Có phép màu mới không mắc bệnh ung thư
3 giờ sáng, mấy căn phố đầu dãy bên hông chợ sáng đèn đầu tiên. Cái bàn thấp ngoài hiên tiệm cà phê lục tục có mấy người khách kéo ghế, trong khi lão Tàu già chủ tiệm bụng phệ quần đùi áo thun ba lỗ còn lúi húi trụng ly tách vào xoong nước sôi sùng sục trên lò than.
Mùi cà phê thơm phức bốc lên từ cái siêu khiêu khích những cánh mũi phập phồng. Sớm tinh sương không khí mát lạnh làm hương cà phê tan loãng thật chậm khiến gã Minh Hương nôn nóng.

Minh họa: Lý Long
-Lâu “dzậy”! Nị hà…
Chủ tiệm Tàu già lạch bạch bưng cái khay nhỏ đặt bốn ly cà phê bốc khói lên cái bàn thấp, ba ly cho ba người khách và một ly cho ông ta. Mấy cái muỗng nhỏ khuấy đường chạm vào thành ly nghe lanh canh vui tai. Cà phê kho bằng vợt vải nhúng trong siêu nước sôi ngào ngạt hương và nóng phỏng miệng có sức hấp dẫn đặc biệt, không phải đủng đỉnh nhỏ từng giọt lạnh tanh xuống đáy ly như uống cà phê nóng pha phin mà không nóng xíu nào, chẳng bù với lão Minh Hương chủ tiệm hủ tiếu mì vì vội mở hàng sớm, phải đổ một phần ly cà phê vào cái dĩa nhỏ để bớt nóng mà bưng lên húp từng ngụm khoái trá. Hai người khách kia, một là chủ tiệm cơm thầy Hai, một là chủ tiệm tạp hóa Hai Néo lai rai trò chuyện. Lão Tàu già chủ tiệm cầm ly cà phê uống dở quay vào với siêu cà phê nóng vì có mấy người khách kéo ghế. Đó là mấy mụ sồn sồn bán hàng bên trong chợ. Lão Tàu nhanh nhẩu chế mấy ly cà phê, không cần hỏi khách uống thứ gì vì là khách hàng quá thân thuộc, lúc này thằng nhỏ bồi bàn đã xong việc quét dọn, làm nhiệm vụ bưng cà phê cho khách. Khác với mấy khứa già nói chuyện nhát gừng và thả khói thuốc mù mịt, mấy mụ khách đến sau trò chuyện lớn tiếng, có mụ còn lên tay xuống ngón bén miệng chửi thề ngọt sớt. Thuộc làu sinh hoạt trong chốn chợ búa ồn ào, họ nói năng lớn tiếng và thường chanh chua cãi lộn cũng là lẽ đương nhiên.
Mùi thịt mỡ - hành - tiêu từ xoong nước lèo bự tổ chảng của tiệm hủ tiếu mì Minh Hương bên cạnh bay lòng vòng át hẳn mùi cà phê thơm dịu nhẹ. Một đám xe thồ, bốc vác đổ vào quán hủ tiếu mì. Họ nhai, húp sì sụp hỗn hợp mì tươi mì khô và giò nạc giò mỡ béo ngậy để bù ca-lo-ri hao tốn từ nửa đêm. Còn mấy ông bà chủ sạp hàng chờ lúc người nhà bày biện hàng hóa ngăn nắp, đã bán vài khách mở hàng, họ mới đủng đỉnh thưởng thức tô mì ngọt nước hầm xương, sợi mì dai và giòn gia truyền của tiệm mì Minh Hương do cô chạy bàn bưng tới, mà lão chủ tiệm huênh hoang là hậu duệ của ông tổ lão từ Trung Hoa đại lục trôi dạt sang xứ này mấy đời trước truyền lại. Trong bốn cửa tiệm kề nhau bên dãy hông chợ chỉ có gã chủ tiệm cơm bình dân là người bản xứ, ba người kia bán cà phê, hủ tiếu mì và tạp hóa đều có tổ tiên là người ngụ cư nhiều đời trước. Có lẽ vì thế mà chỉ có gã bán cơm bình dân mới dám châm chọc lão bán hủ tiếu mì:
“ - Nội tổ nị đói meo tiêu mẹ cái bao tử mới bỏ xứ trôi dạt sang đây quẩy hai cái giỏ đi mua ve chai thì làm chó gì biết cọng mì thẳng hay cong như sợi lông… mà gia truyền cho nị cái nghề nấu mì?”. (Gã muốn nói cong như sợi lông gì đó nhưng kịp đóng miệng vì sợ xui xẻo đầu ngày).
Cả bốn cùng xấp xỉ bảy mươi và có nhiều năm buôn bán gần nhau nên thân thiết, nhiều khi họ đùa giỡn quá lố chút đỉnh nhưng không để bụng giận nhau.
