Cơ hội kết nối, hợp tác phát triển du lịch
Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh lần thứ 17 năm 2023 (ITE HCMC 2023) vừa khép lại với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, tạo cơ hội cho hàng ngàn người mua và người bán kết nối, hợp tác cùng phát triển. Bên cạnh đó, tại các diễn đàn, hội thảo chuyên đề, chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng nhau phân tích, tìm lời giải cho bài toán phát triển du lịch bền vững.
Phát triển du lịch văn hóa gắn với bảo vệ thiên nhiên
Trong khuôn khổ ITE HCMC 2023, một trong những sự kiện được quan tâm là hội thảo ngành Du lịch và khách sạn, nghỉ dưỡng Việt Nam - cơ hội và thách thức. Hội thảo đã gợi mở những hướng đi mới cho việc vận hành, xúc tiến ngành Du lịch và khách sạn thông qua những thông tin mới nhất về xu hướng, sự chuyển đổi thích nghi cùng triển vọng tương lai của ngành Du lịch, khách sạn tại Việt Nam và trên thế giới.
Bàn về lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, các chuyên gia chỉ ra rằng: Sau một giai đoạn tăng trưởng nóng, thị trường đang giảm tốc với nhiều dự án triển khai dang dở, nhiều dự án chưa đạt được hiệu quả tối ưu. “Dẫu vậy, một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng chất lượng vẫn ghi nhận kết quả hoạt động tích cực và duy trì đà phục hồi tốt. Việc hoạch định kỹ lưỡng và quản lý vận hành chỉn chu là các yếu tố tiên quyết hỗ trợ quá trình khôi phục của dự án hiệu quả hơn”, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels & WeHub (TP Hồ Chí Minh), người điều phối phiên thảo luận thông tin.
Bên cạnh những triển vọng, các chuyên gia cũng chỉ ra những thách thức mà ngành Du lịch sẽ phải đối mặt. Một trong số đó là sự phát triển quá ồ ạt về hạ tầng du lịch dẫn đến hệ quả tất yếu là sự chật chội và suy thoái về môi trường.
Theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam vẫn còn thiếu các sản phẩm lưu trú mới đáp ứng nhu cầu của nhóm khách trẻ, vốn là tệp khách chú trọng không gian trải nghiệm chứ không chỉ đơn thuần là nơi lưu trú. Phần lớn các thương hiệu khách sạn trên thị trường hiện nay thuộc nhóm truyền thống, chưa có nhiều sự hiện diện của các thương hiệu mang tính trải nghiệm lifestyle. “Thời gian và không gian đang dần trở thành một khái niệm sang trọng mới. Sự sang trọng đúng nghĩa phải tạo ra một không gian thư giãn cho tâm trí thông qua các yếu tố chất lượng dịch vụ, tiện ích, ánh sáng và không khí; chứ không đơn thuần chỉ dựa vào việc sử dụng các chất liệu cao cấp”, nhiều chuyên gia bày tỏ sự đồng thuận về quan niệm này.
Từ phân tích thực trạng tại Việt Nam và xu hướng du lịch hiện nay trên thế giới, các chuyên gia khuyến nghị các địa phương cần chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Các khu, điểm, sản phẩm du lịch nên dựa trên giá trị nổi bật về văn hóa, sinh thái bản địa và các dịch vụ đặc trưng là những yếu tố quyết định để phát triển thương hiệu, khẳng định sự đẳng cấp và riêng có.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Mộc Miên Group - chuỗi sản phẩn nghỉ dưỡng homestay Mộc Miên và du lịch sinh thái thác Jrai Tang (huyện Sông Hinh), cho biết: “Hội thảo này rất hữu ích. Nó mở ra cho mình những góc nhìn, giá trị mới, nhiều thông tin hữu ích. Có thể thấy du lịch Phú Yên đang sử hữu tài nguyên thiên nhiên và nhân văn vô cùng phong phú, vấn đề là đầu tư phát triển theo đúng hướng để mang lại giá trị bền vững”.
