Có một 'khúc ruột' xứ Huế trên đất nam Tây Nguyên - Bài 2: Buổi đầu lập cư trên vùng quê mới
Sau hơn một năm khai hoang lập làng, vùng quê mới của người dân TP. Huế vào lập nghiệp tại vùng đất cuối tỉnh Lâm Đồng đã dần hình thành. 3.000 hộ gia đình với mấy ngàn nhân khẩu đã bắt đầu ổn định cho một cuộc sống mới.

Cụ Trần Văn Khuyến, một người Huế có mặt tại vùng kinh tế
Trong bài viết đăng trên Báo Lâm Đồng đầu xuân 1978, nhà báo Vũ Thuộc mô tả về vùng kinh tế mới của người xứ Huế ở Lâm Đồng - một bức tranh quê sinh động bằng ngôn ngữ đẹp và giàu cảm xúc:
“Lên đến đỉnh dốc Mạ Ơi, cả vùng KTM Hương Lâm đã nằm phơi ra trong tầm mắt. Những nếp nhà xinh xắn, ấm cúng nằm thành từng lô vuông vức, tựa lưng vào sườn núi; những cánh đồng mênh mông trải ra đến ngút tầm mắt nằm vây quanh lấy những xóm làng; những vồng khoai trổ hoa tím, những nương sắn thân thẳng cao như so đũa đan hết những đỉnh đồi. Và đằng xa kia, sau lũy tre xanh dày đặc là dòng sông Đồng Nai trong vắt, êm ả chảy về xuôi. Tiếng trẻ em học bài dội lên, đứng trên đỉnh dốc Mạ Ơi cũng nghe rất rõ…”.
Hai trung đoàn với 1.800 TNXK TP. Huế, sau khi hoàn thành việc mở đường, khai hoang lập làng, san ruộng, đã làm công tác chuẩn bị đón dân vào. Sau khi ăn Tết Mậu Ngọ - 1978, đoàn di dân đầu tiên với hơn 100 hộ gia đình gồm gần 700 nhân khẩu, những người tình nguyện đi xây dựng vùng KTM Hương Lâm (cái tên mang ý nghĩa sông Hương kết hợp với Lâm Đồng) đã gồng gánh lên đường.
Bên ly cà phê trong buổi sáng của gần 50 năm sau, các cụ ông, cụ bà đi xây dựng KTM hồi đó đã kể lại cho chúng tôi nghe như chuyện mới hôm qua, ký ức như còn rất tươi mới, dù thời gian đã lùi khá xa. Họ nhớ lại, đoàn xe chở bà con từ Huế vào, rẽ theo ngã ba Madagui trên Quốc lộ 20 rồi dừng chân tại thác Căng, cách nơi định cư khoảng 7-8 cây số. Tất cả trẻ già gồng gánh dắt díu nhau lội bộ. Rừng núi hoang vu, tiếng thú đi hoang rờn rợn, con dốc Mạ Ơi sừng sững trước mặt như đe dọa bước chân mọi người. Cơn mưa rừng bắt đầu nặng hạt, trời mù mịt nước. Nhà cửa bà con tạm nghỉ cũng chưa hoàn thiện. Vài cái lán dựng vội chỉ đủ để mọi người tránh mưa. Giường chõng, bàn tủ, quang gánh, nồi niêu, cơm gạo và cả bàn thờ đều chất thành từng đống để cả ngoài trời ướt át. Tiếng người già ho hắng, tiếng trẻ khóc, tiếng chó sủa, gà kêu sốt ruột, ầm ĩ cả một góc rừng nguyên sinh…

Người dân Huế ở xã Đạ Lây chăm sóc hoa, làm đẹp đường
