Có một người Ninh Bình di cư
Đâu như mười năm trước thì phải, tôi ăn Tết ở Sài Gòn với con gái. Sau ngày mùng 3, nhà thơ Trần Mai Hường, người gốc Hà Đông cũng đang sống ở Sài Gòn, điện: Trưa nay mấy anh em tới thăm vợ chồng anh chị Kao Sơn, Hoàng Phương Nhâm đi, cũng gần chỗ anh đấy.
![Nhà văn Hoàng Phương Nhâm (thứ 5 trái qua), nhà văn Kao Sơn (thứ 2 từ phải qua) và các nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_442_51473250/dd00b015815b6805314a.jpg)
Nhà văn Hoàng Phương Nhâm (thứ 5 trái qua), nhà văn Kao Sơn (thứ 2 từ phải qua) và các nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đấy, tôi có biết 2 ông bà nhà văn người Ninh Bình này, bà làm Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ông là Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Văn Nghệ Ninh Bình, đã chuyển vào Sài Gòn sống với con sau khi nghỉ. Và cũng Trần Mai Hường nói: 2 anh chị mới vào, chưa quen nhiều, ta đến thăm họ mừng lắm. Thế là ngoài Trần Mai Hường, tôi kéo thêm thi sĩ Nguyên Hùng và Phương Phương đi cùng. Nguyên Hùng còn kẹp thêm chai rượu trên xe máy.
Cách đây trên dưới ba chục năm, cái thời bắt đầu có những giọng văn "khác lạ" trên văn đàn, tôi đọc một cái truyện ngắn rất hay trên một tờ báo. Lạnh, gọn, sắc, thẳng băng và ấn tượng. Lần tìm tác giả thì ra một cái tên nữ là Hoàng Phương Nhâm, đã nể rồi. Tìm tiếp thì lại làm ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình. Trời ạ, Ninh Bình là quê ngoại tôi, và hồi này, tuyên giáo là chuyên đi... "tuýt còi" các tác phẩm được coi là gai góc, chệch choạc của văn nghệ sĩ, mà cái nhà chị nhà văn này lại làm cái nghề tưởng rất chi là mâu thuẫn ấy. Tôi khi ấy đương ở Pleiku, thầm ghen tị với các bạn văn Ninh Bình. Bởi người có nhiệm vụ tuýt còi mà viết như thế thì anh em viết lách được "nở hoa" đến thế nào?
Rồi tôi cũng đã gặp anh chị ở thành phố Ninh Bình. Một đêm tôi về đấy họp, nhắn mấy bạn văn ra ngồi vỉa hè. Lần đầu tiên tôi gặp 2 ông bà là đận ấy.
Y như rằng, cả 2 ông bà thấy chúng tôi “ập” vào nhà thì mừng quýnh. Nhà xa lắc xa lơ, đâu như mãi mạn Bình Chánh, gần giáp Long An. Thì đúng rồi, chân ướt chân ráo vào, nhà Ninh Bình chắc chắn rẻ hơn Sài Gòn, bán hết vào thì cũng đành mua một miếng xa xa, ở rìa thành phố, rồi cất cái nhà nữa, không nợ là may.
Mừng nên cứ lúng túng, phân trần nhà chả có gì tiếp khách. Đã bảo chỗ này xa, lại đang thưa vắng lắm, mà lại Tết. Tôi liếc thấy cây đu đủ có mấy quả lủng lẳng ở bờ rào, hỏi chị Nhâm: nhà có lạc không? có lạc sống? có chanh hoặc giấm không? có chanh. Có rau thơm không? có ít hành và rau mùi. Có... nạo su hào không? có đấy.
Ok xong rồi, chị soạn những gì trong nhà có ra, bát đũa ra, việc còn lại là... của em.
Tôi chọc quả đu đủ, ông Kao Sơn hom hem như cái lá sả đảm nhận rang lạc. Bà Hoàng Phương Nhâm hâm lại mấy món có sẵn, ông Nguyên Hùng, Phương Phương sắp bát đũa, Trần Mai Hường nhặt rau thơm, tôi nạo đu đủ.
Khoảng 15 phút thì món nộm đu đủ tươi đành đạch hoàn thành, chúng tôi uống một bữa rượu Sài Gòn đã đời. Uống xong hoang mang, Tết mà thưa vắng quá, mà nóng quá, khác hẳn Tết ngoài quê...
Tất nhiên trên mâm hôm ấy không chỉ có món nộm đu đủ, nhưng đấy là món hết đầu tiên.
Sau về, chị đẩy cho tôi một tập truyện ngắn đang còn trong bản thảo, bảo đọc chơi nhé, chị sẽ in đấy. Là khi nhậu tôi có nói cái ý, chị là một trong những cây bút truyện ngắn lừng danh một thời, cái thời đổi mới ấy, mà giờ thấy im lặng quá, dù em biết bút lực của chị vẫn rất dồi dào, vẫn sẵn sàng bùng nổ.
Đêm về, bật máy tính lên đọc. Và được chục trang thì... rởn tóc gáy lên, trùm chăn dù giữa Sài Gòn.
Và nói thật, nếu yếu bóng vía, không thể đọc tiếp được.
Bởi gặp toàn... hồn ma.
