Cơ hội và thách thức cho xuất khẩu nông sản 2025
Hôm nay (19/12), Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Văn phòng Bộ NN&PTNT tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: 'Xuất khẩu nông sản năm 2024 - Kỷ lục mới, vị thế mới'
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng triển vọng năm 2025 của xuất khẩu thủy sản rất khả quan. Ông Nguyễn Hoài Nam đánh giá đó là động lực để thay đổi nhận thức và thực hiện các quy định mới của các thị trường để xuất khẩu thuận lợi.
"Từ năm 2023 đến nay các ngân hàng có ba gói tín dụng cho thủy sản. Đây là chính sách, cơ hội cho doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch sản xuất, xuất khẩu trong năm tới. Năm nay chúng ta tăng trưởng 13%, từ các cơ hội mà chúng ta đang có, năm tới chúng tôi dự báo và cố gắng duy trì mức tăng trưởng được 10-15% tương ứng với mức khoảng trên 10 tỷ USD", ông Nguyễn Hoài Nam thông tin.
Về lĩnh vực trồng trọt, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, thị trường luôn biến động, để thích ứng kịp thời với sự thay đổi của thị trường, thời gian qua, Bộ NN&PTNT, Cục Trồng trọt đã có các chỉ thị, văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương, người nông dân thận trọng trong việc mở rộng diện tích mà nên chú trọng vào phát triển và đảm bảo chất lượng nông sản. Tuy nhiên có một thực tế là việc tăng trưởng diện tích, tái canh, trồng mới là quyền lợi hợp pháp của người nông dân, cơ quan quản lý hay ngành chức năng khó có thể can thiệp được.
Do đó, theo ông Mạnh, các Hiệp hội, ngành hàng, Văn phòng SPS Việt Nam cần thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, sản lượng, quy định mới để các địa phương, bà con nắm được và kịp thời điều chỉnh, đáp ứng theo đúng quy định. Cũng theo ông Mạnh, trước biến động của thị trường, hiện nay, giá cả mặt hàng nào đó tăng cao, ắt sẽ phát triển nóng. Ví dụ như cây sầu riêng. Sau 3 năm, diện tích sầu riêng tăng gấp đôi, hết năm 2024 ước 168.000ha. Tại ĐBSCL sầu riêng là cây rất "mẫn cảm" với xâm nhập mặn, do vậy khuyến cáo không mở rộng diện tích ở những khu vực bị xâm nhập mặn. Hay đối với cây cà phê Robusta rất cần tưới, bởi vậy mở rộng diện tích ở khu vực không thuận lợi về nước tưới… sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhìn nhận thuận lợi lớn nhất trong đàm phán ký kết nghị định thư để mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu thời gian qua, đó là chúng ta có những sản phẩm tiềm năng, đặc sản thế mạnh để xuất khẩu. Bởi không có sản phẩm tốt thì chúng ta không thể có đàm phán được.
"Nhà nước cũng dành nguồn lực lớn cho công tác đàm phán mở cửa thị trường. Bên cạnh đó, trình độ sản xuất nông nghiệp đã được cải thiện nhiều, chúng ta tự tin đưa sản phẩm có chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường, điều này cũng tạo thuận lợi lớn khi chúng ta đàm phán đẩy mạnh xuất khẩu" ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Hiếu cũng phân tích thêm: "Muốn cạnh tranh trong xuất khẩu chúng ta phải có sản phẩm độc đáo, riêng biệt. Sản phẩm độc đáo riêng biệt đó khiến cho điều kiện đáp ứng thị trường của ta khác với các sản phẩm của các nước khác, khó có mô hình nào để áp dụng mà chúng ta phải tự chủ động để làm, nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Ngoài ra khó khăn nữa của ta là sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có sản phẩm đồng đều, chưa có nguồn hàng lớn.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay Văn phòng SPS Việt Nam thường xuyên nhận được các cảnh báo từ các thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam. "Chúng ta đã đạt kỷ lục rồi, có sự đột phá nhưng làm sao để phát triển bền vững. Về xu thế trong thời gian tới, chúng ta đang hoàn thiện và nâng cấp SPS khu vực ASEAN, SPS với Trung Quốc, SPS với Canada… Tôi thấy hầu hết các nội dung SPS đều ngày càng nâng cao, câu chuyện an toàn thực phẩm sẽ là câu chuyện mà các quốc gia ngày càng quan tâm", ông Nam cho biết.