Nhận tin các hộ dân đã vào đến nơi, cả hai trung đoàn TNXK được lệnh dừng phát rẫy ra đón bà con. Người già, trẻ em và tất cả các thứ dụng cụ sinh hoạt của 100 hộ gia đình được anh em TNXK khuân vác vào làng mới. “Làng mới”, thoạt nghe, nhiều bà con vội mừng vì tưởng đến đó có nhà cửa, ruộng vườn, giếng nước, đèn đuốc, thóc gạo có sẵn đầy đủ. Ai dè, vừa vào đến nơi, đồng chí Nguyễn Thái Long - Trưởng ban chỉ huy vùng KTM, chỉ tay tuyên bố: “Làng Phú An, làng Thuận Hóa, làng Thuận Thành… tại đây”. Tất cả bà con ngơ ngác nhìn theo cánh tay của người cán bộ, đó là một khu rừng đã bị chất độc hóa học của Mỹ đốt trụi trơ lại vài cái thân cây cháy đen như cột chống trời. Xung quanh là cỏ tranh, cây dại cao đến lút đầu người. Giữa những vạt cỏ tranh và cỏ gai ấy, đội quy hoạch chỉ mới cắm được mấy chiếc cọc mốc và chăng dây chia ranh giới thổ cư cho từng hộ gia đình. Trời vẫn mưa như trút nước. Đường đi lại phải đạp qua bãi cỏ tranh bùn nước loẹt choẹt lấm đến tận cổ. Anh chị em TNXK đã nhường những chiếc lán kiên cố của họ cho người dân ở tạm; còn họ ra rừng che những tấm ni lông ở, mưa gió tạt rách, nước ướt tứ bề. Trước hoàn cảnh chứa đầy những khó khăn, bất trắc, nhiều hộ ngay từ đầu đã thực sự bi quan, nao núng tinh thần. Một số người đã lên gặp thẳng ban chỉ huy vùng đòi được trả về quê cũ. Trước tình hình đó, ban chỉ huy phân công nhau xuống ăn ngày ở đêm với người dân, tìm cách thuyết phục, giải thích, động viên từng người. Anh chị em TNXK thì người chặt gỗ, kẻ cắt tranh, người dựng cột, xúm nhau lại dựng cho bà con những chiếc lán kiên cố. Chỉ vài ngày sau, những cái lán một mái được dựng lên tạm làm yên lòng mọi người. Rồi chính từ nền những chiếc lán ban đầu ấy, 9 tháng sau, những căn nhà đã mọc lên và mỗi hộ một mảnh vườn vuông vức 1.000m2 như nhau đã bắt đầu đơm hoa, kết trái…
Sau đợt đầu ấy, chừng một năm sau, đã có 500 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu rồi những đoàn tiếp theo với tất cả là 3.000 hộ đã đến lập cư trên đất mới Hương Lâm. Càng về sau thì điều kiện có thuận lợi hơn. Đọc lại bài báo cũ với lời văn mộc mạc của nhà báo Vũ Thuộc, chúng tôi cũng vui theo với ký ức của bà con xứ Huế ngày đầu vào lập cư quê mới: “Các đồng chí trong ban chỉ huy công trường dẫn chúng tôi đi thăm đồng bào, đi suốt một ngày cũng không ra khỏi những rừng sắn và nương khoai lang. Đã có đám cưới được trang trí bằng những bình hoa khoai màu tím thủy chung và hạnh phúc. Vụ này bà con ước tính thu hoạch khoảng 3.000 tấn khoai và hơn 2.000 tấn sắn. Khoai có củ nặng hàng ký lô, sắn có bụi thu hàng yến củ. Lúa mùa đầu bị mất do lụt nhưng cũng vớt vát được chừng vài chục tấn, bà con giữ lại làm giống cho mùa này…”.
