Cơ hội nào cho hòa bình Ukraine sau cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ với Tổng thống Nga và Ukraine?

Những cuộc điện đàm kế tiếp nhau giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đang mở ra triển vọng về đàm phán hòa bình chấm dứt xung đột Nga - Ukraine kéo dài gần 3 năm qua.

Hy vọng về đàm phán hòa bình Ukraine tăng lên sau cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ với những người đồng cấp Nga và Ukraine

Hy vọng về đàm phán hòa bình Ukraine tăng lên sau cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ với những người đồng cấp Nga và Ukraine

Cam kết khởi động ngay đàm phán hòa bình

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra vào ngày 12-2. Đây là cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump tái đắc cử. Trong thời gian 90 phút, Tổng thống Nga và Mỹ đã thảo luận về một loạt vấn đề quan trọng, đặc biệt là cam kết khởi động ngay lập tức các cuộc đàm phán hòa bình cho Ukraine.

Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump mô tả: “Tôi vừa có một cuộc điện đàm rất hiệu quả và kéo dài với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chúng tôi đã thảo luận về Ukraine, Trung Đông, năng lượng, trí tuệ nhân tạo, sức mạnh đồng USD và nhiều chủ đề khác”. Còn Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov nói rằng Tổng thống Putin “nhất trí với ông Trump rằng một thỏa thuận dài hạn có thể đạt được thông qua đàm phán hòa bình”.

Theo ông Trump, ông đã yêu cầu Ngoại trưởng Marco Rubio, Giám đốc CIA John Ratcliffe, Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Waltz và đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff “dẫn dắt các cuộc đàm phán mà tôi tin rằng sẽ thành công”. Đánh giá tiến trình đối thoại giữa Mỹ và Nga nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine, ông Trump cho rằng đã đạt được những tiến triển nhất định, đồng thời cho biết Mỹ đang duy trì liên lạc với cả Nga và Ukraine nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột này.

Theo Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov, ông Putin đã mời ông Trump thăm Matxcơva. Còn ông Trump cho biết mình mong đợi ông Putin sẽ đến Mỹ, đồng thời tiết lộ dự kiến hai ông sẽ gặp nhau tại Saudi Arabia. Nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng, ông Trump cho biết: “Trước hết, chúng tôi có thể gặp nhau ở Saudi Arabia” và hy vọng cuộc gặp sẽ diễn ra “trong tương lai không xa” với sự tham gia của Thái tử Saudi Arabia là ông Mohammed bin Salman.

Ngay sau cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, ông Trump đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Zelensky. Trong cuộc điện đàm kéo dài khoảng 1 giờ này, Tổng thống Ukrainer và Mỹ đã tập trung vào việc chấm dứt xung đột, cơ hội đạt được hòa bình và năng lực công nghệ của Ukraine.

Trong một bài đăng sau đó, ông Zelensky xác nhận đã được người đồng cấp Mỹ thông báo về nội dung cuộc điện đàm với ông Putin. Ông Zelensky khẳng định Kiev mong mỏi hòa bình hơn ai hết và đang cùng Mỹ xác định những bước đi chung để bảo đảm một nền hòa bình lâu dài và vững chắc.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm riêng rẽ với 2 người đồng cấp Nga và Ukraine, Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều nước đã cùng lên tiếng hoan nghênh những nỗ lực giải quyết xung đột giữa Matxcơva và Kiev. Phát biểu với báo giới, Người phát ngôn LHQ Farhan Haq nêu rõ tổ chức này đánh giá cao bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Ông nhấn mạnh cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ với người đồng cấp Nga là “bước đi tích cực”. Quan chức này khẳng định LHQ sẵn sàng đóng vai trò hiệu quả một khi được các bên đề nghị.

Trước đó, các nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết hơn 10 nước thành viên LHQ đang chuẩn bị đệ trình lên Đại hội đồng LHQ một nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột tại đây sắp tròn 3 năm. Dự kiến, Đại hội đồng LHQ có thể bỏ phiếu đối với dự thảo nghị quyết này trong phiên họp toàn thể vào ngày 24-2 tới.