Các xe tải lớn tải nhỏ từ các nơi về đỗ kín sân bãi trước khu chợ. Những chiếc xe cút kít chất đầy hàng hóa được các thanh niên trai tráng đẩy chạy băng băng, luồn lách giữa các sạp hàng. Khu chợ ồn ào náo nhiệt mở đầu một ngày mới mưu sinh với hàng hóa từ các nơi tràn về rồi tỏa đi các tỉnh gần xã xa, thành thị và vùng sâu như mạch máu tuần hoàn nuôi sống cái “cơ thể” kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất phục vụ cuộc sống của con người được điều chỉnh bởi nguyên lý cung – cầu.
Gã bán cơm hớp thêm ngụm trà khi thấy chiếc xe thồ chở thịt dừng trước tiệm cơm. Ngoài số thịt heo thịt bò đã ướp gia vị từ chiều hôm trước, gã phải chuẩn bị một số thịt tươi để bán đến cuối ngày. Trong khu chợ có nhiều hàng quán cơm nhưng tiệm cơm của gã có tiếng ngon và vệ sinh, thức ăn chế biến từ nguyên liệu có nguồn gốc an toàn nên có lượng khách đông và cố định là những người buôn bán hàng trong chợ.
Xỉa răng sau khi ăn hủ tiếu, mì thánh mì sợi xong đám bốc vác tràn sang uống cà phê. Những người khách đến sớm quay về tiệm, sạp hàng của mình. Mụ bán sạp dép ú na ú nần mãi ba hoa vung chân múa tay vấp bậc cấp suýt lộn nhào làm đám bốc vác cười rộ chế giễu:
- Đã mưa đâu mà đi chụp ếch, má ú?.
Má ú chửi thề:
- Tao lật đật đi chụp ba mày!.
Một đứa trong bọn la to cho má ú kịp nghe trước khi bà đi vào nhà lồng chợ:
-Má nhớ chụp cho trúng chỗ đó của ổng nhen!
Có lẽ cái không gian chợ, không khí chợ, văn minh văn hóa ở chợ… phản ảnh tích cực nhất đời sống con người của một thời đại.
Khách mua sỉ có giá sỉ. Khách mua lẻ có giá lẻ. Cái chợ này từ lúc mọc lên từ ruộng rau muống của rìa thành phố tới nay dễ chừng đã trăm năm. Tất cả hàng hóa phục vụ nhu cầu của con người không thứ gì là không có ở cái chợ này, cả những thứ chỉ phục vụ cho một số ít người như các loại hóa chất độc hại hay… chất nổ. Đúng là thời đại giao thương toàn cầu chỉ qua một cái nhấp chuột!
Tiệm cơm bình dân của thầy Hai có món ngon nhiều người mê mẩn là món lòng heo xào chua ngọt. Không hiểu vì sao mọi người gọi chủ tiệm cơm là thầy Hai dù tên tiệm là Hảo Hảo, đặt theo tên con gái lớn của thầy. Thầy Hai không phải là thầy dạy chữ dạy nghề hay thầy tu thầy pháp nhưng có lẽ người miền trong thường gọi người có chút đỉnh chữ nghĩa dắt lưng là thầy chăng? Chua chua, ngọt ngọt, giòn giòn, xực xực… thêm chút hắc xì dầu dầm ớt nữa là món lòng heo của thầy Hai đá bay dĩa cơm tú hụ mỗi trưa của những người buôn bán trong chợ. Gọn gàng và ngon miệng, không phiền hà người nhà nấu nướng, chỉ cần mươi phút vắng khách hàng là xong bữa cơm, thảnh thơi vừa xỉa răng vừa liếc nhanh tờ nhựt trình mà thằng nhỏ bỏ mối báo mỗi sáng sớm đút qua khe sạp hàng, vừa cầm ly cà phê đá lắc kêu lanh canh vui tai mà thằng nhỏ của tiệm lão Tàu già mang tới.
Mấy đêm trước, chương trình thời sự của đài truyền hình đưa tin về vụ tai nạn trên biển gây tử vong cho ba ngư dân vì dùng chất nổ để đánh cá. Bốn khứa lão như thường lệ chưa xong cử cà phê sáng, đang bàn tán về đề tài thương tâm này thì thấy mấy chiếc xe chở cảnh sát đỗ xịch bên hông chợ. Các chiến sĩ cảnh sát nhanh chóng bao vây khu chợ, vài người áp tải một chủ sạp hàng vào bên trong. Lập tức có tin tức truyền đi: “Chủ sạp 13 bán chất nổ cho bạn hàng, bạn hàng này cung cấp… thần chết cho nhiều chủ ghe đánh cá!”.
Dù bị nghiêm cấm nhưng do lợi nhuận cao, nhiều người vẫn lén lút bán chất nổ cho ngư dân dùng để đánh cá hay người làm pháo lậu. Họ không dại cất hàng cấm ở sạp nhưng khi có người cần, họ sẽ chạy đi lấy hàng nơi hang ổ bí mật. Phải là bạn hàng “ruột” mới mua được món hàng… tử thần này.