Theo ký ức của anh Đỗ Đức Đủ, chỉ hơn một năm, đón Tết Kỷ Mùi 1979, ở vùng KTM Hương Lâm đã có hơn 300 hộ làm được nhà kiên cố. Tất cả các ngôi nhà đều được làm theo một kiểu thống nhất do ban chỉ huy vùng thiết kế. Mỗi nhà đều có hai gian, ba chái. Nhà đông người thì làm rộng hơn. Vườn đất xung quanh thổ cư đều bằng nhau. Đường từ khu trung tâm về các đội và vào các hộ gia đình đều được làm nền rộng, đắp đất cao với bờ cỏ chắc chắn. Một bên dựa vào sườn núi là làng, một bên trải ra trước mặt là ruộng. Bà con làm ruộng tập đoàn, ăn chia theo công điểm. Một mảnh vườn, một ngôi nhà là của riêng; còn tất cả ruộng đồng bát ngát lúa, ngô, khoai là của chung. Mới ngày đầu lập cư, chưa lập hợp tác xã nhưng bà con rời cố hương đi xa với hai bàn tay trắng đã cần mẫn vun đắp, dựng xây cho cuộc sống ngày càng ổn định. Việc làm nhà và chăm sóc những mảnh vườn thổ cư tất cả đều tranh thủ ngoài giờ và nhiều hộ làm vào ban đêm. Bà con vùng KTM phát động phong trào “đi không về có” để mang tranh tre về tự túc làm nhà. Những gia đình neo đơn được các đội giúp đỡ. Và dần dần làng xóm đã bắt đầu khang trang. Giữa mỗi ngôi nhà có bàn thờ, có ảnh Bác Hồ, có lịch năm mới và có cả tranh dân gian mang từ Huế vào. Tết Kỷ Mùi 1979 năm ấy, vườn nhà nào cũng rạo rực một luống hoa cúc. Màu vàng của loài hoa thân thuộc như một sự kết nối thiêng liêng của người dân xứ Huế đi xây dựng vùng KTM với quê nhà cắt rốn chôn rau bên dòng Hương Giang. Cùng với hoa cúc, bà con còn mang theo cả những bụi chuối, cây mít, bầu, ớt chỉ thiên từ cố xứ vào…
Khi đội TNXK cuối cùng rời khỏi Hương Lâm, họ cũng đã kịp lo chu đáo sự học cho các cháu vùng KTM. Thầy giáo Lê Ngọc Anh, cựu TNXK TP. Huế, nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện Đạ Tẻh, kể lại: Trong số dân đi KTM có tới 800 các cháu đang đi học hoặc trong độ tuổi đến trường. Hồi đó, trường lớp thì dựng lên không khó nhưng thiếu giáo viên, sách vở và thiết bị. Ban chỉ huy loay hoay mãi mới giải quyết được, giải quyết từ cấp 1 cho đến cấp 2, cấp 3 thì không thể gửi các cháu đi xa. Giáo viên thiếu thì lấy ngay cả những anh chị có trình độ cao đẳng, đại học hoặc cấp 3 trong lực lượng TNXK. Họ là những thầy, cô giáo không chuyên như Lê Ngọc Anh, Trần Phúc Tựu, Trần Minh Trí, Ngô Quang Mỹ, Thái Quang Tuân, Trương Hóa, Ngô Văn Thanh, Trần Hòa, Hoàng Thị Hồng, Nguyễn Văn Tâm, Trần Quảng. Sách bút và chương trình giảng dạy thì lên Đà Lạt xin Ty Giáo dục Lâm Đồng và về Huế xin thêm. Bàn ghế, trường lớp đều làm bằng tre nứa. "Cái khó ló cái khôn", lòng nhiệt huyết đã làm cho những con người, từ già chí trẻ trên vùng đất mới càng thêm vững vàng và tự tin vượt qua gian khó…
Trò chuyện cùng tôi trong buổi sáng giữa miền đất “Huế xa” giàu đẹp hôm nay, ông Nguyễn Minh Tánh, Chủ tịch UBND xã Đạ Lây, người sinh ra ngay từ những ngày đầu TNXK TP. Huế vào khai hoang, mở đất nói: “Tôi thuộc thế hệ lớn lên khi quê mới đã hình thành, nhưng qua mỗi câu chuyện ký ức của các ông bà, cô bác về buổi đầu lập nghiệp, chúng tôi hình dung ra ngày ấy gian khổ, khó khăn biết chừng nào. Chúng tôi được kế thừa cả một di sản cội nguồn văn hóa lịch sử đất Cố đô, văn hóa Tây Nguyên và những truyền thống quý báu của cha ông một thời mở đất. Lịch sử vùng đất Đạ Lây luôn nhắc nhở chúng tôi phải sống, làm việc sao cho xứng đáng với xương máu, mồ hôi, nước mắt của lớp người đi trước…”.
(Còn nữa)