Mỹ và châu Âu chia rẽ về giải pháp hòa bình cho Ukraine

Mặc dù trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Mỹ, cả phía Nga và Ukraine đều bày tỏ mong muốn hòa bình nhưng việc đạt được một thỏa thuận hòa bình là điều không dễ dàng. Trước hết là quan điểm còn rất khác nhau giữa hai bên xung đột. Hôm 10-2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố mọi điều kiện của Tổng thống Putin về chấm dứt xung đột ở Ukraine phải được đáp ứng trước khi có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Tháng 6 năm ngoái, ông Putin đã đưa ra các điều kiện để chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến. Đó là Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và rút quân khỏi toàn bộ 4 vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga tuyên bố chủ quyền và đang kiểm soát phần lớn. Nga cũng tuyên bố bất kỳ lực lượng quân đội nước ngoài nào hiện diện tại Ukraine đều phải có sự chấp thuận của Hội đồng bảo an LHQ. Nga cảnh báo sẽ coi lực lượng quân sự nước ngoài được triển khai tại Ukraine mà không có sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an LHQ là mục tiêu hợp pháp.

Trong khi đó, Ukraine luôn bày tỏ lo ngại bất kỳ giải pháp nào không bao gồm các cam kết vững chắc, như tư cách thành viên NATO cho Kiev hoặc triển khai lính gìn giữ hòa bình phương Tây đến nước này, sẽ chỉ giúp Nga có thời gian tái tập hợp lực lượng để chuẩn bị cho cuộc tấn công mới. Tổng thống Ukraine Zelensky cũng muốn đổi đất với Nga sau khi có thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã khẳng định rằng Nga sẽ không bao giờ thảo luận khả năng trao đổi lãnh thổ Ukraine mà nước này đang kiểm soát để lấy những vùng đất ở tỉnh miền tây Kursk đang nằm trong tay quân đội Ukraine.

Quan điểm của Mỹ và các đồng minh châu Âu trong NATO cũng rất khác nhau trong giải pháp hòa bình cho Ukraine. Phát biểu tại cuộc họp giữa bộ trưởng quốc phòng các nước NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 12-2 vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth tuyên bố bất kỳ tiến trình hòa bình nào cũng “phải bắt đầu bằng cách thừa nhận rằng việc giành lại biên giới Ukraine như trước năm 2014 là mục tiêu không thực tế”, dù Mỹ mong muốn Ukraine là quốc gia “có chủ quyền và thịnh vượng”. Ông Hegseth còn khẳng định: “Cần phải nói rõ rằng Mỹ sẽ không triển khai binh sĩ đến Ukraine như một phần của bất kỳ đảm bảo an ninh nào”.

Mỹ còn cho rằng châu Âu phải gánh vác trách nhiệm lớn hơn trong viện trợ vũ khí sát thương và phi sát thương cho Ukraine trong tương lai. Dù cam kết duy trì liên minh với NATO và quan hệ đối tác quốc phòng với châu Âu, nhưng Washington cảnh báo sẽ không chấp nhận “mối quan hệ mất cân bằng” trong liên minh xuyên Đại Tây Dương khi châu Âu chỉ đóng góp 1/3 trong tổng số 1,44 nghìn tỷ USD ngân sách quốc phòng của NATO. Tổng thống Mỹ Trump gần đây đã kêu gọi các thành viên NATO chi 5% GDP cho ngân sách quốc phòng nhưng chưa có thành viên NATO nào hưởng ứng.

Trước phát biểu của Mỹ rằng Ukraine gia nhập NATO là không thực tế và Mỹ sẽ không còn ưu tiên an ninh cho châu Âu và Ukraine nữa trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump chuyển trọng tâm sang bảo vệ biên giới và đối phó với Trung Quốc, ngoại trưởng 7 nước châu Âu đã có cuộc trao đổi tại Paris về bước tiếp theo trong cuộc xung đột tại Ukraine. Tuyên bố chung của 7 nước, trong đó có Anh, Pháp, Đức và Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh mục tiêu chung là Ukraine và châu Âu phải tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào. Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Pháp Jean Noel Barrot nêu rõ: “Sẽ không có hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine nếu không có sự tham gia của người châu Âu”. Châu Âu chắc chắn sẽ đòi phải được tham gia trong các cuộc đàm phán hòa bình về xung đột ở Ukraine để giữ vai trò, ảnh hưởng và lợi ích của mình.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/co-hoi-nao-cho-hoa-binh-ukraine-sau-cuoc-dien-dam-cua-tong-thong-my-voi-tong-thong-nga-va-ukraine-post603426.antd
Zalo