Không khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho công nhân, một công ty bị phạt nặng

Do không tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho 24 lao động có nguy cơ mắc bệnh, Công ty Cổ phần Sơn Nam bị xử phạt.

Công ty sản xuất bột đá không khám bệnh nghề nghiệp cho lao động

Ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 172/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội đối với Công ty Cổ phần Sơn Nam (có trụ sở tại Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).

Nhiều công ty nằm trong khu công nghiệp Nam Cấm vi phạm lĩnh vực lao động.

Nhiều công ty nằm trong khu công nghiệp Nam Cấm vi phạm lĩnh vực lao động.

Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành UBND tỉnh Nghệ An phát hiện doanh nghiệp này có nhiều sai phạm trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Sơn Nam không lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động đối với các yếu tố có hại, phòng chống bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Trong năm 2023, công ty này không tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 24 lao động tiếp xúc với yếu tố độc hại, có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện doanh nghiệp này đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế không đủ số người thuộc diện tham gia.

Với 4 hành vi trên, Công ty Cổ phần Sơn Nam bị xử phạt hành chính hơn 112 triệu đồng; trong đó hành vi không tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 24 lao động bị xử phạt 96 triệu đồng.

Ngoài xử phạt hành chính, Công ty Cổ phần Sơn Nam phải đóng đủ hơn 57 triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời phải nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền chậm đóng.

Được biết, Công ty Cổ phần Sơn Nam thành lập từ năm 2005, hoạt động trong các lĩnh vực khai thác quặng kim loại, khoáng sản, sản xuất kim loại, vật liệu xây dựng, buôn bán nhiên liệu và vận tải...

Nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 44 vụ tai nạn lao động, làm 20 người tử vong, 17 người bị thương nặng, 22 người bị thương nhẹ tại các công ty, doanh nghiệp.

Trong năm 2023, qua khám bệnh nghề nghiệp và điều tra bệnh nghề nghiệp, toàn tỉnh phát hiện 82 người lao động bị bệnh nghề nghiệp.

Công ty TNHH Châu Tiến, nơi có nhiều công nhân mắc bệnh bụi phổi.

Công ty TNHH Châu Tiến, nơi có nhiều công nhân mắc bệnh bụi phổi.

Đặc biệt, tại Công ty TNHH Châu Tiến, trụ sở có địa chỉ tại Lô A3-A4, Khu công nghiệp Nam Cấm, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, chuyên sản xuất bột đá phát hiện nhiều công nhân mắc bệnh bụi phổi.

Đoàn thanh tra xác định tại công ty này có tới 71 công nhân bị bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, 6 người chết, 66 người bị bệnh, trong đó có 47 người suy giảm sức lao động từ 31% đến 70%, có 11 người suy giảm sức lao động từ 71% đến 87%.

UBND tỉnh Nghệ An đã xử phạt hành chính Công ty TNHH Châu Tiến 60 triệu đồng vì không tiến hành quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động; xử phạt 56 triệu đồng vì không tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 14 người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Đã có 6 người tử vong do mắc bệnh bụi phổi silic.

Đã có 6 người tử vong do mắc bệnh bụi phổi silic.

Trong tháng 5/2024, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên giải trình chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề trong tỉnh từ năm 2021 đến nay.

Tại buổi giải trình, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thừa nhận thực trạng chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế mà nguyên nhân do cả chủ doanh nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

Nhận thức rõ trách nhiệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định sẽ chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các sở, ngành, tổ chức trên cơ sở kiểm tra, giám sát, đánh giá sát thực trạng theo từng nhóm, loại hình doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để làm rõ yếu và thiếu những gì, từ đó đưa ra các giải pháp, đôn đốc chỉ đạo quyết liệt; gắn với đó là nghiêm túc hơn trong xử lý các cơ sở vi phạm.

Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khong-kham-phat-hien-benh-nghe-nghiep-cho-cong-nhan-mot-cong-ty-bi-phat-nang-204241112142659228.htm
Zalo