Có một Penang gieo thương nhớ
Chúng tôi đến Penang vào ngày rực nắng. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến đây là, xanh. Trời xanh ngăn ngắt, ánh nắng như rải mật lên khắp đảo. Biển trong xanh lấp lánh ánh bạc trên đầu ngọn sóng. Đồi núi trập trùng được bao phủ bởi rừng cây xanh mát. Dọc đoạn đường từ sân bay ở phía Nam đến phía Bắc đảo, từ đại lộ Jalan Sultan Azlan Shah, đến JIn Tanjong Tokong, rồi Jalan Tanjung Bungah rợp mát những hàng cổ thụ hai bên đường.
Penang nổi tiếng với bãi biển Batu Ferringhi sôi động những bar, nhà hàng, cà phê cùng với ẩm thực đêm nhộn nhịp. Dọc bãi biển có vô vàn hàng quán thâu đêm. Ban ngày thì sôi nổi các hoạt động dù lượn, lướt sóng, lặn biển… Nhưng chúng tôi muốn yên tĩnh nên chọn khách sạn trên đoạn biển Jalan Tanjung Bungah. Và rất hài lòng với lựa chọn của mình. Vùng biển này giống như Phan Thiết ở nước ta, chuyên dành cho resort và khách sạn nghỉ dưỡng. Chúng tôi được thỏa thích vùng vẫy trong làn nước phẳng lặng. Ngay tại khách sạn, buổi sáng ngắm mặt trời từ dưới biển nhô lên đón bình minh chói lóa, buổi chiều chìm đắm trong gam màu rực rỡ của hoàng hôn buông xuống.
Thiên nhiên gần gũi, xanh mướt
Hôm sau, chúng tôi dành trọn một ngày để khám phá phía Bắc đảo. Rời khỏi khu trung tâm, đường lên mạn Bắc khá vắng vẻ, một bên là núi đồi xanh mướt, một bên là biển cả mênh mang sóng vỗ, tiếp đến là những đoạn đèo quanh co, chỉ có màu xanh của thiên nhiên cây cỏ, chim ca lá hát, thỉnh thoảng mới có tiếng động cơ của vài chiếc xe qua lại.
Trong số những điểm tham quan, tôi ấn tượng với vườn bướm Entopia – Penang Butterfly Farm và vườn gia vị Tropical Spice Garden.
Entopia với hơn 15.000 con bướm và côn trùng được nuôi dưỡng trong môi trường tự nhiên. Cảm giác đi giữa đàn bướm rập rờn thật thích, gợi tôi nhớ đến những đàn bướm xuất hiện vào đầu mùa mưa ở nước ta, tuy nhiên ở đây đa dạng chủng loài hơn. Khu khác trưng bày hàng ngàn tiêu bản bướm và các loại côn trùng được sắp xếp công phu. Còn có hơn 200 loài thực vật. Đến đây tôi phải trầm trồ, có quá nhiều loài lần đầu tiên tôi thấy, một trong số đó là những loài cây ăn thịt chỉ thấy trên phim ảnh.
Nếu Entopia là thiên đường các loài sinh vật, thì Tropical Spice Garden là thiên đường của các loài cây gia vị. Khu vườn rộng 8ha, với hơn 500 loài động thực vật. Đây là khu rừng nhiệt đới thu nhỏ với vô số cây gia vị, núp bóng dưới những tán cổ thụ hùng vĩ, lặng lẽ tỏa hương thơm ngát. Bước vào cổng, chúng tôi được xịt thuốc tránh côn trùng và phát bản đồ để tự do khám phá. Có thể xem đây là một dạng trekking, đi dưới những tán rừng rợp bóng, dò đường tìm đến loài cây yêu thích, rồi ồ lên thích thú khi nhìn thấy những cây lạ mắt.
Bỏ qua những ồn ã của thành phố, những lo lắng đời thường, đắm mình trong không gian xanh mướt, hít thở không khí trong lành, nghe tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim ríu rít, ngắm chú sóc nhảy nhót trên cành. Vô cùng thư thái. Sau khi tham quan, chúng tôi ghé quán cafe gần đó ngắm eo biển Malacca tấp nập tàu thuyền xuôi ngược.
Nơi giao thoa giữa các nền văn hóa
Ngày tiếp theo chúng tôi tham quan Georgetown, trái tim của Penang, nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Khi đi trên đường phố, tôi ngỡ mình đang tham dự lễ hội hóa trang bởi chung quanh ngập tràn những trang phục truyền thống đầy màu sắc, Baju Melayu, Baju Kurung của Mã Lai, Dhoti, Sari cùng trang sức lấp lánh của người Ấn, sườn xám, áo Tàu của người Hoa.
Thả bộ trên các con đường, đầu này là thánh đường Hồi giáo uy nghiêm, đầu kia nghi ngút khói hương của ngôi chùa cổ, xa xa thấp thoáng những bức tượng đầy màu sắc của ngôi đền Ấn Độ. Bên này đường sừng sững tòa nhà kiểu Anh, bên kia đường là kiến trúc kiểu Hoa độc đáo. Giờ ăn, mũi ngửi mùi cà ri thơm nồng, tai nghe văng vẳng tiếng xào mì trên chiếc chảo nóng hực. Dạ dày sục sôi giữa hỗn hợp âm thanh của tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Ấn, tiếng Mã Lai.
