Cơ hội cho phim hoạt hình 3D Việt Nam

Hoạt hình Việt Nam từng lép vế trên màn ảnh rộng, nay dần khẳng định vị thế với dự án 'Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu'. Phim vừa khơi dậy văn hóa dân gian, vừa thổi hồn hiện đại bằng kỹ xảo 3D, mở ra cơ hội mới cho ngành hoạt hình nội địa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đoàn làm phim “Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu” giao lưu với sinh viên tại Hà Nội.

Đoàn làm phim “Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu” giao lưu với sinh viên tại Hà Nội.

Trong bối cảnh ngành điện ảnh đang nỗ lực khẳng định vị thế trên bản đồ khu vực và quốc tế, sự ra đời của bộ phim hoạt hình 3D chiếu rạp đầu tiên “Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu” là dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho ngành phim hoạt hình trong nước - lĩnh vực từng bị đánh giá là lặng lẽ và lép vế so với các dòng phim khác.

Điều đáng ghi nhận trong dự án phim hoạt hình Việt Nam lần đầu ra rạp này là đạo diễn cùng ê-kíp đã khơi dậy kho tàng văn hóa dân gian giàu có nhưng lâu nay tưởng chừng bị lãng quên hoặc chỉ khai thác manh mún, rời rạc.

Gỡ nút thắt cố hữu của hoạt hình

Từ huyền tích Trâu Vàng ở Hồ Tây (Hà Nội), đan cài với thần tích chùa Kim Ngưu ở Bắc Ninh, phim “Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu” đã mở rộng không gian, chiều sâu văn hóa bằng việc gợi nhắc đến “Lĩnh Nam chích quái” - kho tàng các câu chuyện yêu quái, anh hùng và các trận chiến mang sắc màu thần thoại Việt. Đây là lựa chọn mang tính chiến lược: thay vì tạo ra một thế giới hoàn toàn tưởng tượng, đạo diễn đã kiến tạo có gốc rễ, giúp khán giả dễ kết nối và tự hào.

Điểm đặc sắc nằm ở chỗ: phim không “minh họa” dân gian mà thật sự kể chuyện bằng dân gian thông qua ngôn ngữ, nhân vật, bối cảnh. Khán giả sẽ bắt gặp làng Khoai cổ kính với cây đa, giếng nước, sân đình… đặc trưng cho làng quê Bắc Bộ; trang phục áo tứ thân, váy đụp, khăn xếp… gợi bao ký ức, hoài niệm. Trạng Quỳnh vốn là hình tượng quen thuộc trong văn học dân gian được xây dựng thành nhân vật nhí thông minh, tinh nghịch, đầy lòng quả cảm.

Chất dân gian trong “Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu” không bị đóng khung trong sự cũ kỹ mà đã được thổi hồn hiện đại bằng ngôn ngữ điện ảnh 3D với sự sống động, kỹ xảo mượt mà, màu sắc tươi sáng, dàn dựng hành động công phu. Các cảnh rượt đuổi, chiến đấu với thế lực tà ác tạo nên kịch tính, truyền tải sắc nét tinh thần chiến đấu, đồng lòng vượt khó - giá trị cốt lõi tích truyện dân gian xưa gửi gắm.

Nhờ đó, phim vừa hấp dẫn trẻ em bởi màu sắc kỳ ảo, vừa chạm đến cảm xúc người lớn - những khán giả có nhu cầu tìm về cội nguồn văn hóa trong một định dạng tươi mới. Đây chính là cách đạo diễn - Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Lâm Tùng thể hiện tư duy hội nhập bằng bản sắc, biến văn hóa truyền thống thành “nền móng” để phát triển những tác phẩm hiện đại, chinh phục thị trường trong nước, từng bước tiệm cận quốc tế.

Việc sử dụng công nghệ 3D tiên tiến, kết hợp nền tảng phát hành đa kênh (rạp chiếu và digital) cùng sự phối hợp của Galaxy Studio cho thấy hướng đi chiến lược nhằm đưa hoạt hình Việt từ sản phẩm nghệ thuật nội địa thành tác phẩm văn hóa có thể “xuất khẩu”.

Theo chia sẻ của giới chuyên môn về điện ảnh, ngành hoạt hình Việt chủ yếu vẫn vận hành theo kiểu “tự phát”, phần lớn nghệ sĩ giỏi buộc phải làm gia công cho các studio quốc tế để kiếm sống, trong khi các dự án nội địa thường không đủ kinh phí, nhân lực và thời gian để phát triển đúng chuẩn… Trong khi đó, ngành có lực lượng họa sĩ trẻ tài năng, nhiều người từng tham gia những siêu phẩm quốc tế (Netflix, Disney, Nickelodeon…).

