Cổ phiếu 'đại gia' khai thác vàng, đồng, đất hiếm tăng không ngừng
Cổ phiếu KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV tiếp tục ghi nhận thêm một phiên tăng ấn tượng hơn 6%, đẩy thị giá lên gần 300.000 đồng/cổ phiếu và vốn hóa vượt 59.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV tăng "phi mã" nhờ hưởng lợi từ đà tăng giá của các kim loại quý vàng, bạc, đồng trên thế giới. Ảnh: Bloomberg.
Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới với diễn biến cởi mở. Sau khi mở cửa trong sắc xanh, chỉ số VN-Index dành phần lớn thời gian di chuyển quanh đường tham chiếu trên biên độ hẹp.
Tuy nhiên, bước ngoặt bất ngờ xuất hiện trong nửa cuối phiên chiều. Trong đó, sự trở lại mạnh mẽ của nguồn cung hội tụ tại các cổ phiếu vốn hóa lớn khiến chỉ số không thể đứng vững và nhanh chóng lao dốc.
Kết phiên, VN-Index giảm 3,36 điểm (-0,26%) xuống 1.272,72 điểm; HNX-Index tăng 1,97 điểm (+0,85%) lên 233,19 điểm; UPCoM-Index tăng 1,04 điểm (+1,06%) lên 99,39 điểm.
Sức nóng xuất hiện vào cuối phiên cũng đưa thanh khoản trên cả 3 sàn tăng vọt lên gần 20.300 tỷ đồng, cao nhất 1 tuần qua.
Trên bảng điện tử, số lượng mã tăng vẫn có phần nhỉnh hơn với 487 cổ phiếu (gồm 58 mã tăng trần) trong khi chỉ có 327 mã giảm (gồm 7 mã giảm sàn) và 795 mã giữ tham chiếu.
Mặt khác, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 chỉ ghi nhận 9 mã tăng, 2 mã đứng giá và 19 mã giảm. Chỉ số đại diện rổ vì thế bị đẩy lùi xuống mốc 1.334 điểm.

VN-Index bị đẩy lùi khi tiến vào vùng 1.280 điểm. Ảnh: TradingView.
Áp lực rung lắc VN-Index hôm nay chủ yếu đến từ các bluechips như BID (-1,1%), MSN (-2,5%), CTG (-1%), TCB (-1,2%), FPT (-0,9%), MWG (-2%), HVN (-2,2%), MBB (-0,9%), VPB (-0,8%) và LPB (-0,7%).
Trong khi đó, nhóm đứng ra đảm nhiệm vai trò trụ đỡ cho thị trường là những mã có câu chuyện tăng trưởng riêng như GEE (tăng trần), SSB (+1,9%), VIX (+5,9%), GVR (+0,7%), SJS (tăng trần), SHB (+1,9%), EVF (tăng trần), EIB (+1,6%), VND (+2,8%) và VJC (+0,8%).
Cổ phiếu đầu tư công, hạ tầng và xây dựng vẫn là điểm đến của dòng tiền từ đầu năm nay, với GEX (+2%), GEE (tăng trần), PC1 (+0,4%), BCG (+3,5%), HBC (+5,6%), BOT (tăng trần), MST (+1,4%), TV1 (+6,8%).
Cổ phiếu khai khoáng cũng có diễn biến khởi sắc hôm nay với MSR (tăng trần), HGM (+3,8%), MTA (tăng trần), FCM (+6,9%), KSV (+6,2%).
Trong khi MSR của CTCP Masan High-Tech Material đánh dấu phiên tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp, lên 22.400 đồng/cổ phiếu, cao nhất 3 năm, cổ phiếu KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV (Vimico) cũng nối dài chuỗi ngày tăng điểm.
Đến cuối phiên 17/2, KSV được giao dịch ở mức 299.500 đồng/cổ phiếu, tăng 6,2% trong phiên và tăng 211% từ đầu năm. Đáng chú ý, chỉ tính trong 3 tháng gần nhất, cổ phiếu KSV đã tăng hơn 500%, đẩy thị giá lên vùng đắt đỏ nhất thị trường chứng khoán, trong khi vốn hóa công ty cũng tiệm cận mức 60.000 tỷ đồng.
Vimico hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản như vàng, bạc, kẽm, đồng, nhôm. Trong đó, công ty này nắm quyền khai thác tại mỏ đồng lớn nhất Việt Nam - mỏ Sin Quyền.... Ngoài ra, Vimico đang quản lý và khai thác mỏ Đông Pao - mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước.
Đà tăng giá của các kim loại quý như vàng, bạc, đồng... trên thị trường quốc tế thời gian qua là nguyên nhân giúp kết quả kinh doanh của Vimico cao kỷ lục năm 2024.
Điểm trừ của phiên hôm nay là việc khối ngoại đẩy mạnh bán ròng gần 670 tỷ đồng. Áp lực bán ra tập trung tại các mã vốn hóa lớn như MWG (-155 tỷ đồng), VNM (-94 tỷ đồng), FPT (-89 tỷ đồng), HDB (-69 tỷ đồng).
Ngược lại, tiền ngoại chỉ giải ngân ở mức vừa phải cho các mã EIB (+53 tỷ đồng), SHB (+45 tỷ đồng), HPG (+44 tỷ đồng).