Mà lạ, bà này nhỏ bé, có phần rụt rè nữa, mà sao viết về ma ngọt thế, sâu thế, ma thế.
Nhưng mà những hồn ma hết sức nghĩa tình, nhân hậu, dẫu vẫn là hồn ma, là lạnh toát, là không rõ hình hài, là thoắt ẩn thoắt hiện... nhưng không làm điều ác, thậm chí biết ngăn chặn những hồn ma định làm điều ác.
Chiến tranh mà. Vâng, cái cuốn "Sự đành hanh của số phận" này viết về chiến tranh. Mặt âm của chiến tranh, nên các nhân vật đa phần là... hồn ma.
Những hồn ma khiến ta lạnh người, đọc ban đêm lại cứ phải... liếc về phía sau. Nhưng cũng lại khiến ta chảy nước mắt. Tôi đã khóc, khóc rất to trong phòng, một mình. Cũng có thể là các hồn ma bắt tôi phải khóc, để hóa thân vào chuyện, vào đường dây của các nhân vật.
Lại nói về đường dây. Cuốn này hầu như chả có đường dây nào cả. Các nhân vật chệch choạc, chả ăn nhập gì với nhau. Từng đoạn, từng câu chuyện rời rạc, có tít phụ như các truyện ngắn. Cả không gian và thời gian của chuyện tãi hết cả ra trong một trường rất rộng, rất xa. Thế nhưng cuối cùng nó vẫn tụ về một mối, một phạm vi, một chủ đề, dù là rất rộng, nhưng lại rất cụ thể: Chiến tranh.
Ở đây, là những người lính, giờ cùng lơ lửng ở một cái hang nào đó, trở thành bạn thân, đi đâu, kể cả "chuyển nhà" là phải đi cùng nhau, không thì thà ở lại nơi chỉ có 2 người biết ấy. Và không chỉ là những người lính, mà còn hậu phương với tất cả các mối quan hệ dằng dịt ở quê, ở nông thôn. "Có lẽ bọn cháu chẳng bao giờ về được! Đến anh em ở đây cũng chưa biết hết tên của nhau. Đông lắm cô ạ! Một mét vuông đất ở đây bom đạn vùi xuống cày lên có đến hàng trăm lần. Nhiều anh em hình hài đã lẫn vào trong đất... Cô đừng khóc! Bọn cháu thấy ai vào đây cũng khóc làm chúng cháu buồn quá!". Một hồn ma của một liệt sĩ nói với cô gái từng "mượn lời chúc may mắn" khi liệt sĩ này qua làng và rồi hy sinh ở chiến trường Quảng Trị, và cô gái này, giờ là bà, mang cái "lời chúc may mắn" mà cô vô tình mượn ấy đi tìm để trả. Khốc liệt, tất nhiên rồi. Chiến tranh mà. Mất mát, hy sinh, đau đớn, tiếc nuối, phí phạm, sai lầm... nhưng giờ, lùi lại, những hồn ma lại trở thành những điểm tựa để người sống tồn tại, sống và điều chỉnh hành vi.
Đọc, mà rồi cứ hoang mang. Những gì xảy ra đã xảy ra rồi. Những gì phải nếm trải đã nếm trải rồi, trả giá rồi... nhưng làm sao để không phải chứng kiến nữa, không phải tiếp tục trải qua nữa.
Con người không thể sửa được lịch sử, nhưng lại làm nên lịch sử.
Và văn chương không phải là lịch sử. Nhưng nó lại ám ảnh lịch sử và bị lịch sử ám ảnh.
Những câu chuyện, những nhân vật cứ lôi tôi đi, rồi thả tôi lãng đãng ở đâu đấy, kệ tôi loay hoay. Nó đạt đến được độ ám ảnh. Nó bắt mình đọc một hơi, để rồi ngẩn ngơ, rồi cứ thế mà mang mang buồn, đến không dứt ra được, đến không nỡ ngủ, bởi nó phí.
Và nó rất nhân nghĩa, rất công bằng.
Hiện tại tới bây giờ chị đã có 13 tập từ truyện ngắn, truyện dài tới tiểu thuyết được xuất bản, có nhiều giải thưởng văn học, mà mới nhất là giải khuyến khích văn chương thành phố Hồ Chí Minh với... phong bì 40 triệu kèm bằng khen. Với Ninh Bình thì tập truyện ngắn “Người hát thánh ca” đã được giải A giải thưởng Trương Hán Siêu năm 1996, tác giả là Kao Sơn và Hoàng Phương Nhâm, 2 vợ chồng. Lịch sử văn chương nước nhà có một số cặp vợ chồng, nhưng chung nhau một giải như anh chị thì hình như chưa có. Cũng nói thêm về giải thưởng, anh Kao Sơn đạt giải nhất tiểu thuyết "Khúc đồng dao lấm láp" của nhà xuất bản Kim đồng năm 2001, và chị Hoàng Phương Nhâm giải C - NXB Kim Đồng với tập truyện thiếu nhi "Miền cổ tích" năm 2003.
Tiểu thuyết mới nhất của chị vừa xuất bản cuối năm 2024 là “Hoa cho tình yêu”, cũng về đề tài chiến tranh, chính xác là hậu chiến, những chan hòa nhân ái, những yêu thương chiến thắng hận thù, những mảnh đời như hư như thực... rất Hoàng Phương Nhâm.