Cơ hội lớn từ chuyển đổi xanh

Kinh tế xanh thúc đẩy nhiều mô hình kinh doanh sáng tạo, áp dụng công nghệ cắt giảm chi phí, giảm tiêu thụ năng lượng, đồng thời nâng cao giá trị chuỗi cung ứng

Kinh tế xanh với carbon thấp, giảm thiểu tác động đến môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, hướng tới sự phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Đây được xem là bước đi chiến lược không chỉ giúp giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh nhiều nền kinh tế dịch chuyển theo xu hướng nhanh và tuần hoàn.

Tăng tính cạnh tranh

Ông Cao Bá Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho hay với xu thế phát triển kinh tế xanh hiện nay, ngành dừa có lợi thế khi vốn là sản phẩm sạch, tự nhiên và có giá cả cạnh tranh. Ngành dừa đang có kế hoạch bán tín chỉ carbon đối với 50.000 ha dừa để tăng thêm thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, giữa lúc ngành dừa tươi phát triển nóng, dư địa nhiều thì các nhà máy chế biến sản phẩm từ dừa khô lại gặp khó do bị cạnh tranh nguyên liệu. Do vậy, trong tương lai, ngành dừa sẽ quy hoạch lại sản xuất, tăng các giống dừa có giá trị thương mại cao để phục vụ thị trường thay vì phát triển còn tự phát như hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare (thương hiệu tương ớt lên men Chilica, TP HCM) - DN đạt chứng nhận "DN Xanh năm 2024" do UBND TP HCM trao tặng, cho hay nhờ chứng nhận này mà Chilica có lợi thế nhất định khi chào hàng, tạo sự thiện cảm. Tuy nhiên, cốt lõi vẫn là sản phẩm có chất lượng cao và giá cả cạnh tranh, chứ "xanh" thôi là chưa đủ. "Suốt 5 năm qua, khi giá sản phẩm tương ớt trên thị trường đã tăng nhiều lần thì chúng tôi vẫn giữ nguyên giá. Điều này khiến cho khoảng cách giữa sản phẩm tương ớt lên men và tương ớt nấu thu hẹp. Nhờ vậy, khả năng cạnh tranh của chúng tôi tăng lên" - ông Hiền chia sẻ.

Theo ông Hiền, nhiều sản phẩm xanh ra đời bị định giá cao khiến thị trường nhỏ hẹp. Kinh nghiệm của ông Hiền là khi tính khấu hao nhà máy thì dựa vào tổng công suất chứ không phải số lượng sản xuất thực tế để có giá thành thấp hơn. Từ mức giá cạnh tranh, sản phẩm sẽ có thị trường tốt hơn, giúp nhà máy sớm đạt công suất kỳ vọng. "Đây cũng là cách đầu tư cho thị trường, mở rộng phân khúc sản phẩm xanh" - ông Hiền nói.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn - cũng thông tin hiện CLB đã có nhiều DN chuyển đổi sang sản xuất xanh từ những năm trước. Gần đây, một số DN như Mebipha, Xuân Nguyên… cũng đã sản xuất xanh. "Họ hiểu được tính chất quan trọng của sản xuất xanh nhưng DN còn gặp nhiều trở ngại trong quá trình chuyển đổi. Trong đó, trở ngại lớn nhất là nhận thức của DN lẫn người tiêu dùng. Có những DN nhỏ, siêu nhỏ vẫn định hướng đi vào sản xuất xanh một cách bài bản từ khâu nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, bao bì. Trong khi người tiêu dùng chưa thật sự ủng hộ sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường mà ra quyết định tiêu dùng dựa trên giá thành, giá bán" - ông Xuân Vũ nêu thực tế.

Khảo sát gần đây của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy 59% người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm xanh, trong đó 44% sẵn sàng trả thêm chi phí để ủng hộ tiêu dùng bền vững. Thế nhưng thực tế, giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, đa số người tiêu dùng ra quyết định mua sắm dựa trên giá cả và thói quen.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại và truyền thông của Công ty Nestlé Việt Nam, dẫn chứng Nestlé không thể tăng giá sản phẩm tương ứng với chi phí đầu tư chuyển đổi xanh cả chuỗi giá trị từ nguyên liệu, sản xuất, bao bì, vận chuyển… "Đơn cử, ở khâu bao bì, chi phí để làm bao bì thân thiện với môi trường rất đắt, nếu tính đúng, tính đủ vào giá bán sản phẩm thì người tiêu dùng sẽ không chấp nhận, DN mất thị phần ngay lập tức. Sự lựa chọn của người tiêu dùng vẫn là làm sao mua được sản phẩm tốt hơn, giá rẻ hơn, tiện lợi hơn. Trách nhiệm của DN là thông qua các nhãn hàng, các chương trình truyền thông hướng đến người tiêu dùng để nâng cao nhận thức của họ, đồng thời có sự ủng hộ song hành của người tiêu dùng" - ông Hưng nói.

