Nhập siêu từ Trung Quốc tăng kỷ lục, có đáng ngại?

Theo chuyên gia, việc nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh thể hiện nhu cầu nguyên liệu phục vụ các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đang trên đà khởi sắc. Tuy nhiên, với con số nhập siêu kỷ lục cho thấy hàng giá rẻ Trung Quốc đang ồ ạt vào nước ta. Việt Nam cần lưu ý tránh trở thành nơi 'rửa nguồn' cho một số mặt hàng.

Nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay

Theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, tính đến hết tháng 11, Việt Nam đã chi hơn 130,5 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tăng hơn 30,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng là mức nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam từ thị trường tỷ dân.

Với kim ngạch nhập khẩu này, hiện hàng Trung Quốc chiếm tới 38% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. Trong khi đó, năm ngoái kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này chỉ đạt gần 111 tỷ USD và năm 2022 chỉ gần 118 tỷ USD. Tính đến hết tháng 11 năm nay, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hơn 75 tỷ USD.

Những mặt hàng Việt Nam nhập nhiều từ Trung Quốc phải kể đến máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, đạt 31 tỷ USD (chiếm 23,8% kim ngạch nhập khẩu từ nước này); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 26 tỷ USD (chiếm 20%); vải đạt hơn 9 tỷ USD, điện thoại các loại đạt 8 tỷ USD, sắt thép đạt gần 7 tỷ USD...

Nhập khẩu tăng mạnh do nhu cầu sản xuất, phục vụ xuất khẩu Việt Nam đang hồi phục. Ảnh: Samsung Việt Nam.

Nhập khẩu tăng mạnh do nhu cầu sản xuất, phục vụ xuất khẩu Việt Nam đang hồi phục. Ảnh: Samsung Việt Nam.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh nhằm phục vụ các đơn hàng xuất khẩu vẫn đang trên đà phục hồi. Hàng hóa nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chủ yếu là những sản phẩm, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn, nhà máy Samsung tại Việt Nam luôn phải nhập khẩu nhiều phụ kiện từ Trung Quốc về lắp ráp.

Tuy nhiên, ông Doanh lưu ý, việc nhập siêu từ Trung Quốc tăng vọt có thể do hệ quả của xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư và các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang trong những năm gần đây, sau khi Mỹ áp thuế cao đối với hàng Trung Quốc. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tận dụng Việt Nam như là quốc gia trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, nhằm lách các hàng rào thuế quan thương mại mà nước này dựng lên đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Tránh thành nơi "rửa nguồn" hàng Trung Quốc

Theo các chuyên gia, hiện nền kinh tế số 2 thế giới đang trong giai đoạn dư thừa công suất và phải tìm cách xuất sang các nước khác. Đặc biệt, với xu hướng thương mại điện tử ngày càng phổ biến, hàng giá rẻ từ Trung Quốc càng có nhiều cơ hội để đến tay người tiêu dùng Việt Nam khiến hàng nội địa đang bị cạnh tranh rất gay gắt.

Điển hình, trong lĩnh vực ô tô, hiện đã có hơn 10 thương hiệu Trung Quốc nhập khẩu trực tiếp hoặc lắp ráp tại Việt Nam. Số lượng ô tô nhập khẩu trong 11 tháng từ Trung Quốc trong năm nay tăng vọt gấp 2,9 lần so với năm ngoái đã thể hiện điều này. Ngay cả hãng xe điện BYD của Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về quy mô và sản lượng, cũng liên tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống phân phối tại Việt Nam.

Đặc biệt, thị trường pin năng lượng mặt trời gần như đã nằm trong tay các doanh nghiệp Trung Quốc từ 3-4 năm trước và Việt Nam đang có nhu cầu mặt hàng này.

Với pin năng lượng mặt trời chủ yếu do các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất, Việt Nam có nhu cầu lớn.

Với pin năng lượng mặt trời chủ yếu do các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất, Việt Nam có nhu cầu lớn.

Ngoài ra, tình trạng thép giá rẻ và dư thừa ở Trung Quốc cũng ồ ạt vào Việt Nam đến mức báo động. Mới đây, Tổng cục Hải quan liên tục cảnh báo việc thép nhập khẩu từ Trung Quốc khai sai tên hàng, chủng loại, mã số để gian lận trốn thuế nhập khẩu và các loại thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có một thực tế các doanh nghiệp Việt cần đối mặt là hàng Trung Quốc giá rẻ với chất lượng ngày càng cao đang phủ khắp các thị trường. Với Việt Nam, thị trường ngay bên cạnh với nhu cầu lớn nên mức độ cạnh tranh càng gay gắt hơn.

Theo ông Hiếu, trước tình trạng hàng Trung Quốc đổ bộ nhiều vào Việt Nam, doanh nghiệp Việt cần có kế hoạch và nỗ lực lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh. Sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp Việt suy yếu khiến cuộc đua càng thêm khó, do đó, Chính phủ cần có những biện pháp hỗ trợ, trong đó xem xét thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp về vốn...

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc nhưng lại xuất siêu sang Mỹ là điều cần lưu ý. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng nâng cao tỷ lệ sản xuất và tăng hàm lượng giá trị hàng trong nước, tránh trở thành nơi "rửa nguồn" cho hàng Trung Quốc. Nếu không làm thế, rất có thể một số mặt hàng sẽ rơi vào tình trạng bị xem xét đánh thuế ở mức cao dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Dương Hưng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhap-sieu-tu-trung-quoc-tang-ky-luc-co-dang-ngai-post1702539.tpo
Zalo