Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động
Sáng 25/4, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh Lâm Đồng phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh và UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đông đảo lãnh đạo các cơ quan chức năng và cán bộ, công nhân, người lao động đã tham dự Lễ phát động.

Lễ phát động được tổ chức tại Công ty Sợi Đà Lạt, Cụm công nghiệp Phát Chi
Đây là hoạt động hòa chung không khí tự hào, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Lạt - Lâm Đồng (3/4/1975 - 3/4/2025), kỷ niệm 139 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2025), là dịp để giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân hàng năm là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn thể người lao động trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động vì sức khỏe, tính mạng của người lao động, vì sự phát triển bền vững của mỗi đơn vị, doanh nghiệp và xã hội.
Trong những năm qua, với nỗ lực của các cấp, ngành và toàn thể người lao động, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả trong công tác an toàn, vệ sinh lao động. Số người chết và bị thương do tai nạn lao động giảm mạnh; nhiều doanh nghiệp đã có giải pháp phòng ngừa, giảm thiều số vụ tai nạn lao động nặng hoặc chết người; đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, người lao động không ngừng được cải thiện.

Tặng quà cho công nhân, người động tại Lễ phát động
Tuy nhiên, bà Lê Thị Thêu - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Đồng, thành viên Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh Lâm Đồng cho biết, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã gây ra những tổn thất nặng nề cho bản thân và gia đình người bị tai nạn; đồng thời, gây thiệt hại không ít về nhân lực và tài lực cho doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Nội vụ, năm 2024, trên toàn quốc đã xảy ra 8.206 vụ tai nạn lao động làm 8.472 người bị nạn; trong đó, số người chết là 584 người, số người bị thương nặng là 1.546 người, thiệt hại 42.565 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Thêu - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Đồng phát biểu tại Lễ phát động
Ở Lâm Đồng, năm 2024, trong khu vực có quan hệ lao động xảy ra 7 vụ tai nạn lao động làm 8 người chết và 5 người bị thương nặng; khu vực không có quan hệ lao động xảy ra 3 vụ tai nạn lao động làm 2 người chết và 1 người bị thương. Tổng thiệt hại từ các vụ tai nạn lao động trong năm 2024 hơn 2,11 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người gồm: Do người sử dụng lao động chiếm 46,91%; do người lao động chiếm 22,88%; còn lại 30,21% xảy ra do các nguyên nhân khác như tai nạn giao thông, tai nạn lao động do người khác gây ra, khách quan khó tránh.

Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho 5 cá nhân xuất sắc
Tháng Hành động an toàn, vệ sinh lao động, Tháng Công nhân năm 2025 với chủ đề: Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới, được tổ chức với mục tiêu nhấn mạnh vào bảo vệ sức khỏe, tính mạng quý giá của người lao động.
Với quyết tâm kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hướng tới một nền sản xuất an toàn, có năng suất cao, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh Lâm Đồng đề nghị các cơ quan, sở ban ngành, các doanh nghiệp và bản thân người lao động quan tâm triển khai thực hiện tốt các nội dung như tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn công tác an toàn, vệ sinh lạo động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng.

Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho 10 tập thể có thành tích trong công tác vệ sinh, an toàn lao động
Các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện thống kê, báo cáo, lập biên bản ghi nhận tai nạn lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động.
Đối với các doanh nghiệp, cần tăng cường hơn nữa việc triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động; trong đó chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, chú trọng phòng ngừa tai nạn lao động do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức về đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người lao động; cải thiện điều kiện làm việc an toàn hơn, tốt hơn và chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại Lễ phát động diễn ra tại Công ty Sợi Đà Lạt
Ông Phạm Văn Được - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, tổ chức Công đoàn tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn trong tỉnh làm tốt một số nội dung như: Tiếp tục tuyên truyền, vận động người lao động tích cực hưởng ứng Phong trào thi đua Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; Phong trào Lao động giỏi - Lao động sáng tạo; học tập nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, tay nghề; đổi mới sáng tạo, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, hiệu suất công tác, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.
Tổ chức Công đoàn tích cực thực hiện tham mưu, đề xuất, phối hợp tổ chức để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cùng cấp và người sử dụng lao động tiếp xúc, đối thoại với đoàn viên, người lao động phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; thăm hỏi, động viên, tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo...
Đối với người lao động hãy chủ động tự bảo vệ chính mình, đồng nghiệp bằng cách làm việc an toàn, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, không chủ quan, lơ là dù chỉ là một thao tác nhỏ.

Diễn tập cứu hộ cứu nạn tại Lễ phát động diễn ra tại Công ty Sợi Đà Lạt
Cũng trong Lễ phát động, 30 công nhân, người lao động đã nhận được quà của UBND tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, 10 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn, vệ sinh lao động đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen.
Dịp này, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ chứu nạn phối hợp cùng lực lượng địa phương, cán bộ, công nhân, người lao động Công ty Sợi Đà Lạt tổ chức diễn tập phòng chống cháy nổ. Đây là hoạt động diễn tập nhằm huấn luyện, hướng dẫn người lao động về quy trình thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ đồng thời nhấn mạnh phương án, hiệp đồng phối hợp trong phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn giữa lực lượng chuyên nghiệp và lực lượng tại chỗ.