Có nên duy trì những phường, quận nhỏ như 'hộp diêm'? (bài cuối)

Nếu như để vận hành 'siêu' phường Trảng Dài (TP Biên Hòa, Đồng Nai) quy mô 130.000 dân, bộ máy hành chính ở đó chỉ cần 12 công chức thì ở phường Cầu Ông Lãnh (quận 1, TP Hồ Chí Minh) với diện tích 0,23km2, dân số 17.378 người, nhưng số công chức theo báo cáo là 16 người (Báo cáo Kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai cơ chế 1 cửa quý 1/2024).

Tính trung bình, 1 công chức phường Trảng Dài có thể đảm đương thủ tục cho 10.800 cư dân, thì 1 công chức ở phường Cầu Ông Lãnh, chỉ có thể đảm đương cho hơn 1.000 người dân. Trong khi đó ở quận 1, TP Hồ Chí Minh, nơi trung tâm của đô thị đặc biệt không chỉ có một mình phường Cầu Ông Lãnh có quy mô diện tích và dân số mang vóc dáng “tí hon” khi so với các “siêu” phường…

Những khu chung cư sẽ làm tăng dân số của một phường rất nhanh.

Những khu chung cư sẽ làm tăng dân số của một phường rất nhanh.

Sáp nhập phường không ảnh hưởng đến đặc thù của địa phương

Tài liệu về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP Hồ Chí Minh cho thấy, riêng khu vực quận 1 đã có nhiều phường có diện tích và quy mô dân số rất nhỏ, chỉ bằng một khu phố của một “siêu” phường. Vậy nhưng để lý giải cho lý do chưa thực hiện sáp nhập, chỉ là những nội dung như “Có vị trí biệt lập, ngăn cách bởi các tuyến đường lớn” và “Có đặc thù về văn hóa”...

Về hiện trạng các ĐVHC cấp huyện, trừ huyện Cần Giờ có dân số chỉ đạt hơn 70% so với tiêu chí, dân số của các quận, huyện còn lại của thành phố đều vượt, thậm chí là vượt gấp nhiều lần. Ngược lại, trên địa bàn còn rất nhiều quận, huyện không đạt tiêu chí về diện tích. Nhóm thấp nhất thuộc về các quận 4, quận 3, quận Phú Nhuận, quận 10, quận 5, quận 11, chỉ đạt tỷ lệ diện tích theo tiêu chuẩn của một quận ở mức từ 11,9-16,3%. Tính theo tiêu chí về số km2, các quận này chỉ có diện tích bằng… một phường do chỉ rộng từ 4,18 đến 5,72km2.

Nhóm quận, huyện có diện tích nhỏ tiếp theo là quận 1, quận 6 và các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, diện tích tự nhiên chỉ đáp ứng được từ 20,4-24,3% so với tiêu chí. Ngoài ra các quận, huyện đông dân ở top đầu của TP Hồ Chí Minh là huyện Bình Chánh, quận 8, quận Bình Thạnh và quận Tân Bình cũng chỉ đáp ứng từ 54,7- 63,9% tiêu chí về diện tích.

Trong thời đại số, việc duy trì các phường, quận có diện tích quá nhỏ như vậy cũng đồng nghĩa với việc TP Hồ Chí Minh sẽ vẫn phải “nuôi” một bộ máy hành chính cồng kềnh. Các quận nội thành có diện tích tự nhiên nhỏ hẹp nên diện tích các phường cũng hầu như phải nhỏ hẹp theo.

Hằng ngày phải vất vả chịu cảnh kẹt xe, nguy cơ tai nạn giao thông rình rập để đưa con đến một trường tiểu học nằm trong con hẻm nhỏ ở quận Phú Nhuận, anh Hà, người dân sinh sống tại đây lo lắng: “Con nhỏ, trường lại nằm sâu trong con hẻm của khu dân cư, không biết nếu xảy ra sự cố như cháy nổ, các cháu sẽ thoát hiểm thế nào?”.

Diện tích tự nhiên nhỏ, hẹp, giá đất cao nên cho dù thành phố có nguồn thu ngân sách lớn, thì ở khu vực trung tâm và các quận nội thành cũ, một loạt trụ sở làm việc của UBND phường có diện tích chật chội, không đủ cả chỗ giữ xe để phục vụ người dân đến làm thủ tục. Việc tìm nơi xây trụ sở khu phố, xây chốt bảo vệ dân phố cũng là điều không dễ dàng với những phường này. Thậm chí nhiều phường còn không có nơi để bố trí trường mẫu giáo công lập, còn trường tiểu học và THCS đủ diện tích để đạt trường chuẩn Quốc gia chỉ là mơ ước xa vời của nhiều bậc phụ huynh.