Hợp tác cùng phát triển
Tại ITE HCMC 2023, hơn 9.000 cuộc hẹn thương mại B2B (viết tắt của thuật ngữ Business To Business) - giao dịch trực tiếp giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp đã được thiết lập. Đây được xem là giải pháp trực tiếp và quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng ngành Du lịch, trong đó có thị trường khách quốc tế đến Việt Nam. Đại diện Vietravel, một trong những thương hiệu du lịch Việt Nam, cho hay đơn vị kỳ vọng rất nhiều về những cơ hội đến với bạn bè quốc tế tại ITE HCMC 2023. Dịp này, công ty cũng đón khoảng 10 đoàn khách từ các nơi trên thế giới như Ấn Độ, vùng Vịnh, châu Âu. Doanh nghiệp kỳ vọng mảng du lịch năm 2024 tăng tưởng 135% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với ngành Du lịch Phú Yên, tham gia hội chợ ITE HCMC là cơ hội để tiếp xúc, kết nối với những doanh nghiệp du lịch lớn trong nước. Sở VH-TT&DL và Hiệp hội Du lịch Phú Yên đã đồng hành cùng các doanh nghiệp du lịch thành viên trong câu chuyện kết nối, hợp tác này. Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Dịp này, du lịch Phú Yên đã gặp gỡ với Ban Chấp hành Diễn đàn Doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ (VTF), Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist, Ban Sản phẩm dịch vụ - Vietravel. Đây là những thương hiệu lữ hành mạnh của du lịch Việt Nam mà du lịch Phú Yên và các doanh nghiệp du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh rất cần sự liên kết, hợp tác để cùng phát triển. Qua các cuộc gặp gỡ, phía các doanh nghiệp đối tác đánh giá cao điểm đến Phú Yên và cho biết sẽ có những bước tiến trong hợp tác một cách cụ thể”.
Theo ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, bên cạnh những điểm nổi bật của du lịch Phú Yên được các doanh nghiệp du lịch đánh giá cao, thì họ cũng thẳng thắn nêu ra những hạn chế, như: hạ tầng chưa đáp ứng, sản phẩm du lịch đơn điệu, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực hạn chế… “Về cơ bản, các cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp du lịch lữ hành lớn ở TP Hồ Chí Minh và cả nước trong dịp này đã mở thêm cơ hội liên kết, hợp tác, cùng phát triển. Dự kiến, tháng 11 tới, Hiệp hội Du lịch Phú Yên sẽ tổ chức đoàn famtrip đến các tỉnh phía Nam và tổ chức gặp mặt thân mật, quảng bá du lịch Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh”, ông Tiến cho biết thêm.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Phú Yên tham gia hội chợ ITE HCMC 2023 cũng đã có những cuộc hẹn B2B thành công. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Mộc Miên Group cho biết: “Dịp này, chúng tôi đã gặp gỡ và làm việc với một số đối tác trong nước và quốc tế. Họ đánh giá cao điều kiện sinh thái của các điểm đến Phú Yên và chúng tôi bước đầu có những ghi nhớ cho sự hợp tác. Mộc Miên Group và Tây Giang Group (Quảng Nam) cùng một số doanh nghiệp du lịch các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu đang đặt mối liên kết cùng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái để thu hút dòng khách quốc tế thích trải nghiệm thiên nhiên”.
ITE HCMC 2023 mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước mở rộng thị trường, đưa du khách quốc tế đến Việt Nam, giúp các địa phương, doanh nghiệp trong nước tìm kiếm đối tác, giúp du lịch Việt Nam tăng tốc, phát triển bền vững. Đây cũng chính là hành động cụ thể triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và các nghị quyết 127, 128 của Chính phủ về chính sách thị thực, xuất nhập cảnh mới được ban hành.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, từ năm 2022, khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, du lịch Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực. Theo đó, 8 tháng đầu năm 2023, cả nước đã đón hơn 87 triệu lượt khách, đạt 70% so với năm 2019; trong đó, khách quốc tế là 7,8 triệu lượt, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2022 (đạt 98% kế hoạch năm 2023). Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 482.000 tỉ đồng. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của quá trình hợp tác quốc tế về du lịch giữa các quốc gia, khu vực trong thời gian qua.