Cổ phiếu bán lẻ đã đủ hấp dẫn?

Trước phiên giao dịch thứ Năm đen tối (3/4/2025) khi thị trường phản ứng mạnh với thông tin Việt Nam bị Mỹ áp thuế đối ứng 46%, VN-Index có diễn biến tích cực trong quý đầu năm 2025, với mức tăng xấp xỉ 5%, nhưng nhiều cổ phiếu bán lẻ đại diện cho ngành như MWG, PNJ, FRT lại đi ngược xu hướng chung.

Cổ phiếu bán lẻ giảm giá mạnh theo thị trường chung, dù ngành có triển vọng tăng trưởng

Cổ phiếu bán lẻ giảm giá mạnh theo thị trường chung, dù ngành có triển vọng tăng trưởng

Giá cổ phiếu bán lẻ giảm

MWG tăng 1,2% trong tháng 3/2025, nhưng nếu tính từ mức đỉnh trong tháng là 63.000 đồng/cổ phiếu (phiên 11/3), thì cổ phiếu này đến cuối tháng giảm hơn 5% và giảm 2% so với đầu năm nay. Trong khi đó, mã FRT giảm hơn 11% so với đầu năm, mã PNJ mất gần 12%; mã DGW giảm hơn 5,5% giá trị trong tháng 3 và giảm 9% so với đầu năm.

Tính đến 31/3/2025, chỉ số VNDiamond giảm hơn 5% so với đầu năm, chủ yếu do ảnh hưởng từ nhịp điều chỉnh 2 tuần cuối tháng 3, trong khi chỉ số này trước đó thường xuyên vượt trội so với VN-Index. Hiệu suất của VNDiamond thua xa VN-Index chủ yếu do mã FPT, MWG, PNJ đánh mất “phong độ”.

Trong đó, mã FPT là tâm điểm chú ý thời gian gần đây khi liên tục giảm giá mạnh trước áp lực từ cả khối ngoại và nhà đầu tư trong nước. Từ đỉnh lịch sử hồi trung tuần tháng 1/2025, thị giá FPT đã mất 20% và đang ở vùng thấp nhất kể từ tháng 8/2024. Mã PNJ thậm chí còn đang ở đáy 1 năm qua sau khi giảm hơn 14% trong quý đầu năm 2025, do sự thiếu hụt nguồn cung và những vấn đề khác như giá tăng mạnh làm đội chi phí đầu vào của các sản phẩm trang sức - mảng đem lại lợi nhuận chính cho PNJ, nhu cầu các mặt hàng không thiết yếu hồi phục chậm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vàng. Mã MWG thì trồi sụt thất thường…

Triển vọng ngành vẫn khả quan

Bán lẻ là một trong những ngành quan trọng của Việt Nam, có quy mô thị trường năm 2024 khoảng 265 tỷ USD (6,391 triệu tỷ đồng), kỳ vọng sẽ đạt 300 tỷ USD trong năm 2025, đóng góp 60% GDP cả nước.

Năm 2024, dù nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, nhưng đà tăng trưởng của ngành bán lẻ vẫn được duy trì ở mức ổn định so với năm 2023, tăng 9%.

Năm 2025, nhiều công ty chứng khoán đưa ra góc nhìn tích cực cho cổ phiếu ngành bán lẻ nhờ triển vọng tăng trưởng sẽ tiếp diễn. Công ty Chứng khoán Shinhan dự báo, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2025 có thể đạt 7,074 triệu tỷ đồng (tăng 10,7%). Nhờ sự hậu thuẫn từ nhiều yếu tố, nhu cầu tiêu dùng có các dấu hiệu hồi phục rõ rệt, thúc đẩy doanh thu bán lẻ hàng hóa (nhóm đóng góp phần lớn vào ngành bán lẻ Việt Nam), kỳ vọng năm nay đạt 5,388 triệu tỷ đồng (tăng 9,5%).

Dữ liệu về ngành bán lẻ của Tổng cục Thống kê cho thấy ngành này ghi nhận mức tăng trưởng gần 10% trong 2 tháng đầu năm 2025 và đang có dấu hiệu phục hồi khá tốt so với giai đoạn năm 2023 - 2024. Tuy nhiên, một số ý kiến chuyên gia trên thị trường cho rằng, bán lẻ tiêu dùng có dấu hiệu chậm lại trong tháng 3, đây có thể là lý do khiến nhóm cổ phiếu gặp áp lực chốt lời mạnh hơn, bên cạnh áp lực bán ròng của khối ngoại.

Doanh nghiệp lên kế hoạch tăng trưởng

Ông Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập FinSuccess cho biết, các các doanh nghiệp bán lẻ đầu ngành đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao cho năm 2025. Chẳng hạn, MWG đặt mục tiêu năm nay đạt lợi nhuận sau thuế 4.850 tỷ đồng, tăng gần 30% so với mức thực hiện năm ngoái. Tương tự, FRT dự kiến năm nay đạt 900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng hơn 71%. PNJ chưa có kế hoạch kinh doanh cụ thể, nhưng theo báo của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp này có thể ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số.

Do đó, ông Trung cho rằng, việc giá cổ phiếu nhóm bán lẻ gần đây giảm giá phần lớn đến từ một số yếu tố riêng. Ví dụ, với PNJ, giá vàng thế giới và trong nước liên tục tăng mạnh, dẫn đến nguồn vàng nguyên liệu đầu vào của PNJ thu mua trở nên khó khăn hơn, có thể ảnh hưởng quá trình sản xuất. Ngoài ra, giá vàng tăng cao khiến mảng trang sức bán lẻ của Công ty bị ảnh hưởng do sức mua giảm.