Ông Nguyễn Văn Tâm, một cán bộ hưu trí nhìn nhận, “cuộc chiến” giành lại vỉa hè cho người đi bộ của TP Hồ Chí Minh mấy chục năm qua không hiệu quả một phần cũng là do tình trạng lấy các tuyến đường lớn để phân chia địa giới hành chính giữa các phường, quận. Lực lượng trật tự đô thị cứ xử lý sai phạm ở bên này đường, người buôn bán lấn chiếm vỉa hè chỉ cần bước chân qua bên kia đường là xong, bởi đó là địa bàn phường khác, quận khác.

Kẹt xe trên một tuyến đường là địa giới hành chính giữa 2 phường nhưng không bên nào chịu trách nhiệm.

Kẹt xe trên một tuyến đường là địa giới hành chính giữa 2 phường nhưng không bên nào chịu trách nhiệm.

Cần căn cứ vào diện tích tự nhiên

TP Hồ Chí Minh là một “đại” đô thị đông dân, dân số lại tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, ở những xã giáp ranh và các thị trấn. Vì thế chỉ cần trên địa bàn một phường, xã, thị trấn có vài khu chung cư cao tầng hay một khu đô thị được xây dựng, lập tức dân số của phường, xã đó sẽ tăng lên vài nghìn, thậm chí là vài chục nghìn người. Đây là một trong hai điều kiện chính để phường, xã đó không nằm trong diện phải sắp xếp.

Số liệu kiểm kê đất đai năm 2019 của TP Hồ Chí Minh đã cho thấy, diện tích tự nhiên của các phường, xã trên địa bàn có sự chênh lệch rất lớn. Trong khi nhiều phường của quận 4, quận Phú Nhuận, quận 3 chỉ có diện tích từ 11-15ha (0,11-0,15km2), thì có những phường thuộc quận Tân Bình, TP Thủ Đức đã có diện tích từ 1.018- 2.451ha (10,18-24,5km2). Ngay ở địa bàn quận có diện tích chỉ bằng hơn 1/5 so với tiêu chí là quận 1, trong khi phường có diện tích tự nhiên nhỏ nhất là phường Cầu Ông Lãnh chỉ có 23ha (0,23km2), thì phường Bến Nghé đã có diện tích lên đến 248ha (2,48km2).

Ở ngoại thành, Bình Chánh là huyện chỉ đạt hơn 56% tiêu chí về diện tích tự nhiên, nên địa phương này chỉ có 3 xã có diện tích tự nhiên trên 21km2. Còn theo tiêu chí sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2026-2030, thì huyện này chỉ có 1 xã có diện tích tự nhiên đạt 35km2.

Theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023 của UBTVQH, tiêu chí để tiếp tục sắp xếp ĐVHC cấp huyện trong giai đoạn 2023-2025 là có đồng thời cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% so với quy định. Đây là những huyện có diện tích dưới 315km2, dân số dưới 84.000 người; quận có diện tích dưới 24,5km2, dân số dưới 105.000 người; thành phố thuộc tỉnh có diện tích dưới 105km2, dân số dưới 105.000 người.

Ngay cả những nơi có dân số cao gần gấp đôi, nhưng diện tích tự nhiên chỉ đạt tỷ lệ dưới 20% so với quy định cũng phải thực hiện sắp xếp. Trường hợp này là những huyện có diện tích dưới 90km2, dân số dưới 240.000 người; quận có diện tích dưới 7km2, dân số dưới 300.000 người; thành phố thuộc tỉnh có diện tích dưới 30km2, dân số dưới 300.000 người.

Đối với ĐVHC cấp xã, những nơi có đồng thời cả hai tiêu chuẩn về tỷ lệ diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% so với quy định cũng sẽ thuộc diện phải thực hiện sắp xếp. Cụ thể là các xã có diện tích dưới 21km2, dân số dưới 5.600 người; thị trấn có diện tích dưới 9,8km2, dân số dưới 5.600 người; phường thuộc quận có diện tích dưới 3,85km2, dân số dưới 10.500 người; phường thuộc thành phố trực thuộc tỉnh có diện tích dưới 3,85km2, dân số dưới 4.900 người.

