Đề xuất hỗ trợ việc làm cho đội ngũ cán bộ nghỉ việc sau sắp xếp bộ máy

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, đề xuất cần khảo sát riêng nhu cầu, năng lực và nguyện vọng của đội ngũ cán bộ nghỉ việc sau sắp xếp bộ máy để kết nối việc làm phù hợp...

Ngày 25-4, Sở Nội vụ TP.HCM tổ chức tọa đàm về công tác phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thôi việc do sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố.

Tọa đàm nhằm tham mưu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ những người rời vị trí công tác nhưng vẫn mong muốn tiếp tục làm việc, đóng góp cho thành phố ở những vai trò phù hợp.

 Toàn cảnh tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm.

"Nguồn vốn quý” mà thị trường lao động đang cần

Phát biểu tại tọa đàm, bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách là bước đi tất yếu theo chủ trương tinh gọn bộ máy của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

“Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là về việc làm, thu nhập và phát huy chuyên môn sau khi rời vị trí công tác. Do đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp để kết nối hiệu quả cung – cầu lao động” - bà Tới nói.

Tại tọa đàm, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cũng khẳng định: "Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao đội ngũ công chức, viên chức sau sắp xếp, đây là một “nguồn vốn quý” mà thị trường lao động đang cần".

Ông Tuấn cho biết trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ – vốn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế – nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng tổ chức và kinh nghiệm làm việc là rất cao.

“Cán bộ, công chức, viên chức là những người đáp ứng tốt các yêu cầu này. Thậm chí, ngay cả vị trí bảo vệ tại nhiều doanh nghiệp cũng đòi hỏi người lao động phải tốt nghiệp phổ thông” - ông Tuấn nhấn mạnh.

 Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thách thức lớn nhất hiện nay chính là về nhận thức của lực lượng từng làm việc trong khu vực công. Họ cần được trang bị tư duy học tập và làm việc suốt đời để thích nghi với sự thay đổi của thị trường lao động.

Cần khảo sát riêng những người sau khi rời khỏi vị trí công tác

Ông Trần Anh Tuấn nhận định nhóm lao động từ 30–35 tuổi là lực lượng giàu kinh nghiệm, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng không thể định hướng nghề nghiệp như sinh viên mới ra trường.

Ông đề xuất Sở Nội vụ cần khảo sát chuyên biệt đội ngũ nghỉ việc sau sắp xếp bộ máy – từ công việc, chuyên môn đến nguyện vọng, nhằm tạo cơ sở dữ liệu phục vụ tư vấn, phân loại và hỗ trợ hiệu quả.

“Người lao động cần được định hướng, không phải "xin – cho" hay hướng dẫn rập khuôn. Cần có cổng thông tin kết nối trực tuyến với doanh nghiệp, cùng các lớp đào tạo kỹ năng, định hình tâm thế khi chuyển từ khu vực công sang tư” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề xuất bổ sung chương trình giáo dục về trí tuệ nhân tạo, giúp người lao động làm quen và ứng dụng AI trong công việc.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM Nguyễn Văn Sang khẳng định: "Cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp là nhóm lao động đặc biệt, cần cách tiếp cận riêng để phát huy hiệu quả nguồn lực này".

 Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM.

“Hiện nay, nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp và tái hòa nhập thị trường lao động ngày càng rõ ràng và cấp thiết. Họ có chuyên môn sâu, từng đảm nhiệm vị trí chuyên biệt trong hệ thống công.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại thách thức như độ tuổi bình quân cao, hạn chế về công nghệ thông tin và thiếu linh hoạt so với lao động trẻ. Hiện nay, dữ liệu về đội ngũ dôi dư đã có sẵn trong hệ thống quản lý nhà nước, nên việc khảo sát nhu cầu và năng lực là khả thi” - ông Sang nói.

Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Nguyễn Bắc Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết một trong những nội dung được quan tâm là việc hỗ trợ những cán bộ, công chức sau khi nghỉ theo chế độ vẫn có mong muốn tiếp tục cống hiến. Đây cũng là tinh thần xuyên suốt trong Đề án được UBND TP.HCM phê duyệt.

“Để đề án hiện được cụ thể hóa, Sở Nội vụ đang tham mưu kế hoạch UBND TP.HCM thành 12 nhóm giải pháp. Hôm nay thảo luận là một trong 12 nhóm giải pháp đó. Đặc biệt là ý kiến khảo sát về thực trạng đội ngũ cán bộ sau sắp xếp bộ máy.

Khảo sát này sẽ cung cấp các thông số về nhu cầu việc làm và năng lực chuyên môn của đội ngũ, từ đó xác định rõ ràng các yêu cầu. Những thông số này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng, đồng thời các doanh nghiệp cũng cần cung cấp nhu cầu tuyển dụng cụ thể để tạo ra sự gặp gỡ chung giữa hai bên.” - ông Nam nói.

 Ông Nguyễn Bắc Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM.

Ông Nguyễn Bắc Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM.

Theo ông Nam, hiện nay, phần lớn cán bộ ở cơ sở đều có trình độ đại học, nhiều người đạt trình độ sau đại học, là đảng viên và có kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Đây là nguồn nhân lực có chất lượng, từng trực tiếp làm công tác dân vận, am hiểu địa phương, có thể đáp ứng tốt nhiều yêu cầu của doanh nghiệp.

“Sau sắp xếp bộ máy, TP có gần 5.500 cán bộ không chuyên trách sắp kết thúc nhiệm vụ. Tôi mong doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nước trong quá trình triển khai đề án. Khảo sát sẽ được thực hiện trực tiếp, đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác để làm căn cứ xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp và hiệu quả” - ông Nam bày tỏ.

NGUYỄN THỊ LÊ UYÊN, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:

3 nhóm năng lực cán bộ, công chức sau sắp xếp

Việc phân nhóm năng lực giúp phác thảo “chân dung vùng năng lực” của đội ngũ sau sắp xếp.

Bà Nguyễn Thị Lê Uyên, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.

Cụ thể, có thể chia thành 3 nhóm:

Nhóm 1: Những người không còn khả năng tiếp tục tham gia thị trường lao động do yếu tố sức khỏe, tuổi tác hoặc lý do cá nhân.

Nhóm 2: Những người vẫn còn đam mê, nhu cầu và mong muốn tiếp tục lao động

Nhóm 3: Những người có tiềm năng tự khởi sự kinh doanh, làm chủ hoặc lựa chọn một hướng đi riêng, thậm chí có thể tạo thêm việc làm cho các nhóm khác.

HẢI NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-ho-tro-viec-lam-cho-doi-ngu-can-bo-nghi-viec-sau-sap-xep-bo-may-post846502.html
Zalo