Bảy quốc gia châu Âu kêu gọi Israel đảo ngược chính sách hiện tại đối với Gaza
Các quốc gia châu Âu, Ả Rập, cũng như LHQ đã đưa ra phản ứng mạnh mẽ, khi Israel tiếp tục phong tỏa toàn diện đối với Gaza, cắt đứt hoàn toàn nguồn tiếp cận thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm của hơn 2 triệu người Palestine trong hơn hai tháng rưỡi qua, gây ra thảm họa nhân đạo chưa từng có.
Trong một tuyên bố chung vào cuối ngày thứ 16/5, các nhà lãnh đạo Iceland, Ireland, Luxembourg, Malta, Slovenia, Tây Ban Nha và Na Uy cho biết, họ “sẽ không im lặng” trước thảm họa nhân đạo được cố ý gây ra ở Gaza, khi lệnh phong tỏa của Israel đã ngăn cản việc cung cấp lương thực và viện trợ nhân đạo cho hơn 2 triệu người Palestine trong hai tháng rưỡi qua.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Israel ngay lập tức đảo ngược chính sách hiện tại, kiềm chế các hoạt động quân sự tiếp theo và dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa, đảm bảo viện trợ nhân đạo được tiếp cận, phân phối an toàn, nhanh chóng và không bị cản trở trên khắp dải Gaza bởi các tổ chức nhân đạo quốc tế.”, tuyên bố viết.
Tuyên bố nhấn mạnh, hơn 50.000 người Palestine, bao gồm phần lớn phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng trong hơn 19 tháng xung đột. Hàng ngàn người khác có thể chết đói trong những ngày và tuần tới nếu không có hành động ngay lập tức.
Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập lần thứ 34, khai mạc ngày 17/5 tại Baghdad, Iraq, Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út, Adel al-Jubeir, kêu gọi ngừng bắn lập tức ở Gaza và phản đối mọi nỗ lực cưỡng bức di dời người Palestine.
Ông Al-Jubeir kêu gọi nỗ lực chung “để giảm bớt đau khổ nhân đạo của người dân Palestine”; đồng thời cho biết “tội ác” và vi phạm của Israel ở Gaza là hành vi “vi phạm trắng trợn Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế”.
Ngoại trưởng Al-Jubeir cũng cho biết, Ả Rập Xê Út bác bỏ “bất kỳ giải pháp nào không đáp ứng được nguyện vọng của người dân Palestine về việc khôi phục quyền tự quyết hợp pháp của họ, cụ thể là thành lập một nhà nước có chủ quyền, độc lập, theo đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô”.

Người dân Palestine trông chờ vào những bếp ăn từ thiện cuối cùng còn hoạt động ở Gaza, ngày 14/5. Ảnh: Mahmoud Issa/Reuters/Aljaseera.
Trong một tuyên bố trên Telegram, Hamas cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh ở Baghdad “áp dụng lệnh trừng phạt khẩn cấp” đối với Israel.
“Quân chiếm đóng tiếp tục gây ra các vụ thảm sát nhằm vào dân thường, nhắm vào các khu dân cư và nơi trú ẩn, khiến hàng trăm người chết và bị thương, trong bối cảnh áp đặt lệnh phong tỏa ngột ngạt và cắt đứt hoàn toàn viện trợ.”, tuyên bố của Hamas nói; mô tả tình hình hiện tại là “một cuộc diệt chủng toàn diện” đang diễn ra trước sự bất lực của cả thế giới.
Hội đồng Châu Âu cũng lưu ý, Gaza đang phải chịu đựng “nạn đói có chủ đích”, đồng thời cảnh báo, Israel đang “gieo những hạt giống” tiếp theo cho phong trào kháng chiến Hamas tại dải đất, ám chỉ rằng, hành động của Israel đang tạo ra mối hận thù lâu dài của các thế hệ người Palestine.
Báo cáo viên về Trung Đông tại Nghị viện Hội đồng Châu Âu, Dora Bakoyannis, cho biết, đã đến lúc phải xem xét về mặt đạo đức đối với cách đối xử với người Palestine, điều đáng ra phải được thực hiện từ lâu.
Lời kêu gọi của châu Âu được đưa ra vài giờ sau khi Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp, đồng thời là người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) tại Gaza, Tom Fletcher, cho biết, 160.000 kệ hàng cứu trợ và 9.000 xe tải đã sẵn sàng vào Gaza.
Clip được cho là 1 vụ không kích của Israel gần các nhân viên cứu hộ. Nguồn: The Times of Palestine
Ông Fletcher nói rằng, họ có nhân lực, có mạng lưới phân phối và nhận được sự tin tưởng của cộng đồng trên thực địa; hơn nữa, hàng cứu trợ của OCHA đã trong trạng thái sẵn hàng được chuyển đi; đồng thời cảnh báo Mỹ và Israel, đừng lãng phí thời gian khi đề xuất một phương thức phân phối hàng nhân đạo thay thế.
“Chúng tôi yêu cầu việc cung cấp viện trợ nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở cho những người dân đang cần chúng. Hãy để chúng tôi làm việc.”, ông Fletcher nói.
Israel đã phong tỏa toàn diện, cắt đứt việc đưa thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm vào Dải Gaza kể từ ngày 2/3, nói rằng, để gây áp lực buộc Hamas thả con tin.
Các cơ quan của LHQ và các nhóm nhân đạo khác đã cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nguồn thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men để cung cấp cho khoảng 2,4 triệu người Palestine đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.
Trước đó, Mỹ và Israel cho biết họ đang chuẩn bị một kế hoạch cho phép tiếp tục phân phối viện trợ nhân đạo ở Gaza bằng một tổ chức phi chính phủ khác, trong nỗ lực ngăn chặn việc hàng cứu trợ rơi vào tay Hamas.
Theo kế hoạch viện trợ thay thế bị chỉ trích nặng nề, Quỹ nhân đạo Gaza do Mỹ hậu thuẫn sẽ bắt đầu hoạt động tại Gaza vào cuối tháng 5.

Tình cảnh của người Palestine ở Dải Gaza. Nguồn: The Times of Palestine.
Một nguồn tin thân cận với kế hoạch này cho biết, họ có ý định hợp tác với các công ty an ninh và hậu cần tư nhân của Mỹ để vận chuyển hàng viện trợ vào Gaza đến các trung tâm an ninh, nơi hàng viện trợ sẽ được phân phối bởi các nhóm cứu trợ. Hiện vẫn chưa rõ Quỹ này sẽ được tài trợ như thế nào.
Quỹ nhân đạo Gaza cũng đã yêu cầu Israel cho phép các hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo của LHQ và các nhóm cứu trợ khác được tiếp tục cho đến khi bộ máy của tổ chức này vận hành hoàn toàn, nói rằng, điều này rất cần thiết để giảm bớt áp lực nhân đạo đang diễn ra.
Tuy nhiên, LHQ cho biết, họ sẽ không làm việc với quỹ này vì kế hoạch phân phối không đáp ứng các nguyên tắc công bằng, trung lập hoặc độc lập. Israel cho biết lệnh phong tỏa, cùng với áp lực quân sự, nhằm mục đích buộc Hamas phải trả tự do cho những con tin còn lại.
Ngày 15/5, quan chức cấp cao của Hamas, Basem Naim, đã nhắc lại lập trường của nhóm rằng, việc đưa hàng viện trợ vào Gaza là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán ngừng bắn nào với Israel.
“Việc tiếp cận thực phẩm, nước sinh hoạt và thuốc men là quyền cơ bản của con người, không phải là chủ đề để đàm phán.”, ông Naim nhấn mạnh.