực tăng điểm từ các nhóm ngành có câu chuyện riêng đầu năm như ngân hàng, xây dựng và đầu tư công.
Giữa phiên sáng, chỉ số chính bật tăng mạnh hơn 10 điểm và kiểm tra nguồn cung quanh vùng 1.280 điểm. Dẫu vậy, sự lấn át của phe bán tại khu vực này khiến dòng tiền nhanh chóng “chùn bước”.
Kết phiên, VN-Index tăng 5,42 điểm (+0,43%) lên 1.278,14 điểm; HNX-Index tăng 2,65 điểm (+1,14%) lên 235,84 điểm; UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,11%) lên 99,51 điểm.
Thanh khoản hạ nhiệt về ngưỡng 16.500 tỷ đồng, song vẫn duy trì ở mức khá so với giai đoạn ảm đạm đầu năm.
Sắc xanh vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử với 498 mã tăng (gồm 45 mã tăng trần), 796 mã đứng giá và chỉ có 317 mã giảm (gồm 7 mã giảm sàn).
Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 22 mã tăng, 2 mã giữ tham chiếu và 6 mã giảm. Sự áp đảo này chỉ giúp VN30-Index tăng nhẹ lên mốc 1.337 điểm.

VN-Index đang tìm cách vượt mốc kháng cự 1.280 điểm. Ảnh: TradingView.
Cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt gây bất ngờ khi là mã duy nhất trong VN30 tăng trần. Đây cũng là mã dẫn đầu nhóm kéo chỉ số gồm HPG, BID, GVR, TCB, GEE, VRE, CTG, VPB và PLX.
Nhờ sức mua mạnh mẽ, thanh khoản của BVH tăng vọt lên ngưỡng 125 tỷ đồng, cao gấp 2-3 lần so với thông thường. Với việc tiến lên mốc 57.300 điểm, thị giá BVH đang neo ở mức cao nhất gần 3 năm qua.
Nhịp đi lên cũng đưa vốn hóa của doanh nghiệp bảo hiểm đầu ngành lên hơn 42.500 tỷ đồng.
Không riêng gì BVH, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng dậy sóng trong phiên hôm nay, chẳng hạn có BLI (+5,1%), PGI (+1,6%), MIG (+4,4%), PTI (+2,2%), PRE (+2,6%), BMI (+3,8%), BIC (+3%), VNR (+4%).
Nhóm bất động sản cũng có đà tăng giá đồng thuận sau chuỗi ngày phân hóa mạnh. Với sự dẫn dắt của “họ Vin” gồm VIC (+0,2%), VRE (+2,4%), VHM (+0,2%), các mã vốn hóa vừa và nhỏ như DIG (+2,4%), CEO (+3%), DXG (+1%), NVL (+1,5%), TCH (+1,9%), QCG (tăng trần) đều có biên độ tăng tốt.
Trong khi đó, nhóm xây dựng, đầu tư công vẫn duy trì “phong độ” với VCG (+0,7%), CII (+1%), CTD (+1,8%), GEE (+6,2%), PC1 (+0,4%). Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận HUT, DFF, DC4 và BOT cùng tăng trần.
Trái lại, một số cổ phiếu nhóm khoáng sản lại bị chốt lời ồ ạt với những cái tên như MSR (-6,7%), KSB (-0,7%), BMC (-4,6%), MTA (-3,3%), KCB (-0,3%) còn KSV và HGM cùng giảm sàn.
Riêng với KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV (Vimico), đà bán tháo xuất hiện sau khi có thông tin hai Ủy viên HĐQT là ông Đặng Đức Hưng và Ngô Quốc Trung đăng ký bán toàn bộ số cổ phiếu KSV đang sở hữu trong bối cảnh thị KSV ở mức cao kỷ lục.
Dù giảm sàn, thị giá KSV vẫn cao gấp 6 lần thời điểm đầu tháng 12/2024. Với mức giá 269.600 đồng/đơn vị, đây là một trong những cổ phiếu đắt đỏ nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Ngoài ra, nhóm kéo chân chỉ số hôm nay còn có LPB (-1,7%), PNJ (-1,9%), BCM (-0,4%), SSB (-0,5%), ACB (-0,2%), KBC (-0,9%), SHB (-0,5%), VSC (-3,5%), GMD (-0,7%) và CHP (-3,1%).
Khối ngoại bán ròng phiên thứ 12 liên tiếp nhưng quy mô giảm còn 139 tỷ đồng, chủ yếu hạ tỷ trọng MWG (-73 tỷ đồng), VNM (-40 tỷ đồng) và VCB (-30 tỷ đồng).