Điểm đặc sắc nhất của Georgetown là nghệ thuật tranh đường phố. Nghệ thuật này bắt đầu khi Ernest Zacharevic, một nghệ sĩ người Lithuania, vẽ những bức tranh tường trong lễ hội ở Georgetown. Chúng tôi chia nhau đi tìm những bức tranh sống động trên các bức tường để tạo dáng. Tuy nhiên, theo thời gian, một số bức tranh đã nhạt màu, cũ kỹ.
Khám phá kiến trúc đa dạng
Penang là khu định cư đầu tiên của Anh quốc tại Đông Nam Á. Nét Tây phương cùng những biệt thự kiểu Anh thấp thoáng trên các nẻo đường của hòn đảo này. Xen lẫn với kiến trúc đặc trưng của thánh đường Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo.
Trên phố chúng tôi nhìn thấy trung tâm cứu hỏa, được xây dựng từ năm 1908 với kiến trúc châu Âu cùng màu đỏ trắng nổi bật, khoảng sân phía trước còn được kẻ vạch vàng thêm phần nổi bật. Nhà thờ Hồi giáo Masjid Melayu Lebuh Aceh xây dựng từ năm 1808. Chùa Khoo Kongsi, một trong số các ngôi chùa Trung Quốc đẹp nhất ở Malaysia cùng rất nhiều đền chùa, nhà thờ khác tạo nên một tổng thể choáng ngợp.
Sau đó, chúng tôi bắt xe đi thăm ngôi đền Kek Lok Si hùng vĩ nằm trên hòn đảo ở phía Nam George Town. Đây là ngôi đền Phật giáo lớn nhất Đông Nam Á, kết hợp phong cách kiến trúc Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar. Khuôn viên đền thật rộng lớn, gia đình tôi và gia đình cô bạn lạc nhau do xe đỗ ở 2 cổng cách khá xa. Sau một hồi leo dốc quanh co, chúng tôi mới gặp lại.
Penang còn sở hữu cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á, có tổng chiều dài 24km, chiều dài trên mặt nước là 16,9km, với 6 làn xe hai chiều. Khi máy bay cất cánh, nhìn qua cửa sổ, cây cầu như dải ruy băng mỏng mảnh uốn lượn giữa biển trời xanh ngắt.
Thưởng thức thiên đường ẩm thực
Chúng tôi dành hai buổi tối ghé khu ẩm thực đêm có tên “Viva local food haven” gần khách sạn để thưởng thức món ăn địa phương.
Ẩm thực Malaysia chia thành bốn nhóm chính: món Mã Lai, món Hoa, món Ấn, món Baba – nyonya lai giữa Mã Lai và Hoa có phong vị riêng, nhưng có vẻ quán Ấn và cách chế biến theo kiểu Ấn chiếm ưu thế hơn cả.
Khu ẩm thực với hàng trăm gian hàng đủ các món đặc trưng. Món đầu tiên tôi thử là bún Assam Laksa, là món ăn quốc hồn quốc túy của Malaysia, theo nhiều đánh giá thì món này tinh túy nhất khi thưởng thức tại Penang. Mà giá rất bình dân, chỉ 6 - 8RM/tô (30 – 40 ngàn tiền Việt). Tôi nhớ đã đọc một đoạn mô tả về món ăn này, “Linh hồn của Assam Laksa nằm ở phần nước dùng nấu rất kỳ công từ cá thu, ninh sao cho cá mềm tan ra, rồi thêm me, nghệ, sả, dứa, gừng và rất nhiều loại ớt. Nồi nước dùng khi hoàn thành thơm nức, đi từ xa đã khiến người ta ứa nước miếng”.
Món tiếp theo do cô bạn mua, hủ tiếu xào Char Kway Teow, một món ăn quốc dân khác đã lan rộng ngoài Penang, thậm chí ngoài Malaysia. Sợi hủ tiếu to mềm xào với ớt, tôm, trứng, sò, giá đỗ, hẹ, tỏi, rất ngon miệng. Giá chỉ 6RM/đĩa (30 ngàn tiền Việt).
Bất chợt tôi nhìn thấy gian hàng món Việt trong khu ẩm thực, trong đó có phở bò, ghi tiếng Việt. Đi tới một quốc gia khác, bắt gặp hình ảnh này, thật xúc động biết bao.
Sau mấy ngày mệt nhoài tranh thủ thăm thú nhiều nơi, buổi sáng trước khi rời Penang, tôi dành cho việc đi dạo. Một điểm cộng là các đường lớn đều có làn dành riêng cho đi bộ và xe đạp. Thong thả tản bộ dưới vòm lá mát rượi, nghe sóng vỗ ầm ào từ xa là một cảm giác tuyệt vời, để cảm nhận một Penang lắng đọng bên cạnh nền văn hóa đầy màu sắc, để khi ra về, lòng hãy còn lưu luyến…