Chứng khoán tuần 8 - 11/4: Thị trường đang đợi gì để hồi phục?

Sau kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, thị trường chứng khoán Việt Nam trở lại với áp lực chưa từng có: VN-Index mất hơn 100 điểm chỉ trong 2 phiên, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục và tâm lý thị trường trở nên cực đoan vì quyết định áp thuế đối ứng 46% từ Tổng thống Mỹ. Tuần này sẽ là phép thử quan trọng: Nếu các tín hiệu tích cực xuất hiện, thị trường có thể phục hồi kỹ thuật; ngược lại, vùng hỗ trợ có thể tiếp tục bị xuyên thủng.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chứng khoán chịu tác động dữ dội của chính sách thuế mới

Quyết định của Tổng thống Donald Trump với mức thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa Việt Nam được đánh giá là cơn sốc về chính sách đối ngoại ép thị trường VNX rơi mạnh hơn 100 điểm trong 2 phiên trước nghỉ. Tác động không chỉ gói gọn trong ngành xuất khẩu (như dệt may, điện tử, gỗ, thủy sản...) mà lan rộng sang tỉ giá, FDI cũng như tâm lý nhà đầu tư.

Nhiều đánh giá lo ngại việc Việt Nam là một trong những quốc gia bị áp thuế cao nhất, vượt cả Trung Quốc, Đông Nam Á chỉ sau Campuchia.

Tín hiệu trong biến động

Khác với những đợt sụt giá trước đây, lần này thanh khoản không hề suy giảm mà trái lại, về mặt tích cực, cho thấy tín hiệu nhập cuộc từ nhóm nhà đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, không ít các công ty chứng khoán đã phát đi cảnh báo về rủi ro gia tăng giải chấp.

Giao dịch khối ngoại đáng lưu ý với mức bán ròng hơn 9.400 tỷ đồng trong tuần, cao nhất lịch sử theo tuần. 2 phiên cuối tuần chiếm tới 70% lực bán này, tạo thên "cố tâm lý" đẩy nhiều nhóm CP xuống đáy mới trong hơn 1 năm.

Giới phân tích nhấn mạnh, giai đoạn tuần này (8-11/4) sẽ là thời điểm then chốt quyết định xu hướng VN-Index. Trường hợp thông tin về đàm phán có tín hiệu tích cực, thị trường có thể hồi phục nhanh dựa trên lực cầu bắt đáy và định giá cổ phiếu đang về vùng hấp dẫn.Ngược lại, nếu mức thuế cao tiếp tục được duy trì, thị rủi ro của thị trường sẽ chưa dừng lại.

Khuyến nghị chung là nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng hợp lý, ưu tiên các mã có nền tảng tốt và tắm nhìn dài hạn. Giai đoạn nhạy cảm hiện nay đòi hỏi nhà đầu tư linh hoạt điều chỉnh danh mục, sẵn sàng cho cả 2 kịch bản ngược chiều.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lợi nhuận của thương hiệu trang sức PNJ "đi lùi"

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ, HOSE) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2025. Theo đó, Công ty đề mục tiêu doanh thu 31.607 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2024. Tương ứng, kế hoạch lợi nhuận sau thuế gần 1.960 tỷ, giảm 7% so với mức kỷ lục năm qua.

Ban lãnh đạo PNJ cho biết thị trường năm nay dự kiến gặp nhiều thách thức khi sức mua giảm và gặp khó về nguồn cung. Cụ thể, ngành trang sức đối mặt với những khó khăn chưa từng có của một "cơn bão kép" đến từ cả hai đầu cung và cầu. Trong đó, nguồn nguyên vật liệu khan hiếm do giá vàng tăng trong khi sức mua chưa phục hồi và mức tăng trưởng ngành bán lẻ hàng xa xỉ suy giảm. Nhiều doanh nghiệp ngành vàng đã đóng cửa, hoạt động cầm chừng, chuyển ngành.

Năm 2024, hãng trang sức của "nữ tướng" Cao Thị Ngọc Dung ghi nhận doanh thu thuần 37.823 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục 2.113 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm 2023.

Theo PNJ, năm qua trong khi thị trường trang sức tăng trưởng âm mấy chục phần trăm, riêng PNJ vẫn tăng trưởng dương nhờ Công ty mở rộng mạng lưới để chiếm thị phần và tiếp tục tung ra các bộ sưu tập mới cho các nhóm khách hàng riêng biệt.

Với kết quả đạt được, HĐQT đề xuất chia cổ tức 2024 theo như kế hoạch với 20% bằng tiền mặt. Trong đó, Công ty đã tạm ứng 6%, dự kiến sẽ chi trả thêm 14% thời gian tới.

Năm 2025, PNJ dự kiến dành 40% lợi nhuận để trích vào quỹ đầu tư phát triển, 5% cho quỹ khen thưởng phúc lợi. Chỉ tiêu cổ tức duy trì ở mức 20% tiền mặt.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo góp mặt trong "trái tim" AI của Đà Nẵng

Cuối tháng 3 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tới thăm Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DASC) vào ngày khai giảng khóa đào tạo thiết kế bán dẫn chuyên sâu đầu tiên dành cho 80 sinh viên tài năng.

