Thương vụ Việt Nam tại Maroc: Bờ Biển Ngà sẽ là cánh cửa đưa hạt điều, gạo Việt Nam sang Tây Phi

Chiều ngày 19/12, tại Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Chi nhánh Thương vụ khu vực thị trường châu Á - châu Phi, Thương vụ tại Maroc đã có kiến nghị.

Chiều ngày 19/12 (theo giờ Nhật Bản), tại Tokyo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực thị trường châu Á - châu Phi.

Hội nghị do Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.

Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi năm 2024 có sự tham dự đông đảo của các Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam khu vực thị trường châu Á - châu Phi. Ảnh: Nguyên Minh

Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi năm 2024 có sự tham dự đông đảo của các Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam khu vực thị trường châu Á - châu Phi. Ảnh: Nguyên Minh

Cùng tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và đại diện các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương...

Tham gia tham luận tại hội nghị, bà Trần Lê Dung - Tham tán Thương mại tại Maroc đã có những đề xuất về tiềm năng hợp tác giữa thị trường Bờ Biển Ngà đối với thị trường Việt Nam.

Bờ Biển Ngà – thị trường tiềm năng cho gạo Việt Nam

Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà đang trở nên nổi bật nhờ những sản phẩm xuất nhập khẩu chủ lực. Các số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam đã cho thấy, Bờ Biển Ngà hiện đang là quốc gia xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới sang Việt Nam. Cùng với đó, gạo Việt Nam cũng đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng lương thực tại Bờ Biển Ngà.

Bà Trần Lê Dung - Thương vụ Việt Nam tại Maroc. Ảnh: Nguyên Minh

Bà Trần Lê Dung - Thương vụ Việt Nam tại Maroc. Ảnh: Nguyên Minh

Theo thông tin ghi nhận từ chuyến tác nghiệp gần đây, Bờ Biển Ngà hiện cung cấp số liệu thống kê đầy đủ và liên tục, giúp Việt Nam có đánh giá chính xác về tiềm năng và quy mô giao thương. Trong khi đó, thị trường Maroc được xem là điểm đến trọng điểm do thiếu vắng các dữ liệu cần thiết. Đồng thời, các chuyến công tác giữa Maroc và Bờ Biển Ngà được nhận xét là đắt đỏ về chi phí và gây khó khăn trong quá trình hợp tác.

Những trao đổi giữa đoàn công tác Việt Nam với các đối tác Bờ Biển Ngà, bao gồm các bộ phận thuộc Bộ Công Thương cho thấy sự nhiệt tình và cải thiện trong quan hệ song phương. Các đối tác Bờ Biển Ngà đã bày tỏ mối quan tâm đặc biệt về sản phẩm Việt Nam, đặc biệt là gạo và hạt điều, đồng thời đề xuất tăng cường hợp tác để khai thác tốt hơn nguồn lực tại đây.

“Cánh cửa vàng” dẫn lối Việt Nam ra Tây Phi

Trong bối cảnh quan hệ thương mại song phương đang trở nên sâu rộng, việc mở một thương vụ tại Bờ Biển Ngà đã được xem là yêu cầu bây giờ. Bờ Biển Ngà đang đóng vai trò như cửa ngõ quan trọng trong khu vực Tây Phi, không chỉ là đối tác cung cấp nguyên liệu, mà còn là đầu mối cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác cơ hội xuất nhập khẩu. Hiện nay, tại Bờ Biển Ngà, đã có một doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động với quy mô nhà máy 1.200 lao động, cho thấy khả năng phát triển bền vững.

Ngược lại, ở Maroc, doanh nghiệp Việt Nam gần như không có và các mối quan hệ giao thương chưa được đầu tư xứng tầm. Các chuyến công tác kiêm nhiệm giữa hai khu vực này tạo ra không ít gánh nặng tài chính và thời gian.

Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi năm 2024 có sự tham dự đông đảo của các Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam khu vực thị trường châu Á - châu Phi. Ảnh: Nguyên Minh

Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi năm 2024 có sự tham dự đông đảo của các Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam khu vực thị trường châu Á - châu Phi. Ảnh: Nguyên Minh

Việc thiết lập thương vụ tại Bờ Biển Ngà không chỉ nhằm tăng cường quan hệ giao thương mà còn tạo ra một điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực Tây Phi. Điều này không chỉ giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Nhìn chung, Bờ Biển Ngà đáng được xem là điểm đến tiềm năng trong tương lai cho Việt Nam tại châu Phi, đem lại những cơ hội vượt trội trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Việc thiết lập một chi nhánh thương vụ tại đây sẽ là bước đi tháo gỡ những rào cản và mở ra cửa ngõ cho một chương mới trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai quốc gia.

Nguyên Minh từ Tokyo, Nhật Bản

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-vu-viet-nam-tai-maroc-bo-bien-nga-se-la-canh-cua-dua-hat-dieu-gao-viet-nam-sang-tay-phi-365251.html
Zalo