Cô giáo Loan xoa dịu di chứng chiến tranh

Ở Làng Hữu nghị Việt Nam (gọi tắt là Làng), mỗi bước chân nhỏ bé là một kỳ tích, mỗi nụ cười hé nở là phép màu được đánh đổi bằng bao yêu thương nhẫn nại. Nơi đây, những đứa trẻ mang di chứng chiến tranh không chỉ tìm lại niềm vui sống, mà còn được chở che, dìu dắt bởi những người cô giáo - những 'người thắp lửa' âm thầm thắp sáng hy vọng trong bóng tối của nỗi đau.

Với trái tim đầy bao dung và đôi tay kiên nhẫn, cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên lớp kỹ năng 2 đã gắn bó hơn 1 thập kỷ với những em nhỏ mang hình hài không trọn vẹn, nhưng lại sở hữu những tâm hồn thuần khiết và giấc mơ trong veo. Cô không chỉ dạy các em kỹ năng sống, mà còn truyền cho các em niềm tin, lòng dũng cảm và cảm giác được yêu thương.

 Cô giáo Nguyễn Thị Loan (bên phải) ân cần hướng dẫn học sinh lớp kỹ năng nấu ăn - một công việc nhỏ nhưng là bước đầu để các em học cách tự lập. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Cô giáo Nguyễn Thị Loan (bên phải) ân cần hướng dẫn học sinh lớp kỹ năng nấu ăn - một công việc nhỏ nhưng là bước đầu để các em học cách tự lập. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Trái tim hướng về những đứa trẻ kém may mắn cần yêu thương

Một sáng tháng Tư nắng dịu, chúng tôi tìm về Làng Hữu nghị Việt Nam (huyện Hoài Đức, Hà Nội), nơi được ví như mái nhà của những phận người mang trong mình vết thương thầm lặng từ chiến tranh.

Thành lập ngày 18-3-1998, trực thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Làng là kết tinh của nghĩa tình từ Đảng, Nhà nước, Quân đội, các ban, ngành, đến những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước. Nơi đây không chỉ chăm sóc, mà còn nâng đỡ và chữa lành những mảnh đời chịu di chứng chất độc da cam, thứ tàn tích âm ỉ vẫn gặm nhấm thân thể và giấc mơ của nhiều thế hệ.

Hơn hai thập kỷ qua, Làng đã chở che cho hàng trăm trẻ em là thế hệ thứ hai, thứ ba của nỗi đau da cam. Các em đến với cuộc đời bằng hình hài khiếm khuyết: Dị tật, câm điếc, bại não, tự kỷ... nhưng lại được ươm mầm bằng yêu thương, phục hồi chức năng, học chữ, học nghề, học cách sống, để từng bước hòa nhập.

Tốt nghiệp ngành thương mại - du lịch, cô giáo Nguyễn Thị Loan từng có công việc ổn định ở một tập đoàn lớn. Vậy mà một ngày, cô bất ngờ rẽ ngang sang ngành giáo dục đặc biệt và dạy tại Làng. Ngày đầu tiên bước vào Làng, cô Loan đã gặp những ánh mắt không giống bất kỳ ánh mắt trẻ thơ nào cô từng biết. Đó là ánh nhìn ngơ ngác, bất an, đôi khi vô hồn của những đứa trẻ chịu ảnh hưởng từ chất độc da cam, những em nhỏ không nói được, tăng động hay đi lại khó khăn, không kiểm soát được hành vi của mình.

Cô Loan chia sẻ: “Có thể lần đầu gặp các em sẽ có người sợ hãi, có người quay lưng, nhưng tôi thì không. Tôi đến gần, nhẹ nhàng nắm lấy những bàn tay nhỏ bé, co quắp. Những cái chạm đầu tiên ấy như thức tỉnh trong tôi một điều gì đó rất sâu sắc. Từ khoảnh khắc ấy, tôi không còn coi dạy học là công việc mà là sứ mệnh”.