Tại buổi lễ, trên cơ sở nội dung hợp tác đã ký, Ngân hàng Số Vikki cùng Galaxy Holding đầu tư hệ thống phòng Lab hiện đại với ngân sách 100 tỷ đồng cho năm đầu tiên; bao gồm tập trung đầu tư trang thiết bị, xây dựng chương trình đào tạo, và chi phí vận hành.

Hai bên công bố quan hệ hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ mũi nhọn cho Đà Nẵng và Việt Nam trong thời gian tới.

Cả ngân hàng số Vikki và Galaxy Holdings (tên đầy đủ là Công ty TNHH Galaxy Digital Holdings) đều là thành viên của hệ sinh thái Sovico Group.

Hệ sinh thái của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tài trợ 100 tỷ vào "trái tim" AI (Ảnh: Internet)

Hệ sinh thái của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tài trợ 100 tỷ vào "trái tim" AI (Ảnh: Internet)

Vikki có tiền thân là Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), sau khi được chuyển giao bắt buộc, trở thành công ty con 100% vốn của HDBank – ngân hàng do tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giữ vị trí Phó chủ tịch thường trực.

Còn Galaxy Holdings thành lập vào tháng 8/2021 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, do Sovico Group góp vốn, bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Hiện nay, công ty do ông Trần Thanh Hải làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Theo giới thiệu là một Tập đoàn Công nghệ số, mục đích nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh truyền thống thành kinh doanh số, truyền cảm hứng cho mọi người cùng đóng góp và xây dựng một Việt Nam thịnh vượng trong thế giới số.

Về lộ trình phát triển, giai đoạn 2024-2026, Galaxy Holdings sẽ mở rộng cung cấp dịch vụ ra các đối tác bên ngoài hệ sinh thái Sovico. Công ty cũng đề mục tiêu hợp tác với những doanh nghiệp kỹ thuật số có giá trị cao.

Nhận định và khuyến nghị

Bà Lan Anh, Chuyên viên tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset, cho biết, cú sốc bất ngờ lớn về thuế quan đối ứng 46% từ Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam đã khiến cho tâm lý nhà đầu tư chao đảo, gây ra làn sóng bán tháo dữ dội. Tâm điểm của lực bán tháo mạnh một phần tới từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài.

Song, một "điểm sáng" nhen nhóm ở phiên cuối tuần khi mà lực cầu bắt đáy nhập cuộc trở lại. Giá giảm cực mạnh ban đầu sau đó được đẩy dần lên, thậm chí một vài nhóm cổ phiếu còn bật ngược tăng mạnh là tín hiệu tích cực về tâm lý.

Thanh khoản toàn sàn HOSE đạt 42,2 nghìn tỷ đồng - mức cao hiếm thấy trong nhiều tháng qua. Riêng nhóm VN30 ghi nhận giá trị giao dịch lên tới 24,6 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 60% tổng thanh khoản thị trường, cho thấy có tín hiệu dòng tiền bắt đáy đang có xu hướng tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, phản ánh kỳ vọng vào khả năng phục hồi từ vùng giá thấp.

Bà Lan Anh nhấn mạnh, trong thời điểm ngắn hạn hiện tại nhà đầu tư nên thận trọng nhiều hơn vì thị trường đang song hành thêm rủi ro áp lực giải chấp dư nợ ký quỹ.

Giai đoạn sau kỳ nghỉ lễ sẽ là thời điểm mang tính quyết định.

Nếu đàm phán thành công và mức thuế giảm, đó sẽ là cú hích cực kỳ tích cực cho thị trường chứng khoán, không loại trừ khả năng VN-Index sẽ có một nhịp hồi kỹ thuật đáng kể, nhất là khi định giá nhiều cổ phiếu đang trở nên hấp dẫn.

Ngược lại nếu thông tin bất lợi, dòng tiền khả năng sẽ tiếp tục đứng ngoài, áp lực bán duy trì và mặt bằng giá khó thiết lập đáy bền vững vì mức thuế 46% là "liều thuốc mạnh" âm ỉ lâu dài.

Chứng khoán SHS cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường đã chịu cú sốc thuế quan, vượt các dự tính, dẫn đến thị trường có những phiên giao dịch, bán mạnh với mức giảm và thanh khoản đột biến nhất trong lịch sử. Điều này vẫn có thể là áp lực gia tăng đà bán mạnh những phiên sắp đến.

Nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng hợp lý; ưu tiên quản trị rủi ro trong bối cảnh mới hiện nay; mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế.

Chứng khoán Asean đưa ra 2 kịch bản cho thị trường tuần này. Với kịch bản khả quan (xác suất 65%): Thị trường có thể hồi phục trở lại sau đà bán tháo mạnh trước đó, khi mà rất nhiều mã cổ phiếu đã về vùng định giá hấp dẫn. Còn tại kịch bản kém khả quan (xác suất 35%): Trong trường hợp Việt Nam không thể đàm phán thuế quan, thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh sâu hơn về các mốc hỗ trợ 1.150 điểm và 1.000 điểm.

Lịch trả cổ tức tuần này

Theo thống kê, có 5 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức tuần 31/3 - 4/4, tất cả doanh nghiệp đều trả bằng tiền mặt.

Tỷ lệ cao nhất là 120%, thấp nhất là 2%.

Lịch trả cổ tức bằng tiền

*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.

Tuệ Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chung-khoan-tuan-8-11-4-thi-truong-dang-doi-gi-de-hoi-phuc-20250408010622326.htm
Zalo