Chuyển đổi sang sản xuất xanh đang là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp sản xuất. Ảnh: THÙY LINH

Chuyển đổi sang sản xuất xanh đang là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp sản xuất. Ảnh: THÙY LINH

Phải kiên trì

Chia sẻ thêm về việc chuyển đổi xanh, ông Hưng nhấn mạnh đây là bài toán không đơn giản, phải thực hiện trong suốt chuỗi giá trị từ giá trị đầu vào, bao gồm canh tác cà phê bền vững, bảo đảm thu nhập cho nông dân, hỗ trợ nông dân áp dụng chuyển đổi số để quản lý nông trại… Ở khâu sản xuất, toàn bộ nhà máy của Nestlé đã đạt mục tiêu không phát thải chôn lấp ra môi trường từ năm 2015, các nhà máy áp dụng công nghệ để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả điện năng, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, áp dụng kinh tế tuần hoàn trong chế biến, sản xuất…

Ngoài ra, trong sản xuất còn có nhiều hoạt động liên quan chuyển đổi xanh - áp dụng công nghệ mới về bao bì, áp dụng những sáng kiến mới để cải tiến bao bì, áp dụng nhựa tái chế, không sử dụng nhựa nguyên sinh, chuyển sang sử dụng bao bì đơn lớp, sử dụng ống hút giấy… nhằm đóng góp vào việc xử lý rác thải nhựa, tiết kiệm tài nguyên…; áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm hao hụt. Khâu vận chuyển cũng được tối ưu hóa nhằm giảm phát thải ra môi trường. "Chi phí thực hiện chuyển đổi xanh được DN xem là những khoản đầu tư dài hạn. Đầu tư chuyển đổi xanh rất tốn kém do liên quan đến đầu tư vào máy móc, phần cứng và phần mềm" - ông Hưng chia sẻ.

Ông Hưng cũng nhìn nhận khó khăn chung của các DN khi chuyển đổi xanh là phải xuất phát từ ý thức của người lãnh đạo cao nhất. Nếu họ nhận thức rằng đây là cần thiết, đem lại giá trị gia tăng, duy trì sự tồn tại và phát triển lâu dài của DN, gia tăng tính cạnh tranh thì hãy làm.

Trong khi đó, bà Phạm Lan, Giám đốc chuỗi cung ứng Canifa Việt Nam, cho biết DN vẫn kiên định với lựa chọn bền vững trên thế chân kiềng "vận hành xanh - đối tác xanh - sản phẩm xanh". Theo đó, phát triển bền vững của DN bắt đầu từ sử dụng nguyên liệu xanh từ tự nhiên như sợi làm từ bột gỗ, sợi tre, bã cà phê…; hạn chế tối đa chất thải công nghiệp, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo phục vụ nhà máy. Hiện nhà máy của Canifa ở Hưng Yên đã giảm thiểu 30% lượng năng lượng tiêu thụ, 100% nước thải được xử lý và tuần hoàn triệt để, không có nước thải ra môi trường. Cùng với đó, DN đang đẩy mạnh lan tỏa hành vi tiêu dùng xanh thông qua định hướng sử dụng sản phẩm xanh. "Chúng ta nhìn thấy thị trường thế giới đang đối mặt nhiều biến động, biến đổi khí hậu nên rất cần hoạt động để nhân rộng thói quen tiêu dùng xanh. Nếu người tiêu dùng không có ý thức, sẽ khó thay đổi xu hướng tiêu dùng, đây cũng là yếu tố tác động tới sản xuất, môi trường kinh doanh" - bà Lan nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang là áp lực kép đối với DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Thực tế là nhiều DN liên tục nhận được những chào mời giải pháp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nhưng lúng túng không biết bắt đầu từ đâu trong điều kiện nguồn lực có hạn.

Thực thi chính sách còn bất cập

Bàn về giải pháp thúc đẩy sản xuất xanh, các DN cho rằng Việt Nam đã có nhiều chính sách cho chuyển đổi xanh nhưng khâu thực thi chính sách còn nhiều bất cập. Cụ thể là sự hỗ trợ các DN chuyển đổi xanh về phí, thuế, chương trình ưu đãi… hiện chưa rõ ràng; dù chính sách đã có nhưng thực thi chính sách thì chưa rõ. Vẫn còn độ chênh giữa các bộ, ngành trong việc thực thi các chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh nên vẫn chưa thật sự thúc đẩy các DN chuyển đổi. "Cần nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ tài chính, thuế… cho DN đầu tư sản xuất xanh. Song song đó, đẩy mạnh truyền thông để DN, người dân biết đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh" - ông Lư Nguyễn Xuân Vũ bày tỏ.

(Còn tiếp)

THANH NHÂN - NGỌC ÁNH - LÊ THÚY

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/co-hoi-lon-tu-chuyen-doi-xanh-196250217212539373.htm
Zalo