Giờ học kỹ năng sống của cô Loan luôn tràn ngập tiếng cười. Với cô, mỗi tiến bộ dù là nhỏ nhất của học trò đều là một phép màu. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Giờ học kỹ năng sống của cô Loan luôn tràn ngập tiếng cười. Với cô, mỗi tiến bộ dù là nhỏ nhất của học trò đều là một phép màu. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Lớp học của những “chiếc lá nghiêng”

Lớp học của cô Loan có 9 học sinh, hầu hết đều ở tuổi thiếu niên và trưởng thành, nhưng mang nhận thức của một đứa trẻ. Lớp học ấy cũng không có bảng đen, cũng chẳng có thước kẻ, phấn trắng. Ở đó chỉ có những bài học về cách cầm cái thìa, cách gấp cái áo, cách mỉm cười khi ai đó chào mình. Những điều tưởng chừng bé nhỏ với người bình thường, nhưng lại là cả một “đỉnh núi cao” với các em.

“Có bạn mất 3 tháng mới học được cách chào cô. Có bạn chỉ cần bị bạn khác không cho chơi chung là sẽ la hét, tự làm đau bản thân. Các con không cần học chữ nhiều, mà cần học cách đánh răng, rửa mặt, gội đầu. Biết tự xúc ăn, biết cắm cơm, biết phân biệt màu sắc, biết tránh nguy hiểm và bước ra ngoài an toàn... Vậy nên, mỗi hành vi, mỗi thay đổi nhỏ của các con, đều là kết quả của trăm lần kiên nhẫn, ngàn lần yêu thương”, cô Loan kể.

Theo chia sẻ của cô Loan, có những bài học không có trong giáo án, không có lịch trình cố định. Đôi khi, nó như một bản nhạc ứng tác tùy theo tâm trạng, cảm xúc và sức khỏe của từng học trò. “Bởi mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng. Và tôi chọn cách bước vào thế giới ấy... bằng tình thương”, nữ giáo viên lớp kỹ năng 2 bộc bạch.

Với mỗi học sinh, cô Loan xây dựng một kế hoạch học tập cá nhân riêng “không ai giống ai”. Cô Loan cho biết, có bạn thì cần học nói rành mạch, bạn thì học cách không làm đau mình khi nổi giận, có bạn học kiên nhẫn đứng chờ đến lượt...

Cô Loan cho rằng: “Không thể đem một thước đo chung cho các con. Có bạn mất 2 năm để cắm được nồi cơm, có bạn phải dạy suốt cả năm trời chỉ để biết lau nhà đúng cách”.

Các em nhỏ tại Làng cùng nhau tập thể dục sau mỗi giờ giải lao, mỗi động tác là một bước gần hơn tới cuộc sống tự lập. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Các em nhỏ tại Làng cùng nhau tập thể dục sau mỗi giờ giải lao, mỗi động tác là một bước gần hơn tới cuộc sống tự lập. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Quả ngọt của cô và trò

Hỏi đến kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những năm làm nghề, cô Loan nhắc đến em Đoàn Trung Đức, một học sinh down ở Thái Bình đã được hòa nhập cộng đồng trở về với gia đình.

Cô Loan kể: “Ngày mới vào lớp, Đức khá bướng bỉnh, hay dỗi. Chỉ một ánh mắt lơ đãng hay bạn bè không chơi cùng cũng đủ khiến em nổi nóng, thậm chí tự gây tổn thương. Tôi vẫn nhớ như in buổi chiều hôm ấy, cô hốt hoảng chạy theo Đức ra hành lang, bắt gặp em cầm một con dao nhỏ áp vào cổ tay. Đã có lần, em trèo qua lan can, định gieo mình xuống...”.

Nhưng bằng tình yêu, sự kiên trì và gắn bó, cô đã kéo em về lại với thế giới của những điều kỳ diệu. Cũng kể từ ấy, Đức đã trở thành cậu “trợ lý nhỏ” của cô Loan. Em biết dọn lớp, giúp bạn, nhắc nhở cả lớp khi cô vắng mặt. Em như cái bóng nhỏ của cô trong lớp vậy.

