VN-Index cao nhất 4 tháng, tiến về 1.300 điểm
VN-Index tăng mạnh nhất từ đầu tháng và tiến lên mốc 1.288 điểm, cao nhất 4 tháng qua. Sự đồng thuận và lan tỏa của dòng tiền giúp áp lực từ nguồn cung bị hấp thụ hoàn toàn.

VN-Index đứng trước cơ hội vượt mốc 1.300 điểm. Ảnh: Phương Lâm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch sôi động ngày 19/2. Từ thời điểm mở cửa, dòng tiền nhập cuộc đã tỏ ra vượt trội và nhanh chóng kéo VN-Index lên cao.
Bước sang phiên chiều, chỉ số dễ dàng tiến lên vùng cao mới bất chấp chút rung lắc gây ra bởi nguồn cung.
Kết phiên, VN-Index tăng 10,42 điểm (+0,82%) lên mức 1.288,56 điểm, cao nhất 4 tháng qua. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng đồng thuận tăng 1,95 điểm (+0,85%) lên 237,79 điểm, trong khi UPCoM-Index ngược chiều giảm nhẹ 0,17% (-0,17%) xuống 99,34 điểm.
Đà đi lên của VN-Index thúc đẩy không khí giao dịch “nóng” lên rõ rệt. Thanh khoản trên cả 3 sàn nhờ đó tăng vọt lên mốc 20.000 tỷ đồng.
Bảng điện tử “thấm đẫm” sắc xanh với 583 mã tăng (gồm 50 mã tăng trần), 767 mã giữ tham chiếu và chỉ 261 mã giảm (gồm 8 mã giảm sàn).
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng chứng kiến 26 mã tăng, 3 mã giảm và duy nhất VJC đứng giá, chỉ số đại diện rổ bật tăng lên mốc 1.344 điểm.

VN-Index tiến sát mốc 1.300 điểm. Ảnh: TradingView.
Dòng tiền hôm nay lan tỏa đều trên của thị trường. Trong đó, những trụ cột chính kéo VN-Index đi lên gọi tên GVR (+2,6%), REE (tăng trần), EIB (+5,1%), MWG (+2,4%), BCM (+2,6%), MSN (+2%), TCB (+1%), GAS (+1%) và SIP (tăng trần).
Nhóm bất động sản cũng gây chú ý khi dòng tiền đổ dồn về những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ như CEO (+6,5%), TCH (tăng trần), DIG (+0,8%), DXG (+3,7%), IDC (+3,7%), KHG (+6,5%), NVL (+1%), NLG (+3%), SZC (+3,5%).
Nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm - chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trên thị trường - cũng được giao dịch tích cực với EVF (+2,3%), FTS (+1,3%), OCB (+1,7%), SSI (+0,8%), HCM (+1,2%), VCI (+1,1%).
Sự đồng thuận của nhóm đầu tư công, xây dựng và điện cũng đóng góp không nhỏ cho nhịp đi lên của chỉ số.
Trong khi đó, nhóm nguyên vật liệu, khai khoáng có dấu hiệu phân hóa khi một số cổ phiếu như HPG (-0,2%), MSR (-11,9%), DRI (-1,3%), DPR (-1,4%), TRC (-1,4%) quay đầu giảm, riêng KSV và HGM giảm sàn.
Với trường hợp KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV (Vimico), cổ phiếu này đã có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp và lùi về mốc 242.700 đồng/cổ phiếu. Sau 2 phiên giảm liên tiếp, vốn hóa của Vimico trên HNX đã bị “thổi bay” gần 10.000 tỷ đồng.
Diễn biến bất lợi xuất hiện trong bối cảnh 2 lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu KSV nắm giữ.
Trước đó, KSV đã ghi nhận nhịp tăng mạnh kéo dài từ đầu tháng 12/2024 và đạt đỉnh gần 300.000 đồng/cổ phiếu tính đến phiên 17/2, tăng gấp 6 lần.
Cổ phiếu MSR của CTCP Masan High-Tech Materials cũng có diễn biến giao dịch tương tự khi giảm mạnh 2 phiên gần nhất, qua đó giảm về mốc 19.900 đồng/cổ phiếu. Trước đó, cổ phiếu MSR đã ghi nhận xu hướng tăng liên tục từ đầu tháng 2 với sự xuất hiện của nhiều phiên tăng trần.
Đà giảm của MSR cũng khiến tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tạm thời “bỏ lỡ” cơ hội có thêm một doanh nghiệp tỷ USD trong hệ sinh thái Masan Group. Kết thúc phiên 19/2, vốn hóa của Masan High-Tech Materials giảm còn gần 22.000 tỷ đồng.
Một điểm sáng khác của phiên hôm nay là việc khối ngoại mua ròng trở lại với quy mô gần 300 tỷ đồng sau 12 phiên bán ra liên tiếp. Danh mục mua vào được nhóm này lựa chọn gồm các mã SHS (+59 tỷ đồng), OCB (+59 tỷ đồng) và FPT (+47 tỷ đồng).
Ngược lại, các mã NLG (-39 tỷ đồng), VCB (-36 tỷ đồng), HHS (-35 tỷ đồng) vẫn bị bán ròng hàng chục tỷ đồng.