Có một mùa bất ngờ ở Bắc Bình, Tuy Phong

Với giá lúa (lúa khô) dao động 8.200 - 8.500 đồng/kg, nông dân ở 2 nơi trên phấn khởi. Có thể xem đó là thắng lợi của tháng 12, tháng cuối của 1 năm tưởng rằng sẽ có mưa nhiều nhưng thực tế diễn ra là bị hạn.

Thắng lợi ở tháng 12

Chỉ sau 3 ngày trời có mưa, đặc biệt lại là những cơn mưa trong tháng 12 tưởng rằng như mưa sót cuối mùa nhưng đã khiến vùng Bắc Bình, Tuy Phong lật ngược thế cờ chỉ trong thời gian ngắn. Tuy Phong vào trước ngày 14/12 phải chấp nhận cắt giảm khoảng 600 ha sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025, vì thiếu nước, ngày 18/12 đã cho sản xuất hết, nhờ nước các hồ trên địa bàn đã đạt 100% dung tích. Đó không chỉ là tin vui của nông dân mà còn là tín hiệu tốt chốt lại một năm Thìn nhưng Tuy Phong lại khan hiếm mưa. Các hồ trên địa bàn huyện thiếu nước, làm căng kéo mùa vụ không theo quy củ chung là đồng loạt trong xuống giống theo từng mùa. Tức cánh đồng nào có nước thì sản xuất trước, còn cánh đồng nào chưa thì sản xuất sau, chứ không thể chờ đủ nước được. Dù trong cảnh khó ấy nhưng Tuy Phong cũng có khu vực sản xuất lúa đạt năng suất cao như vụ lúa mùa này, khu Đá Bạc có năng suất phần lớn từ 8 – 9 tấn/ha; riêng những hộ, nhờ chăm sóc lúa tốt, đầu tư kỹ đã đạt 10 tấn/ha, đánh dấu đạt đỉnh cao nhất tỉnh. Tính chung cả năm, Tuy Phong cũng đã tổ chức sản xuất được 3 vụ lúa với 5.464 ha với sản lượng lương thực mang về 35.726 tấn đạt 100,64% so chỉ tiêu và đạt 101,83% so với cùng kỳ năm 2023.

Người dân Tuy Phong dặm lúa vụ đông xuân. Ảnh: N.Lân.

Người dân Tuy Phong dặm lúa vụ đông xuân. Ảnh: N.Lân.

Trong khi đó, Bắc Bình không bị cắt giảm diện tích sản xuất, nhờ có “kho nước” hồ Sông Lũy trên địa bàn và ở vị trí tiếp nhận nguồn nước sau thủy điện Đại Ninh nhưng cũng rơi vào cảnh căng nước cho sản xuất. Vì nắng hạn kéo dài, mùa mưa đến muộn hơn so với năm 2023 khoảng 1 tháng, tức đến ngày 19/5/2024, Bắc Bình mới có mưa tập trung. Dù vậy, đến cuối năm này, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 71.366 ha/66.394 ha kế hoạch năm và tăng 5.194 ha so cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt cây lúa năng suất bình quân qua các vụ đông xuân, hè thu là 6,8 - 7,5 tấn/ha (lúa khô). Nhờ vậy, tổng sản lượng lương thực ước đạt 291.026 tấn/253.000 tấn kế hoạch, tăng 44.374 tấn so với cùng kỳ.

Với giá lúa (lúa khô) dao động 8.200 – 8.500 đồng/kg, nông dân ở 2 nơi trên phấn khởi. Có thể xem đó là thắng lợi của tháng 12, tháng cuối của 1 năm tưởng rằng sẽ có mưa nhiều nhưng thực tế diễn ra là bị hạn.

Chung sức làm việc lớn

2 ngày 18 - 19/12, Bắc Bình, Tuy Phong đều tổ chức họp HĐND đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Với mảng nông nghiệp, qua phát biểu của các đại biểu cho thấy là sự nhẹ nhõm sau chuỗi thời gian dài lo lắng căng thẳng. Bởi với số đông người dân sản xuất nông nghiệp mà cụ thể là sản xuất lúa, năm nay có khó khăn về nước nhưng phần lớn được mùa, được giá nên 2 huyện trên như được ổn định từ nền tảng cơ sở. Để từ đó, như có hậu phương chắc cho tiếp tục làm tốt việc lớn khác là xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao mà cụ thể liên quan đến đóng góp, tham gia các chương trình và cả việc dẻo dai để cùng vượt qua trở ngại…

Lúa vụ mùa chuẩn bị gặt ở cánh đồng Phong Phú. Ảnh: N.Lân

Lúa vụ mùa chuẩn bị gặt ở cánh đồng Phong Phú. Ảnh: N.Lân

Ở Bắc Bình, những ngày cuối tháng 12 này đã có thông tin chắc rằng Phan Điền về đích NTM, khi phần lớn trong 19 tiêu chí đã được các sở, ngành của tỉnh công nhận đạt chuẩn và UBND xã Phan Điền cũng đã hoàn thành thông báo, niêm yết kết quả thực hiện để lấy ý góp trong nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và các tổ chức đoàn thể xã. Với 1 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số, đó là sự đặc biệt không chỉ trong sự dốc sức của chính quyền huyện mà còn của cả cán bộ, công chức và người dân trong xã. Trong khi đó, ở Tuy Phong, đến lúc này đã đạt chuẩn thêm 6 tiêu chí xã nông thôn mới và 7 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, lũy kế đạt chuẩn 155 tiêu chí/9 xã nông thôn mới, 91 tiêu chí/9 xã nông thôn mới nâng cao, bình quân đạt 10,11 tiêu chí/xã. Riêng xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 là xã Phong Phú không đạt với xã không đạt chuẩn tiểu tiêu chí 18.2.

Chỉ 1 tiểu tiêu chí không đạt thì tiêu chí đó không đạt mà tiêu chí đó không đạt thì cũng không thể về đích NTM hay NTM nâng cao. Thế nên, việc xây dựng này là 1 hành trình của chung sức, chung lòng và chính sản xuất nông nghiệp ổn định là gắn kết. Và những gì diễn ra trong năm 2024 này với kết quả sản xuất mang về ở 2 huyện cho thấy có một mùa thắng lợi ngoài dự tính.

BÍCH NGHỊ

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/co-mot-mua-bat-ngo-o-bac-binh-tuy-phong-126675.html
Zalo