Hay như bạn Bảo Long, một cậu bé mất gần hai năm mới thành thạo việc lau nhà, xách nước, rửa bát, tưới cây. Từng ngày, từng việc nhỏ nhặt nhất, đều phải kiên trì chỉ dạy, động viên. Rồi bạn Nhất, một học sinh nam có hành vi “kỳ quặc” khi hay trộm quần áo nữ mặc vào người, mặc tới 6-7 lớp quần rồi vứt bỏ. Nhưng nay, em đã biết mình là ai, tự kiểm soát được bản thân, đã học được tôn trọng bản thân và người khác.

Bằng cả tấm lòng yêu thương với học sinh của mình, cô Loan cho rằng, mỗi em là một mảnh ghép, đầy thương tổn và khác biệt. Với cô, đó là những “mảnh ghép không thể thiếu” trong cuộc sống.

“Thật sự là thương. Nếu không có việc gì thật sự bận, tôi không muốn nghỉ một ngày nào. Ở nhà thấy thiếu vắng lắm, trong đầu lúc nào cũng nghĩ về các con... Đó là gia đình thứ hai của tôi”, cô Loan nghẹn ngào nói.

 Trong lớp học nhỏ đầy ắp yêu thương, các cô giáo luôn kiên nhẫn dạy từng em cách gọi tên đồ vật, cách lắng nghe và cách hướng về tương lai… Ảnh: HẢI ĐĂNG

Trong lớp học nhỏ đầy ắp yêu thương, các cô giáo luôn kiên nhẫn dạy từng em cách gọi tên đồ vật, cách lắng nghe và cách hướng về tương lai… Ảnh: HẢI ĐĂNG

Gắn bó tại Làng với những đứa trẻ không thể gọi cô bằng tên, không viết nổi chữ “mẹ”, nhưng lại chạy ào đến ôm cô khi vui, khi buồn. Hạnh phúc của cô giáo Loan giản dị lắm, có thể là lúc một học trò cười khi lần đầu tự rửa mặt không cần nhắc, hay khi một em lắp bắp “cô ơi” sau mấy năm chỉ ú ớ.

Cùng với sự chung tay của nhiều tấm lòng hảo tâm trong nước và quốc tế, Làng còn giúp những em đủ điều kiện được hòa nhập cộng đồng và lập nghiệp tại quê nhà. Có em nuôi gà, có em nuôi tôm, nuôi bò, có em mở tiệm nhỏ, và năm nào, cô Loan cũng hỏi han, dõi theo hành trình của các em, như cách một người mẹ dõi theo từng bước trưởng thành của đứa con của mình.

Có những người phụ nữ không đứng giữa sân khấu, cũng chẳng cần một tràng pháo tay. Họ lặng lẽ đi qua cuộc đời như cơn gió dịu, như ngọn đèn nhỏ cháy âm ỉ trong đêm, soi sáng những số phận chìm khuất trong bóng tối...

Cô Nguyễn Thị Loan, người mẹ hiền của lớp học đặc biệt ở Làng Hữu nghị Việt Nam là một người như thế. Giữa những đứa trẻ không trọn vẹn về hình hài nhưng nguyên vẹn về tâm hồn, cô là nhịp cầu nâng bước, là tiếng hát ru cuộc đời bình yên giữa những vết thương dai dẳng của quá khứ chiến tranh. Trong hành trình hàn gắn di chứng da cam, cô không chỉ trao tri thức, mà còn gieo vào từng ánh mắt thơ ngây một niềm tin, rằng: “Dẫu mang hình hài khác biệt, con vẫn xứng đáng được yêu thương như bao người”.

KHÁNH NGÂN - HẢI ĐĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/co-giao-loan-xoa-diu-di-chung-chien-tranh-825765
Zalo