Đồng thời, các ĐVHC cấp xã dù có quy mô dân số cao gấp gần 3 lần so với quy định, nhưng chỉ có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ dưới 20% cũng sẽ thuộc diện phải sắp xếp. Trường hợp này rơi vào các xã có diện tích dưới 6km2, dân số dưới 24.000 người; thị trấn có diện tích dưới 2,8km2, dân số dưới 24.000 người; phường thuộc quận có diện tích dưới 1,1km2, dân số dưới 45.000 người; phường thuộc thành phố có diện tích dưới 1,1km2, dân số dưới 21.000 người.

Trong giai đoạn 2026-2030, các ĐVHC cấp huyện có đồng thời cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% so với quy định cũng sẽ phải thực hiện sắp xếp.

Đối với ĐVHC cấp xã những nơi có cả hai tiêu chuẩn về tỷ lệ diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% so với quy định sẽ được sắp xếp. Thuộc trường hợp này là các xã có diện tích dưới 30km2, dân số dưới 8.000 người; thị trấn có diện tích dưới 14km2, dân số dưới 8.000 người; phường thuộc quận có diện tích dưới 5,5km2, dân số dưới 15.000 người; phường thuộc thành phố có diện tích dưới 5,5km2, dân số dưới 7.000 người. Ngay cả những nơi có quy mô dân số gấp gần 3 lần tiêu chuẩn nhưng chỉ có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ dưới 30% so với quy định cũng sẽ phải thực hiện sắp xếp.

Các quy định về sắp xếp ĐVHC trên đều nhấn mạnh 2 tiêu chí là diện tích tự nhiên và dân số. Do không bị thiếu về tiêu chí về dân số, nên trong đợt sắp xếp 120 phường, xã và thị trấn được TP Hồ Chí Minh triển khai từ ngày 1/12 vừa qua, dù bị “vướng” về tiêu chí diện tích, nhưng đã có đến 43 phường và 1 thị trấn thuộc diện có yếu tố đặc thù nên không phải thực hiện sắp xếp. Cụ thể, quận 1 có 6 phường diện tích từ 0,23 - 0,76km2 có các yếu tố đặc thù được thành phố đưa ra là có vị trí biệt lập, ngăn cách bởi các tuyến đường lớn; có đặc thù về văn hóa, dân tộc; ổn định từ trước năm 1945.

Tương tự, các quận, huyện khác trong diện có phường, thị trấn được hưởng yếu tố đặc thù không phải sắp xếp cũng với các lý do trên. Trong khi đó, 80 phường thuộc 10 quận trong diện phải sắp xếp đợt này, thì 41 phường mới sau khi sắp xếp vẫn có đến 12 phường chưa đạt 10% diện tích theo quy định là 5,5km2 và 29 phường còn lại đạt từ 10-46% diện tích chuẩn trên.

Như vậy nếu chỉ căn vào quy mô dân số và yếu tố đặc thù để không đưa nhiều phường vào diện phải thực hiện sắp xếp lại, thì ở một “đại” đô thị như TP Hồ Chí Minh vẫn sẽ có nhiều phường có diện tích nhỏ như “hộp diêm”. Trong khi nếu xét về quy mô dân số, đa số các phường thuộc những quận trung tâm của TP Hồ Chí Minh cũng chưa thể so sánh được với dân số của các “siêu” phường, “siêu” xã.

Vậy có nên duy trì các phường có quy mô “tí hon” như vậy ở một đô thị phát triển như TP Hồ Chí Minh trong tình hình các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trên cả nước đang quyết liệt thực hiện sắp xếp ĐVHC để tinh gọn bộ máy như hiện nay?

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh:

Cải cách thủ tục hành chính phải đi đôi với xây dựng con người hành chính, cán bộ công chức, viên chức hết lòng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phải thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa. Bởi hiện nay vẫn còn tình trạng một cửa nhưng có nhiều “khóa”; hồ sơ phải nộp nhiều lần ở cùng cơ quan nhưng do nhiều bộ phận thụ lý khác nhau dẫn đến kéo dài thủ tục thẩm duyệt, tạo cơ hội cho những người có mục đích không minh bạch.

Cải cách thủ tục hành chính phải đi đôi với hoàn thiện quy chế hoạt động và phải xây dựng được cơ chế vận hành thật hợp lý, khoa học. Các cơ quan Nhà nước cần thường xuyên rà soát để liên tục hoàn thiện việc cải cách thủ tục hành chính, để hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả thông qua việc đánh giá sự hài lòng từ người dân, doanh nghiệp.

Bảo Sơn - Hà Quang Minh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/co-nen-duy-tri-nhung-phuong-quan-nho-nhu-hop-diem-bai-cuoi--i754062/
Zalo