'Thuế 46% là thử thách, nhưng cũng là cú hích'
'Thuế 46% là thử thách, nhưng cũng là cú hích để thích ứng và thay đổi. Đây là lúc doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, thương hiệu, để định vị hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế,' TS. Võ Trí Thành nói.

Đánh giá về tác động của động thái áp thuế đối ứng của Mỹ, dự kiến sẽ có hiệu lực từ 9/4 tới, chia sẻ với Mekong ASEAN, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành nói, trước thuế quan mới, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ chịu tác động đầu tiên trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Chi phí xuất khẩu tăng, giá hàng xuất sang Mỹ đội lên, sức cạnh tranh với hàng hóa các quốc gia khác bị ảnh hưởng.
Vào ngày 2/4 theo giờ Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố các mức thuế đối ứng toàn cầu, trong đó, Anh, Brazil, Singapore sẽ chịu 10% thuế. Liên minh châu Âu (EU), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu mức 20-26%. Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao, lần lượt là 34% và 46%.
Cũng chịu ảnh hưởng từ động tác mới nhất của chính quyền ông Trump, hàng hóa Ấn Độ sẽ chịu thuế vào Mỹ 26%. Tại khu vực ASEAN, Thái Lan bị áp thuế 36%; Indonesia (32%), Malaysia (24%), Philippines (17%) và Singapore (10%).
Khuyến nghị đối sách từ chuyên gia
Trong bối cảnh đó, theo ông Thành, Chính phủ cần nghiên cứu ngay các giải pháp ứng phó, đàm phán, thương lượng các giải pháp đối ứng để cân bằng thương mại.
Đồng thời, cần nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; cung cấp thông tin thị trường cụ thể cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp có các hướng tiếp cận thị trường mới.
Về phía doanh nghiệp, theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh mới các doanh nghiệp cần nhận diện bối cảnh, đa dạng hóa thị trường, tận dụng tốt các hiệp định thương mại EVFTA, CPTPP, và đặc biệt, khai thác thị trường nội địa hấp dẫn.
"Với chính sách thuế quan mới, các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam càng thấm thía hơn sự đa dạng, đa phương và tự do kinh tế trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Thuế 46% là thử thách, nhưng cũng là cú hích để thích ứng và thay đổi. Đây là lúc doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, thương hiệu, để định vị hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế," ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Phản ứng nhanh của Chính phủ
Ngay trong sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…
Thủ tướng chỉ đạo một số biện pháp tổng thể, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, vừa trước mắt, vừa lâu dài với phía Hoa Kỳ, để thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, bền vững, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hai bên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan...
Thủ tướng nêu rõ, đây cũng là cơ hội khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Kịch bản đối phó và thông điệp hành động
Theo những phân tích tại báo cáo mới nhất, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV chỉ ra những tác động từ chính sách thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến 5 lĩnh vực của Việt Nam, bao gồm: Điện tử (các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện) chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của sang Mỹ; Dệt may, da giay chiếm 21,9%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm 7,6%; Nông-thủy-hải sản chiếm 3,5%; Thép và nhôm chiếm 2,7% tổng kim ngạch.
Ngoài tác động đến xuất khẩu, cũng theo TS Cấn Văn Lực, chính sách tăng thuế của Mỹ cũng có thể khiến giá cả tăng, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng, thị trường chứng khoán và tiền tệ trong nước sẽ biến động nhiều hơn.
"Chính phủ Mỹ đã thể hiện rõ quan điểm thương mại quốc tế phải cân bằng và công bằng hơn. Việt Nam còn có thể đàm phán đến ngày 9/4, song cần có kịch bản cho các mức thuế khác nhau," TS Cấn Văn Lực nhận định.
Theo đó, ông Lực kiến nghị cần chú trọng các biện pháp thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Mỹ trên nhiều lĩnh vực, tăng cường các kênh đối ngoại đồng thời cần kiên định đa dạng hóa thị trường, đối tác, sản phẩm, tận dụng tốt hơn 17 FTA đã ký kết.
Ngoài ra, các Bộ, ngành liên quan cần xây dựng những nhóm giải pháp đặc thù đối với các ngành, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực nhằm hạn chế suy giảm và quan tâm tăng cường nội lực, tính tự chủ, tự cường và kết nối giữa các khối doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị để đảm bảo tăng khả năng thích ứng, phát triển ổn định và bền vững.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông Lực cho rằng cần chủ động nắm bắt tình hình và thông tin, diễn biến của thị trường, từ đó có các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kinh doanh tuần hoàn nhằm tận dụng nguyên liệu phế thải, giảm chi phí, giảm giá thành để có thể chia sẻ một phần chi phí thuế bị tăng lên cùng với đối tác.