Có phải làm lại sổ đỏ sau khi sáp nhập tỉnh?
Bạn Đình Nam (Thái Bình) hỏi: Xin hỏi, sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, người dân có bắt buộc phải chỉnh lý hoặc đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) không?
- Luật sư Tống Chí Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Tại khoản 2 Điều 133 Luật Đất đai 2024 quy định, các trường hợp đăng ký biến động quy định tại khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công văn 991/BNNMT-QLĐĐ về việc hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tổng hợp số liệu diện tích tự nhiên khi sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Theo đó, về Giấy chứng nhận đã cấp qua các thời kỳ, Bộ cho biết sau khi sắp xếp đơn vị hành chính thì không bắt buộc phải thực hiện chỉnh lý đồng loạt Giấy chứng nhận đã cấp, trừ trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu hoặc thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai.
Việc chỉnh lý thay đổi thông tin của thửa đất (số tờ, số thửa, địa chỉ) trên Giấy chứng nhận đã cấp được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 41 của Thông tư 10/2024/TT-BTNMT; trường hợp trên Giấy chứng nhận đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thay đổi thì cấp mới Giấy chứng nhận để thể hiện thông tin của thửa đất theo quy định tại khoản 6 Điều 23 của Nghị định 101/2024/NĐ-CP.
Căn cứ theo các quy định nêu trên thì sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính người dân không bắt buộc phải làm lại sổ đỏ đã cấp, trừ trường hợp người dân có nhu cầu hoặc thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai. Như vậy, việc thay đổi địa giới hành chính không làm mất hiệu lực của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sổ đỏ đã cấp vẫn có giá trị pháp lý đầy đủ, không bắt buộc phải đổi lại nếu không có nhu cầu.