Lực lượng cảnh sát không tìm thấy chất nổ, ngòi nổ trong sạp hàng 13 nhưng qua vụ này họ khai thác được một đường dây mua bán chất cấm khác của mấy chủ sạp hàng trong chợ, là các loại hóa chất độc hại không được phép dùng trong sản xuất nông nghiệp hay chế biến thức ăn. Sáng nay, lực lượng cảnh sát mở rộng vụ án khám xét nhiều sạp hàng cùng lúc.
Chủ tiệm tạp hóa Hai Néo bưng ly trà nóng chưa kịp đưa lên miệng thì mấy cảnh sát sắc phục và thường phục đến bên, từ tốn mời ông ta quá bộ về tiệm. Cuộc khám xét nhanh chóng vì không tìm thấy tang vật, nhưng Hai Néo thành khẩn nhận tội có cung cấp hóa chất độc hại cho vài bạn hàng. Hai Néo chỉ bán hàng hưởng hoa hồng chớ không phải là chủ kinh doanh nên không bị dẫn giải về đồn cảnh sát, chỉ bị lập biên bản vi phạm và phải trình diện khi có triệu tập.
Ngoài các chủ sạp hàng kinh doanh hàng cấm bị tạm giữ, sạp hàng của họ bị tạm thời đóng cửa, khu chợ vẫn hoạt động bình thường. Ai đó nói bâng quơ: “Rồi khi tình hình bắt bớ tạm lắng, mọi chuyện lại… vũ như cẩn!”. Chuyện kinh doanh các chất cấm độc hại ở khu chợ này diễn ra khá lâu, dù các cơ quan chức năng tích cực ngăn chặn nhưng chỉ hạn chế ít nhiều, khó mà dẹp được khi chưa triệt hạ được các đường dây cung cấp từ nơi khác.
Sau bữa trưa, tiệm cơm bình dân thầy Hai và tiệm mì Minh Hương đóng cửa nghỉ bán. Lý do: Thiếu thịt heo, lòng heo và thịt bò. Chủ cơ sở cung cấp thịt heo thịt bò cho hai tiệm này bị bắt quả tang nhập lượng lớn thịt heo thịt bò không rõ nguồn gốc và nội tạng heo đã bốc mùi hôi thối đang phân hủy. Ôi! Cái món đặc sản lòng heo xào chua ngọt của tiệm cơm thầy Hai nổi tiếng nhờ… nội tạng heo hôi thối đang phân hủy được xử lý bằng hóa chất chăng?
Chiều nay không có cuộc nhậu lai rai của bốn chủ tiệm thân thiết, tất nhiên không vì thiếu món lòng heo xào chua ngọt hay thịt heo thịt bò xào lăn, giả cầy mà vì thầy Hai phải đến cơ quan cảnh sát để trả lời một số câu hỏi. Còn ông mì Minh Hương dịp nghỉ bán nên đến một Trung tâm y khoa để khám bệnh vì ông cứ đau râm ran vùng bụng cả năm nay, đau khi đói cũng như sau khi ăn và đau cả trong giấc ngủ. Sáng hôm sau, ba chủ tiệm thân thiết vẫn không biết vì sao tiệm mì Minh Hương tiếp tục đóng cửa.
Một tuần lễ sau, tiệm mì Minh Hương mở cửa trở lại, ông chủ tiệm trầm ngâm bên ly cà phê, không nôn nóng hối lão Tàu già chế cà phê như trước vì đã có cô con gái lớn Hảo Hảo quản lý cửa tiệm. Ông chỉ thông báo vắn tắt cho ba bạn thân là sau mấy ngày khám bệnh và làm đầy đủ các xét nghiệm, bác sĩ điều trị kết luận là ông đã chớm bị ung thư dạ dày.
Ba người bạn được tin như sét đánh. Cả bốn người có nhiều năm cùng uống rượu uống cà phê chung, cùng ăn các thức ăn như nhau, một người bị K dạ dày thì ba người kia coi chừng cùng chung… số phận. Mấy bà vợ thương chồng, khuyên các ông đi khám tổng quát chớ lâu nay các ông gõ cửa nhà thầy thuốc bao giờ?
Cũng “an ủi” là các ông không mắc bệnh giống nhau. Ông Tàu già hóa ra không phải mập bụng mà là trướng bụng do xơ gan. Thầy Hai thì bị táo bón kinh niên và có nhiều dấu hiệu khác có nguy cơ dẫn đến ung thư đại tràng. Còn ông Hai Néo… đang run vì chờ đầy đủ các kết quả xét nghiệm y khoa để bác sĩ điều trị kết luận bệnh trạng.
Sử dụng các loại thịt “ướp” hóa chất độc hại, ăn sống rau xanh “tưới” hóa chất cấm sử dụng trong trồng trọt, uống cà phê “tẩm” hóa chất cấm dùng trong chế biến thực phẩm thì… có phép màu con người mới không mắc bệnh ung thư!!!