'Có người 6 tháng đi khám vài chục lần lấy thuốc về mang bán'
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị thông tin BHYT cần được đưa trên mạng để theo dõi, tránh việc 'có người tuần nào cũng đi khám BHYT, lấy thuốc về xong mang bán'.
Ngày 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật.
Bà Lan cho hay, dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận, trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, bổ sung một số đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ để tăng bao phủ BHYT toàn dân. Sửa đổi trách nhiệm, phương thức, thời hạn đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng BHYT, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng để đồng bộ với việc sửa các đối tượng tham gia BHYT. Bổ sung hành vi chậm đóng, trốn đóng BHYT.
Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về vận chuyển người bệnh, một số phạm vi quyền lợi về điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi. Bổ sung quy định chi phí sử dụng máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, công cụ, dụng cụ sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT để đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc trong trường hợp đã mua sắm theo các quy định thuận tiện nhất của Luật Đấu thầu mới nhưng vẫn thiếu thuốc nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc và bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, không để người bệnh phải tự mua, tự chi trả và được bảo đảm quyền lợi.
Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cấp thẻ BHYT, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát từng đối tượng mới được bổ sung vào dự thảo Luật để quy định cụ thể hơn việc lập danh sách để cấp thẻ BHYT. Đồng thời, đề nghị có quy định nguyên tắc liên quan đến thẻ BHYT điện tử và việc cấp thẻ BHYT điện tử để phù hợp với thực tiễn.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, hiện nay BHYT đã bao phủ rộng, tiến tới bảo hiểm toàn dân. BHYT hộ nghèo và đối tượng chính sách bây giờ đã mở dần ra hộ cận nghèo. “Một cơn bão số 3 vừa qua có biết bao nhiêu hộ tái nghèo, cận nghèo thì làm sao ngành Y tế, Lao động thương binh xã hội, Bảo hiểm xã hội phải đánh giá sớm. Như hộ đó trước kia không phải hộ nghèo, giờ thành hộ nghèo thì phải cho người ta hưởng BHYT ngay. Vì sau bão nhiều dịch bệnh, không có hỗ trợ BHYT thì phải trả tiền bệnh viện hết, nếu có BHYT thì đỡ đi. Bởi vừa thoát nghèo xong quay lại thành nghèo nhanh lắm. Chỉ một người ốm mắc sốt xuất huyết là cả nhà nghèo ngay, một cơn bão, trận gió là nghèo ngay”-ông Định nêu vấn đề và cho rằng cần tính toán, đánh giá rất nhanh.
Qua tiếp xúc cử tri, ông Định cho hay cử tri phản ánh về chuyển BHYT và thanh toán BHYT. Do đó bây giờ cần rà soát cụ thể xem còn vướng gì cố gắng khắc phục, thẻ BHYT phải là thẻ điện tử chứ không phải thẻ giấy. “Họ đăng ký ở bệnh viện huyện nhưng đang đi công tác ở huyện khác, tại tỉnh miền núi thì có thể được vào chỗ khác và được thanh toán khám chữa bệnh. Nếu chúng ta giải quyết được cái này thì rất tốt”-ông Định nói.
Bên cạnh đó, theo ông Định, người có thẻ BHYT được đối xử công bằng, được cấp các loại thuốc trong danh mục thuốc BHYT. Nhưng nếu không cấp được, người bệnh phải đi mua thuốc ở ngoài mà thuốc nằm trong danh mục thuốc BHYT thì bảo hiểm phải chi trả tiền.
Ông Định cũng đề nghị, thông tin BHYT cần được đưa trên mạng để theo dõi, tránh việc lạm dụng, lợi dụng. Không để người có tư tưởng tiêu cực lợi dụng. Tránh việc có người tuần nào cũng đi khám BHYT, lấy thuốc về xong mang bán. “Có người 1 tuần, 1 tháng đi khám 4 lần, 6 tháng khám đến vài chục lần xong lấy thuốc về mang bán. Bây giờ nếu tất cả đều theo dõi trên mạng thì không thể lạm dụng, lợi dụng”-ông Định dẫn chứng.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, dự thảo Luật quy định việc chậm đóng hoặc trốn đóng BHYT là cần thiết, nâng cao tính răn đe đối với các hành vi vi phạm. Tuy nhiên cần rà soát để đảm bảo tính tương thích với quy định của Luật BHXH vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7. Bên cạnh đó, Chính phủ cần quy định rõ hơn về các trường hợp có lý do chính đáng để tránh lợi dụng kẽ hở của pháp luật.
Ông Cường cũng kiến nghị, phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT đánh giá nguy cơ giúp ngăn ngừa điều trị từ sớm, từ xa đáp ứng yêu cầu chăm sóc bảo vệ nâng cao sức khỏe nhân dân. Do đó cần nghiên cứu mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT phù hợp với khả năng cân đối quỹ BHYT. Đặc biệt có thể nghiên cứu, mở rộng phạm vi BHYT đối với các hoạt động khám, chẩn đoán, đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe, và điều trị sớm một số bệnh, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.