Một vấn đề đáng chú ý khác là việc thiếu cơ chế đãi ngộ, đào tạo bài bản. Nhiều đơn vị hoạt hình hoạt động ở quy mô nhỏ, mang tính thử nghiệm hoặc phụ thuộc vào nguồn tài trợ không ổn định; không có trường lớp chuyên sâu nào đủ quy mô để đào tạo cả ba trụ cột quan trọng: biên kịch, đạo diễn, kỹ thuật khiến quá trình sản xuất thường “học mót” từ nước ngoài hoặc “chắp vá”, thiếu đồng bộ trong cách kể chuyện, dàn dựng. Điều này dẫn đến hiện tượng phổ biến: ý tưởng có nhưng không đủ lực để triển khai thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Thực tế cho thấy, một bộ phim như “Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu”, dù được khen ngợi giàu bản sắc, có nỗ lực, nhưng vẫn là kết quả của sự hy sinh lớn từ một nhóm nhỏ nghệ sĩ, chứ không phải sản phẩm của cả guồng máy công nghiệp. Số lượng ít ỏi tác phẩm hoạt hình nội địa xuất sắc gần như là hành trình đơn lẻ, thiếu cơ chế tiếp sức từ Nhà nước, doanh nghiệp hoặc cộng đồng tiêu dùng. Trong khi đó, ở các nước có nền hoạt hình mạnh, như: Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ, mỗi bộ phim là kết tinh của chuỗi giá trị khép kín, từ giáo dục, sáng tạo, công nghệ cho đến truyền thông, thương mại hóa. Nếu thiếu một “hệ sinh thái hỗ trợ chuyên nghiệp”, mọi nỗ lực hiện nay có thể chỉ là nỗ lực tồn tại, chưa đủ để tạo nên ngành công nghiệp sáng tạo bền vững.

Vấn đề không kém phần quan trọng còn là nhận thức của khán giả và thị trường nội địa. Nếu người tiêu dùng chưa coi hoạt hình là một lĩnh vực nghiêm túc mà chỉ là sản phẩm “trẻ con xem chơi” thì việc đầu tư cho ngành này sẽ mãi ở mức nhỏ lẻ. Trong bối cảnh đó, một bộ phim hoạt hình 3D “made in Việt Nam” ra đời có thể được xem như “cú huých”, cũng là lời nhắc nhở rằng đã đến lúc cần nhìn nhận lại vai trò của hoạt hình trong tổng thể nền văn hóa - sáng tạo quốc gia.

Phải lấy khán giả làm “lõi”

Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Tuấn - người đã có hơn 35 năm kinh nghiệm với ngành hoạt hình, nhấn mạnh: Việc phim hoạt hình Việt Nam bắt đầu chinh phục trên màn ảnh rộng là tín hiệu đáng mừng, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình hội nhập, phát triển. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui đó là vô vàn áp lực mà những người làm nghề phải đối mặt.

Trước hết, kịch bản cần thật sự mới mẻ, hấp dẫn, mang dấu ấn sáng tạo; không thể tiếp tục lặp lại mô típ cũ, chỉ minh họa truyện cổ tích hay kể lại nhân vật lịch sử theo kiểu tài liệu khô khan; cần có chiều sâu, thông điệp rõ ràng, giàu cảm xúc và phản ánh được hơi thở của thời đại; phải sáng tạo đồng đều về mặt kỹ thuật, được trang bị hệ thống thiết bị hiện đại. Với mức chi phí sản xuất trung bình khoảng 20 tỷ đồng cho một bộ phim và sẽ cao hơn rất nhiều nếu ứng dụng công nghệ phức tạp thì đây là bài toán khó đối với các doanh nghiệp hoạt hình trong nước, nhất là các hãng phim vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, giới chuyên môn nhận định, thế giới hiện đang có một “cơn khát” nội dung bản địa. Các nền tảng, như: Netflix, Disney, Amazon Prime... liên tục mở rộng danh mục phim hoạt hình từ châu Á, châu Phi, Nam Mỹ… khi nhận ra khán giả vừa muốn xem phim hay, vừa muốn khám phá thế giới qua văn hóa của các khu vực khác. Yếu tố này tạo ra cơ hội rất rõ ràng cho hoạt hình Việt Nam nếu đầu tư nghiêm túc, chiến lược vào nội dung, có gốc rễ văn hóa và được sản xuất với tiêu chuẩn kỹ thuật toàn cầu.

Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng nhấn mạnh: Muốn hoạt hình phát triển bền vững, trước tiên phải lấy khán giả làm lõi, nếu không tạo ra giá trị thụ hưởng thật sự cho khán giả thì tác phẩm khó bền, càng không thể làm nền móng cho một ngành công nghiệp vững chắc. Do đó, việc xây dựng mối quan hệ tương hỗ, chuyên nghiệp, bền chặt giữa nhà làm phim và người xem là điều sống còn. Mỗi bộ phim là thêm cơ hội lắng nghe, học hỏi từ chính người thưởng thức. Các buổi chiếu phim, giao lưu trực tiếp, những lời nhận xét thẳng thắn là nguồn dữ liệu quý giúp người làm nghề điều chỉnh, đổi mới theo cách thực tế nhất.

Để hoạt hình nội địa thoát khỏi tình trạng manh mún, cầm chừng, tồn tại dựa vào đơn hàng thuê bên ngoài, cần chiến lược tổng thể, xuyên ngành và lâu dài, từ đào tạo nhân lực, đầu tư vốn, cải cách chính sách bản quyền… cho đến xây dựng chuỗi giá trị hậu kỳ như phân phối, thương mại hóa hình ảnh, liên kết văn hóa, giáo dục, du lịch.

Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh xuất khẩu “văn hóa mềm” thông qua điện ảnh, trong đó có hoạt hình thì Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi khi sở hữu kho tàng thần thoại, dân gian phong phú, đặc sắc cùng thế hệ trẻ tài năng trong các lĩnh vực thiết kế, công nghệ, nghệ thuật thị giác. Những sản phẩm như “Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu” nếu được phát triển tiếp với hệ thống kịch bản chắc tay, kỹ xảo đồng bộ, thiết kế âm thanh, hình ảnh chuyên nghiệp… hoàn toàn có thể trở thành đại diện tiêu biểu cho thương hiệu hoạt hình Việt.

Bài và ảnh: MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/co-hoi-cho-phim-hoat-hinh-3d-viet-nam-post881423.html
Zalo