Trong khi đó, cả MWG, FRT và PNJ đều bị khối ngoại bán ròng rất mạnh, có những phiên, lực bán của nước ngoài chiếm đến 80 - 90% thanh khoản của cổ phiếu. Theo tìm hiểu của FinSuccess, khối ngoại bán ròng chủ yếu đến từ nhu cầu tái cơ cấu danh mục, chuyển dịch từ nhóm cổ phiếu bán lẻ sang các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Cơ hội mua thêm cổ phiếu

Bán lẻ là một trong những ngành quan trọng của Việt Nam, kỳ vọng năm 2025 tiếp tục tăng, đóng góp 60% GDP cả nước.

Trong danh mục đầu tư của FinSuccess, ngành bán lẻ đang được theo dõi kỹ khi các cổ phiếu đang về vùng định giá hấp dẫn. Điển hình như PNJ hiện giao dịch quanh mức định giá P/E 13,5 lần, khá thấp so với lịch sự giao dịch nhiều tháng trước.

Mã MWG cũng được FinSuccess quan tâm khi doanh nghiệp bán lẻ này dự kiến sẽ có lợi nhuận quay lại mức đỉnh trong năm nay 2025 (đỉnh lợi nhuận của MWG là xấp xỉ 4.900 tỷ đồng năm 2021), trong khi giá cổ phiếu gần đây lao dốc.

Với FRT, giá điều chỉnh mạnh trong tuần qua, dù chuỗi Long Châu - “con gà đẻ trứng vàng” có mức tăng trưởng và sinh lời tốt trong thời gian gần đây. Do đó, việc giá cổ phiếu giảm không phải vì yếu tố cơ bản, mà do ảnh hưởng từ động thái nước ngoài bán ròng và thị trường chung lao dốc.

Bà Nguyễn Quỳnh Ly, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán MB cho rằng, cổ phiếu MWG đang được giao dịch ở mức định giá P/E dự báo năm 25 là 17,2 lần, thấp hơn P/E trung bình giai đoạn 2020 - 2022 (19 lần). MWG đang được chiết khấu ở mức giá mua hấp dẫn trong bối cảnh lợi nhuận ròng phục hồi mạnh mẽ. Dự báo, giai đoạn 2025 - 2026, điều kiện vĩ mô thuận lợi sẽ giúp chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh tiếp tục phục hồi, cùng với chuỗi Bách hóa xanh dự kiến lãi ròng lần lượt 410 tỷ đồng và 444 tỷ đồng, mang lại động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho MWG.

Đối với PNJ, bà Lê Thu Huyền, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội đánh giá, PNJ phụ thuộc lớn vào vàng, từ kinh doanh vàng miếng đến sản xuất trang sức. Giá vàng giảm có thể làm giảm giá trị hàng tồn kho và nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm vàng, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận. Ngược lại, giá vàng tăng có thể mang lại lợi ích, nhưng sự biến động khó lường vẫn là một rủi ro đáng kể.

Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào của PNJ đa phần đến từ nguồn nhập khẩu. Do vậy, nguồn cung thiếu hụt có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của PNJ. Năm ngoái, PNJ đã phải tái chế vàng trang sức để đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, bà Huyền nhận định, cổ phiếu PNJ có triển vọng tăng trưởng nhờ hoạt động kinh doanh vẫn có dư địa đi lên. Cụ thể, PNJ duy trì chiến lược mở rộng nhưng vẫn bảo toàn được biên lợi nhuận. Kỳ vọng, doanh thu năm 2025 sẽ tăng 14,5% và lợi nhuận gộp tương đương năm 2024, đóng góp nhiều nhất ở mảng bán lẻ nữ trang. PNJ có thể chiếm thêm được thị phần từ các tiệm vàng nhỏ lẻ bị hạn chế kinh doanh trong bối cảnh Chính phủ siết chặt kiểm tra tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu. Đồng thời, PNJ đang đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào nguyên liệu vàng. PNJ chia sẻ, Công ty quyết định mở rộng kinh doanh các sản phẩm phi trang sức, hiện tại đã ký hợp đồng với các bên liên quan và sẽ công bố trong quý II/2025.

Trong khi đó, FRT được Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) dự báo, lợi nhuận ròng năm 2025 có thể đạt 610 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2024). Do kết quả kinh doanh quý IV/2024 tốt hơn dự kiến, SSI đã tăng giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phiếu FRT từ 215.000 đồng/cổ phiếu lên 220.000 đồng/cổ phiếu (thị giá cuối tuần qua là 140.000 đồng/cổ phiếu).

Nhà thuốc Long Châu (chiếm 89% tổng giá trị của FRT) tiếp tục là chuỗi kinh doanh có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các chuỗi bán lẻ niêm yết tại Việt Nam, nhờ lợi thế cạnh tranh và mức độ thâm nhập thương mại hiện đại tương đối thấp (dưới 15% thị trường dược phẩm). Kế hoạch tăng vốn cho Long Châu sẽ là yếu tố hỗ trợ đối với cổ phiếu FRT, bên cạnh triển vọng lợi nhuận tích cực, dù nhu cầu tiêu dùng không thiết yếu có thể phục hồi chậm hơn dự kiến.

Mai Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-ban-le-da-du-hap-dan-post366900.html
Zalo